“Chiều Hồ Tây lao xao hoài con sóng, chợt hoàng hôn về tự bao giờ...”. Có lẽ chẳng phải ngẫu nhiên mà nhạc sĩ Phú Quang lại nhắc đến một chiều Hồ Tây trong bài hát nổi tiếng “Em ơi Hà Nội phố” của anh. Bởi Hồ Tây thật sự là một điểm nhấn quan trọng trong bức tranh tổng thể Hà Nội. Có thể nói một cách không hề chủ quan rằng, Hà Nội sẽ thiếu hụt, sẽ không còn là Hà Nội. nếu không có Hồ Tây. Thật sự là thế.
Hồ Tây là một thắng cảnh, một di tích không chỉ của Hà Nội. Lịch sử ghi nhận Hồ Tây và Hồ Tây làm rạng danh lịch sử. Trải qua nhiều biến thiên thời đại, Hồ Tây, dù ở bất cứ triều đại nào, cũng đều là nơi tâm điểm của lịch sử huy hoàng. Chỉ cần nhìn vào những quần thể di tích đền phủ, chùa chiền tồn tại quanh Hồ Tây là ta đã chứng nghiệm được điều đó. Người Hà Nội có ai lại không biết đến chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh. Đã mấy người, dù lý tính đến đâu, nếu một lần đến phủ Tây Hồ, lại không tấm tắc trước không gian u tịch đượm màu sắc văn hóa tâm linh. Hồ Tây như nén dồn tất cả những gì tinh hoa của trời đất của ngàn năm văn vật cho một Hà Nội trường tồn. Xung quanh Hồ Tây, ở các triều đại, đều là những nơi cung điện đền đài được xây lên. Ngay cả trong giai đoạn cách mạng thành công thì nơi đây sau hòa bình 1954 cũng có những khu vực dành làm nơi làm việc và nghỉ dưỡng cho lãnh đạo cao cấp.
Người Hà Nội đi xa khi trở về khó có thể cưỡng lại cái sự được đến bên Hồ Tây để tận hưởng thiên nhiên kỳ thú, mịt mùng sương khói hay mênh mông trời nước và để sống lại với hồi ức quá vãng. Dạo chiến tranh, trước khi lên đường ra trận, cánh lính trẻ chúng tôi không thể thiếu buổi tụ tập ở bánh tôm Hồ Tây, thưởng lãm món đặc sản khó quên của Hà Nội. Đường Cổ Ngư đã bao lần tôi cùng bè bạn lòng vòng đạp xe trong sự thanh bình dù đất nước đang ùng oàng bom đạn. Nhà thuyền Hồ Tây cất giữ tuổi trẻ của chúng tôi bằng những buổi chiều bơi thuyền. Những con thuyền đôi lướt sóng đã đi vào cổ tích và thi ca. Ngày đất nước thống nhất năm 1975, trở về Hà Nội trong một buổi chiều mùa xuân, tôi đã đứng lặng trên bờ phía nhà thuyền ngắm nhìn những cặp đôi yêu nhau bơi trên con thuyền hạnh phúc để hiểu ra điều kỳ diệu của sự may mắn số phận được trở về với Hồ Tây lộng gió.
Hồ Tây có diện tích 527 ha và chu vi 18 km. Ngoài những lợi thế thắng cảnh và di tích cho du lịch, Hồ Tây còn là nơi dành cho vui chơi giải trí. Khu công viên nước Hồ Tây là nơi gần gũi không thể thiếu của trẻ nhỏ Hà Nội. Có thể nói đây là khu giải trí lớn nhất Hà Nội với những trò chơi và thiết bị hiện đại cải thiện đáng kể sự nghèo nàn về vui chơi giải trí của thành phố. Gần đây Hà Nội đã cho xây dựng con đường bao vòng quanh hồ vừa tác dụng chống lấn chiếm hồ và nâng tầm đáng kể cho thắng cảnh đang là lá phổi xanh của thành phố và nữa là cải thiện tình hình giao thông quanh khu vực Hồ Tây.
