Aa

Chuyện những cái lá

Thứ Sáu, 11/10/2019 - 06:30

Tận mắt chứng kiến cảnh hoang tàn của lũ lụt thiên tai gây ra càng thấm ý nghĩa của tình nghĩa đồng bào “Lá lành đùm lá rách”.

Những cái lá ở đây chỉ những tấm lòng của đồng bào với nhau. “Lá lành đùm lá rách” hay là “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Mỗi khi ở đâu đó trên đất nước Việt Nam này, hay ở chính Thủ đô, xảy ra thiên tai bão lụt hoặc bất cứ chuyện gì gây thiệt hại cho cộng đồng xã hội hoặc cá nhân ai đó có hoàn cảnh đặc biệt, thì người Hà Nội cũng đều có những động thái chia sẻ, giúp đỡ rất kịp thời.

Tôi nhớ từ dạo còn đi học phổ thông, bé xíu nhưng đám nhóc con chúng tôi đã được thầy cô dạy dỗ về tương thân, tương ái với đồng bào mình. Dạo đó chiến tranh, mọi thứ thiếu thốn nhưng nhà trường vẫn tổ chức những đợt quyên góp giúp đỡ. Cũng chỉ là manh quần, tấm áo cũ, sách vở, đồ dùng học tập cho các bạn khó khăn. Những việc này đã trở thành truyền thống và quy mô hơn nhiều, được duy trì cho đến tận ngày nay. Trường học là nơi tận thu giấy báo, sách giáo khoa, vở viết, quần áo cũ... rất hiệu quả. Ngoài khía cạnh vật chất đó chính là những bài học giáo dục ý nghĩa khơi gợi lòng nhân ái cho lứa tuổi học trò.

Người Hà Nội từ rất lâu luôn có những động thái quyên góp thiện nguyện. Địa bàn Thủ đô là nơi các cơ quan đầu não Trung ương trú ngụ nên từ đây có những cuộc vận động lớn của các đoàn thể, cơ quan. Những thiên tai hoặc biến cố lớn xảy ra trên đất nước, Hà Nội bao giờ cũng là trung tâm của mọi cuộc vận động đóng góp. Ngoài những cơ quan có chức năng cứu trợ như Mặt trận, Lao động thương binh xã hội, các Quỹ Tấm lòng vàng... ở những thời điểm cấp bách thì người Hà Nội luôn ý thức rất cao về cái sự “lá” đùm “lá” này. Trong cơ quan, xí nghiệp, mọi người đã quen với những phong trào “một ngày lương” để giúp nơi hoạn nạn. Thậm chí có cơ quan hình thành thói quen mỗi tháng tài vụ tự động trừ một khoản tiền thu nhập của nhân viên vào quỹ gọi là tương trợ.

Đời sống nhiều người vẫn khó khăn nhưng chẳng ai lại ta thán cái sự đóng góp được nâng thành nghĩa vụ này dù thực chất nó là việc tự nguyện. Ngoài công sở, nhà máy, ở khối phố cũng đã hình thành hệ thống quyên góp giúp đỡ. Từ phường, phố, ngõ, xóm mỗi khi có đợt vận động lại là sự đóng góp rôm rả. Tổ trưởng dân phố mang danh sách đến tận từng nhà để thu tiền ủng hộ. Có chữ ký của người đóng tiền cẩn thận.

Những thứ kể trên là cách làm nhiều năm và một thời là chủ đạo, nhưng thời gian trôi đi cách gom góp “lá” giúp “lá” cũng dần đổi khác. Cuộc sống hiện đại, thông tin thời internet bùng nổ, mọi chuyện, mọi ngóc ngách đời sống dù ở bất cứ vùng nào nhanh chóng được công khai trên mạng. Một hoàn cảnh cực kỳ nguy cấp cần phải trợ giúp. Thông tin được cập nhật. Rất nhanh, một người, một nhóm, lập tức hành động. Sự quyên góp công khai được tiến hành nhanh chóng. Và người được trợ giúp đã nhận được kịp thời những gì mình cần.

Đã có rất nhiều những kêu gọi giúp đỡ cho những trường hợp cần thiết và tôi chưa hề thấy bất cứ một trường hợp nào bị từ chối. Người Hà Nội bây giờ có cách giúp đỡ rất đơn giản nhưng hiệu quả. Một bà tiểu thương mỗi cuối tuần nấu cơm mang vào bệnh viện giúp những người nhà bệnh nhân. Một nhóm bạn tổ chức bữa cơm giá rẻ cho người nghèo. Rồi các trại bảo trợ. Các bệnh viện. Nước uống miễn phí trên đường phố. Những hoàn cảnh khó khăn luôn được người dân chia sẻ.

Bây giờ người ta ít đóng góp kiểu theo phong trào nữa mà tự chủ động chia sẻ. Cũng không cần phải đúng dịp bão lũ thiên tai mới huy động mà làm thường xuyên. Họ làm theo từng nhóm. Là bạn bè lớp học. Nhóm nhà báo. Các tiểu thương khu chợ. Một cụm dân cư. Những hội xe máy, ô tô, nhiếp ảnh... Các nghệ sĩ cũng vào cuộc nhiều. Ca sĩ hát gây quỹ. Nhà văn, họa sĩ tặng sách, bán tranh, đấu giá đủ mọi thứ miễn là ra tiền để giúp đồng bào. Tôi từng được biết một gia đình có người cha vừa quá cố. Con của cụ đến một quỹ về trẻ em vùng cao hiến tặng một khoản tiền lớn mà người vừa khuất di tặng cho quỹ. Có những em bé đập lợn tiết kiệm được một khoản tiền mua sách cho các bạn nghèo miền núi.

Những hạt gạo san sẻ nghĩa tình!

Có thể nói Hà Nội bây giờ nhà nhà làm thiện nguyện, người người làm thiện nguyện. Có không ít ngôi nhà tình nghĩa được dựng từ tấm lòng đồng bào. Không tính nổi bao nhiêu trường hợp khó khăn được trợ giúp. Chẳng cứ bão lụt miền Trung, miền Nam, miền núi bây giờ là đích đến của rất nhiều người Hà Nội. Đi miền núi có thể đi quanh năm, vừa giúp đỡ đồng bào vừa được thưởng ngoạn thắng cảnh núi non kỳ thú. Các trường học miền núi được trợ giúp cũng phần nào được cải thiện về chất lượng học tập cũng như cuộc sống của học sinh người dân tộc thiểu số.

Cách cứu trợ giờ cũng linh hoạt. Chủ yếu là trực tiếp, người đi cứu trợ không quản lụt lội, núi non vào tận từng nhà dân thiệt hại để san sẻ bù đắp. Lớn là con trâu, con bò, bé hơn là thùng mỳ, gói ruốc, chai dầu... Những chiếc “lá” lành hay rách ít của Hà Nội đã có mặt rất đúng lúc để đùm bọc cưu mang những chiếc “lá” rách nhiều của đồng bào chịu hậu quả thiên tai. Tận mắt chứng kiến cảnh hoang tàn của lũ lụt thiên tai gây ra càng thấm ý nghĩa của tình nghĩa đồng bào “Lá lành đùm lá rách”.

Trân quý xiết bao!

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top