Aa

Chuyện nhặt ở Thái Lan

Thứ Hai, 22/04/2019 - 06:00

Ở đấy vẫn còn 3 liệt sĩ của chúng ta. Cái sân bay ấy, giờ nó mênh mông choáng ngợp. Và cái phố giò chả vẫn nườm nượp người vào mua...

1. Hồi đang còn chiến tranh Việt Nam, ở Thái Lan có 3 sân bay được Mỹ trưng dụng để làm sân bay quân sự cho máy bay sang đánh phá Việt Nam là U Bon, U Don và U Ta Pao. Tôi đã được đến cả ba sân bay, bây giờ thấy nó vô cùng sầm uất, hiền lành, máy bay dân dụng cỡ lớn lên xuống như mắc cửi, như chuồn chuồn trước cơn mưa, chả hình dung ngày xưa, khi nó là sân bay quân sự, các loại máy bay Mỹ xuất phát để sang Việt Nam ném bom thì nó như thế nào. Có một câu chuyện lạ lùng, ấy là việc bộ đội đặc công Việt Nam đã từng tấn công sân bay U Bon thời ấy.

Chuyện rằng, một tiểu đội đặc công, không biết đi bằng con đường nào mà tối hôm ấy đã vào tập kích được sân bay U Bon. Nhưng thất bại, ba chiến sĩ hy sinh và 6 người bị bắt. Sáu chiến sĩ này bị đưa ra tòa án Thái Lan, và... trắng án, được thả về đàng hoàng với lý do vô cùng đơn giản: Chúng tôi không đánh Thái Lan, mà chúng tôi đánh Mỹ. Mỹ dùng sân bay này để đánh Việt Nam thì chúng tôi đánh Mỹ tại sân bay này. Cãi thế và thắng mới lạ, và cũng phục tòa án Thái Lan khi ấy, Mỹ nó ép như thế mà vẫn xử được như thế, chả câu nệ gì, chả lo bị mất lòng mất bề nước lớn gì.

Tôi có hỏi mấy Việt kiều về mộ của ba chiến sĩ đặc công ấy giờ ở đâu, thì một số người già cho biết, ngày xưa được chôn ngay rìa sân bay, còn bây giờ thì không biết, vì sân bay mở rộng ra gấp nhiều lần, và thành phố cũng phát triển ầm ầm, có thể người ta dịch đi đâu đó, cũng có thể đưa vào chùa, người Thái theo đạo Phật nên họ rất cẩn thận trong việc này... Việc người Việt Nam có mặt ở Thái Lan từ hàng trăm năm nay thì ai cũng biết, nhưng việc một tiểu đội đặc công sang tận sân bay U Bon để đánh tàu bay Mỹ thì có lẽ ít người biết và cũng là việc hiếm xưa nay. Chuyện này tôi nghe ông Nip Pôn kể.

Chợ Việt ở Thái Lan.

Chợ Việt ở Thái Lan.

2. Ông Nip Pôn là một người Việt tiêu biểu tôi gặp ở Thái Lan. Từ hai bàn tay trắng, ông gây dựng sự nghiệp, giờ có doanh nghiệp, con cái phương trưởng và cũng đều làm ông chủ. Điều lý thú là các ông chủ người Việt này lại thuê rất đông người Thái làm công nhân cho mình, ngoài ra còn khá đông người Việt "nhảy dù" sang làm, phần đông là dân Nghệ An, Hà Tĩnh, lọt vào đây ta có cảm giác như đang ở một huyện nào đó ở Nghệ An vì nghe ríu ran giọng trọ trẹ. Phần lớn họ sang bằng con đường du lịch rồi cứ gia hạn. Ông Nip Pôn này có uy tín với chính quyền và cũng có chân trong hội đồng rồi cũng góp tiền bạc chi đó cho chính quyền thành phố nên nói họ nghe, nhờ thế mà rất đông người Việt đã nhờ ông mà tồn tại, có công ăn việc làm ở bên này mà không bị làm khó dễ.

Nip Pôn có một anh con trai và cô con dâu cũng người Việt, có một cửa hàng giò chả rất lớn ở khu phố giò chả U Bon. Phố giò chả này lớn đến mức có trong tour du lịch để các hướng dẫn viên dẫn khách đến, và rất đông khách người Việt đã... mua giò chả ở đây mang về Việt Nam. Chúng tôi vào thăm xưởng sản xuất và cửa hàng của anh thì thấy khoảng một nửa công nhân là người Thái, một nửa là người Việt, dưới sự chỉ huy của một ông người Thái. Người ra thịt, người xay (họ xay chứ không giã, thực ra phải giã bằng tay mới ngon, tôi nói điều này với ông chủ con trai Nip Pôn, anh công nhận nhưng cũng bảo là cái máy xay này nó vừa xay vừa giã nên có khi lại... ngon hơn là chỉ giã), người gói, người bưng bê... Riêng việc bán là của cô con dâu nói tiếng Bắc rất chuẩn dù cô là đời thứ hai ở Thái Lan.

Việc tiếp thị cũng làm rất thú vị, ấy là ai vào cũng được mời một miếng chả, “chỉ thiếu chai bia là thành cuộc nhậu”, một khách tham quan hài hước nói. Tôi thấy các vị khách Tây rất thú vị và cẩn trọng làm theo hướng dẫn để ăn miếng chả cho nó ra miếng chả, tức là chấm muối thế nào, nhón củ tỏi ra sao, nhặt một hạt tiêu ra sao nữa, một lá rau thơm, nhai khẽ khàng, mắt mơ màng, mũi mênh mang, tai nghênh ngang... vừa nhai vừa nghe tiếng sần sật, vừa ngẫm vị béo bùi, vừa thấy sự chuyển dịch... của miếng chả.

Mấy cô gái Thái giúp việc hướng dẫn rất tận tình. Và cuối cùng, thì ông khách nào cũng lủng lẳng ít nhất là một cân chả. Tôi hỏi người Thái có biết làm chả không, ông Nip Pon bảo không thể, vì khâu quan trọng nhất thì mình trực tiếp làm, nên không mất bí kíp. Nhưng hình như còn một lý do nữa, là hình như người Thái nếu làm chủ thì làm chủ ra tấm ra món, còn không thì làm thuê cho nó đỡ mệt. Bởi để ra được một cửa hàng chả trong dãy phố giò chả của toàn người Việt này là cả một trần ai từ buổi đầu cho đến hôm nay khi có vẻ đang rất nhộn nhịp ăn nên làm ra. Người Việt ở đây gọi chả là theo cách gọi của người phía Nam, phía Bắc gọi là giò, giò lụa hoặc giò nạc.

3. Là cứ nghĩ mãi về những người Việt có mặt ở U Bon khi đến đây. Nếu câu chuyện ông Níp Pôn kể là đúng (ông cam đoan đúng vì ông chứng kiến và thời ấy báo chí Thái Lan đưa rần rần) thì ở đấy vẫn còn 3 liệt sĩ của chúng ta. Cái sân bay ấy, giờ nó mênh mông choáng ngợp. Và cái phố giò chả vẫn nườm nượp người vào mua...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top