Đấy là chưa kể từ khi có con đường bao, người Hà Nội đã dồn về đây tận hưởng không khí trong lành và cảnh trí thiên nhiên mỗi sớm chiều bằng thú vui thể thao đạp xe và đi bộ. Đạp xe một vòng hồ đã là thói quen của rất nhiều người trong đó có tôi. Mỗi bình minh, hoàng hôn bên cạnh dòng người hối hả sau một ngày lao động, là những chiếc xe đạp hoặc thong thả, hoặc vội vã lượn quanh hồ lẫn trong vô vàn phương tiện hiện đại khác.
Có những ai quên được hồ sen mùa hoa nở. Những bông sen tưng bừng khoe sắc bên những nam thanh nữ tú cố giành về cho mình một khoảnh khắc lưu giữ tuyệt vời trong cuộc đời. Đã có bao cặp đôi đến đây chụp hình cho ngày cưới. Hồ Tây thời hiện đại là thế vẫn mang lại những vẻ đẹp vĩnh cửu cho người Hà Nội. Không chỉ thế, nơi đây còn là một nguồn thực phẩm đáng kể, cung cấp mỗi năm chừng 400 tấn cá cho người tiêu dùng. Thương hiệu cá Hồ Tây đã trở thành đặc sản. Có biết bao khách sạn, nhà hàng quanh hồ sử dụng thành công thương hiệu này. Cá Hồ Tây và những loài thủy sinh khác có giá trị cao là nhờ sống ở môi trường nước tự nhiên rộng lớn và môi sinh phong phú.
Ngoài sự khai thác nguồn lợi thủy sản này từ một công ty chuyên về nuôi trồng đánh bắt của thành phố quản lý, Hồ Tây còn nổi tiếng ở đội quân câu trộm. Đây cũng là một nét rất đặc trưng ở Hồ Tây. Mỗi ngày vòng quanh hồ, có không ít người đứng thả câu. Cá câu lên được bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Dù lực lượng bảo vệ hồ đông đảo nhưng cũng thật khó kiểm soát được khi diện tích Hồ Tây quá rộng. Nghe nói còn có những người thậm chí dùng lưới kéo cá trộm trong đêm.
Nhân chuyện cá, làng văn nghệ hẳn nhiều người biết nhà văn Phùng Quán, trong giai đoạn khốn khó của số phận, đã sống nương vào Hồ Tây. Phùng Quán có nếp nhà ven bờ hồ ngay sau khu trường Chu Văn An. Lúc không thể sống bằng văn, nhà văn đã dùng chính những con cá để nuôi đời văn của mình và duy trì cuộc sống. Sau này khi trời quang mây tạnh, tai qua nạn khỏi, chính ông đã nói lời tri ân với những con cá và món nợ đối với Hồ Tây của một nhà văn tài năng có cuộc đời trắc trở.
Đã có dịp người Hà Nội xót xa nhìn Hồ Tây lâm nạn cá. Hàng trăm tấn cá chết nổi trắng ven bờ. Thủ phạm có thể nhìn thấy rõ. Đó là sự ô nhiễm nước hồ. Dù đã có hệ thống lọc thải của thành phố đầu tư nhưng sự buông lỏng quản lý và ý thức kém của con người khi nhà dân, khách sạn, nhà hàng xung quanh hồ vẫn xả thải trực tiếp khiến nước hồ bị ô nhiễm nặng. Cá chết là một tổn thất nhưng nó cũng là một bài học cần thiết để cảnh báo nguy cơ Hồ Tây bị xâm phạm cần phải được bảo vệ thích đáng.
Tôi tin Hà Nội sẽ không để lặp lại sự cố đáng tiếc này để Hồ Tây mãi có những buổi chiều thanh bình lao xao hoài con sóng như trong nhạc của Phú Quang. Nhất định là thế!