Thưởng Tết luôn là niềm vui trông ngóng của người lao động nhưng cũng là nỗi lo lắng và áp lực của chủ doanh nghiệp; nhất là ở những ngày cận Tết như hiện nay.
Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang đến rất gần. Thời điểm mà bất kỳ ai cũng mong ngày về quê đoàn tụ cùng gia đình, họ hàng để nghỉ ngơi và chia sẻ vui buồn sau cả năm lao động, học tập và cống hiến.
Thưởng Tết luôn là niềm vui trông ngóng của người lao động nhưng cũng là nỗi lo lắng và áp lực của chủ doanh nghiệp; nhất là ở những ngày cận Tết như hiện nay.
Cuối năm 2023, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội yêu cầu Giám đốc các sở lao động-thương binh và xã hội tại địa phương triển khai hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp với tổ chức công đoàn cơ sở trên địa bàn rà soát lại hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương, quy chế thưởng để thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng và các chế độ, chính sách khác đối với người lao động theo quy định và nội dung đã thỏa thuận.
Các cơ quan liên quan cũng đã tổng hợp, báo cáo số liệu về tình hình tiền lương, nợ lương năm 2023; kế hoạch thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh và tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024.
Tuy nhiên, đối với đa số là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thì việc làm này hầu như chưa được giám sát và thực hiện nghiêm túc.
Thêm nữa, mức thưởng nhiều hay ít, chiếm bao nhiêu phần trăm doanh thu doanh nghiệp cũng chưa được quy định nên việc triển khai sẽ khó có tiêu chí để đánh giá.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết tình hình kinh tế-xã hội những tháng cuối năm 2023 vẫn còn những khó khăn, mặc dù phần lớn số doanh nghiệp đảm bảo được đời sống, việc làm cho người lao động, song một bộ phận doanh nghiệp vẫn tiếp tục thiếu đơn hàng, hoặc trong một thời gian dài dưới tác động ảnh hưởng nặng nề kéo dài của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã suy giảm sức chống chọi, nên chắc chắn, lương, thưởng Tết năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn.
Việc trả tiền thưởng Tết không phải là quy định bắt buộc phải thực hiện mà chỉ là điều khoản khuyến khích của người sử dụng lao động. Việc thưởng nhiều hay ít sẽ dựa trên cơ sở thỏa thuận của người sử dụng lao động với người lao động thông qua hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể.
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã chỉ đạo ban hành chế hoạch chăm lo Tết cho người lao động từ sớm. Bên cạnh đó là thiết kế chính sách chăm lo cho các đối tượng, ngoài việc hỗ trợ quà, tiền, công đoàn cũng sẽ tổ chức các chuyến xe, tàu, máy bay 0 đồng, giảm chi phí hỗ trợ cho người lao động…
Tại thời điểm này, việc thưởng Tết cho người lao động được áp dụng theo quy định về tiền thưởng tại Bộ luật Lao động năm 2019.
Tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động dựa trên kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
Như vậy, việc trả tiền thưởng Tết không phải là quy định bắt buộc phải thực hiện mà chỉ là điều khoản khuyến khích của người sử dụng lao động. Việc thưởng nhiều hay ít sẽ dựa trên cơ sở thỏa thuận của người sử dụng lao động với người lao động thông qua hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể.
Hình thức thưởng Tết cho người lao động tùy thuộc vào văn hóa doanh nghiệp cũng như điều kiện thực tế của mỗi doanh nghiệp, bao gồm thưởng bằng tiền, hiện vật. Nhiều doanh nghiệp thưởng tết bằng chính sản phẩm mà doanh nghiệp mình sản xuất.
Trong trường hợp doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hay khi người lao động không hoàn thành công việc theo quy định, họ hoàn toàn có thể không nhận được thưởng Tết.
Mặc dù vậy, đã có hơn 61% doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán 2024 với mức thưởng bình quân là 6,85 triệu đồng/người, tương đương thưởng Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Bên cạnh đó, trên 56% doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết dương lịch 2024 bình quân 1,85 triệu đồng/người, tăng 49% so với năm trước, ông Duy Hiểu cho hay.
Từ thực tiễn doanh nghiệp, ông Hà Ngọc Thống, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Kiến trúc và Thương mại Á Châu, cho biết hiện đơn vị đang có hơn 400 người lao động làm việc, tăng 20% so với đầu năm. Cũng nhờ việc sản xuất ổn định trở lại đã giúp công ty thêm thuận lợi trong việc chăm lo Tết cho người lao động.
Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, công ty dự kiến thưởng cho người lao động 1 tháng thu nhập, tương đương hơn 10,5 triệu đồng/người. Ngoài việc bảo đảm lương, thưởng ổn định, công ty còn có nhiều cách hỗ trợ lao động như tặng voucher trị giá từ 15.000 - 30.000 đồng/ngày cho công nhân nào thực hiện tốt yêu cầu an toàn-vệ sinh lao động như 1 cách khích lệ, động viên.
Ở tình thế khó khăn hơn, ông Liêu Ngọc Sơn, Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thêu Vĩnh Dương, cho biết việc tinh giảm lao động là tình thế công ty không hề mong muốn. Song thay vì chọn phương án giảm giờ làm khiến thu nhập toàn bộ người lao động giảm, tiền lương nhận được không đủ chi phí sinh hoạt thì công ty đã chọn cách khuyến khích công nhân tự xin nghỉ việc. Ai nghỉ việc sẽ được hỗ trợ 3,5 tháng lương. Điều này giúp tối ưu việc làm, thu nhập cho những người ở lại.
Với việc lựa chọn này, năm 2023, dù đơn hàng giảm mạnh nhưng người lao động tại công ty vẫn được bố trí làm thêm giờ, thu nhập ổn định ở mức hơn 7 triệu đồng/tháng. Doanh nghiệp cũng đã phải tiết giảm chi phí vận hành để có nguồn dôi dư thưởng Tết cho cán bộ công nhân viên. Vẫn duy trì như cách làm hàng năm, thưởng Tết 2024 của người lao động tại doanh nghiệp là 1 tháng lương cơ bản.
Công đoàn công ty cũng có kế hoạch tổ chức chương trình tất niên kết hợp với Hội nghị người lao động vào cuối năm đồng thời tặng quà Tết trị giá 500.000 đồng/người/phần quà. Ít nhiều thì đây cũng là những nỗ lực không nhỏ có doanh nghiệp, trong bối cảnh, nền kinh tế khó khăn và doanh nghiệp đang vật lộn từng ngày để duy trì hoạt động và sản xuất.