Ông từ Pháp trở về làng và không bao giờ ra khỏi làng mình cho tới khi chết. Quả thực tôi không thể nào tin được chuyện ấy. Hồi cha tôi còn sống, thi thoảng tôi vẫn hỏi cha tôi: Có thực là ông không ra khỏi làng mình suốt mấy chục năm không? Cha tôi khẳng định việc đó là thực. Tôi đã từng tự cắt nghĩa xem vì sao ông lại có thể ở trong làng lâu như thế. Nhưng tôi chưa bao giờ cắt nghĩa được việc này.
Ông từ Pháp trở về làng năm ba mươi ba tuổi và mất ở tuổi bảy mươi mốt. Nghĩa là ông đã không bước chân ra khỏi làng suốt ba mươi tám năm. Vì ông làm bếp nên người làng gọi ông là ông Bếp. Và cho đến khi chết, người làng vẫn dùng cái tên đó như là tên cúng cơm của ông. Người ta hầu như đã quên hẳn tên thật của ông. Tôi cũng không nhớ tên thật của ông. Nhưng tôi nghĩ điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì quan trọng lắm. Bởi ông đã có một cái tên, mà là một cái tên rất thân thuộc với ít nhất một người là tôi.
Năm hai mươi tuổi, ông bị Pháp bắt đi lính. Vì có tài nấu ăn nên ông được phân công làm bếp cho một đơn vị lính Pháp. Rồi ông theo quân đội Pháp đi chinh chiến ở một số nước châu Phi. Gọi là đi chinh chiến nhưng ông chỉ làm mỗi việc nấu ăn. Lúc đầu ông nấu cho lính người Việt và lính người châu Phi. Sau đó ông được phân công nấu cho lính Pháp da trắng. Rồi ông được phân công nấu cho các sỹ quan chỉ huy người Pháp. Tất cả chỉ vì tài nấu ăn của ông quá diệu nghệ. Tay ông chạm vào thứ gì thì thứ đó đều trở thành cao lương mỹ vị. Nghe nói một sỹ quan cao cấp của Pháp có ý đưa ông về Paris làm đầu bếp cho một nhà hàng của gia đình ông ta. Nhưng ông đã từ chối. Năm 1954, đất nước hòa bình, ông đã lãnh đạo một số anh em binh lính người Việt phát động phong trào đòi về nước. Cuối cùng quân đội Pháp phải đồng ý cho một số binh lính người Việt trở về Tổ quốc.
Sau khi làm xong mọi thủ tục khai báo với chính quyền, ông xin được về quê sinh sống. Cha tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh lần đầu tiên khi ông trở về làng. Ông đội mũ phớt, khoác áo ba-đờ-xuy có một dãy cúc đồng to sáng loáng, đi ủng da và miệng ngậm tẩu. Những năm tháng sau này, tôi thường đến nhà ông chơi. Tôi vẫn nhìn thấy chiếc mũ phớt ông treo trên tường cùng chiếc áo ba-đờ-xuy có dãy cúc đồng sáng loáng. Bọn trẻ con chúng tôi hay yêu cầu ông mặc áo ba-đờ-xuy, đội mũ phớt và ngậm tẩu thuốc cho chúng tôi xem. Trong bộ trang phục như thế, ông trở thành một nhân vật kỳ bí và đầy kính nể của lũ trẻ con chúng tôi.
Trong khi chúng tôi thường xuyên quấn quýt bên ông để nghe ông kể những câu chuyện kỳ lạ về xứ châu Phi, thì một vài ông bố, bà mẹ luôn luôn dọa: “Chúng mày liệu hồn! Ông ta là gián điệp cho Pháp đấy!”. Nhưng chẳng lời đe dọa nào thắng được sự quyến rũ của những câu chuyện về xứ châu Phi xa xôi mà chúng tôi chẳng hề biết ở đâu trên thế gian quá rộng lớn này.
Ông Bếp trở về quê nhưng không làm ruộng như một người nông dân. Ông làm một số loại bánh quy và kẹo mạch nha bán cho trẻ con trong làng và thả vẹ bắt cá chép sông. Buổi tối ông mang những chiếc vẹ ông tự đan bằng tre ra sông thả, Sáng hôm sau ông lại ra nhấc vẹ sớm và bán cá cho một số người buôn cá. Thi thoảng ông nấu một món ăn của người Pháp và sai đứa cháu mang vào cho cha tôi. Tôi được ăn nhiều món ông nấu. Nhưng món ăn ông nấu mà tôi nhớ nhất là món thỏ rô-ti. Tôi chỉ được ăn món đó một lần và cho đến bây giờ tôi cũng chưa có dịp nào được thưởng thức lại. Ông rất quý cha tôi, vì có lẽ cha tôi là một trong rất ít người hiểu ông, bênh vực ông mỗi khi có những lời dồn đại của một số người làng về nhân thân ông.
Ông về làng nhưng không lấy vợ. Ai gợi ý hay giục ông lấy vợ thì ông chỉ cười lặng lẽ mà chẳng nói gì. Người ta đồn ông đã có một bà vợ đầm và có con. Có người lại bảo có vợ đầm và có con thì về làng làm gì, sao không ở lại Pháp cho sướng. Lại có người nói vì đi làm gián điệp thì mới bỏ vợ bỏ con bên Pháp chứ. Những lời đồn như vậy ông nghe được hết. Những lúc như thế đôi mắt ông rất buồn nhưng miệng vẫn cười.
Mấy năm đầu sau khi trở về từ Pháp, đôi lúc ông cũng mặc áo ba-đờ-xuy và đội mũ phớt khi có việc hoặc trong những ngày Tết. Sau này thì ông bỏ hẳn vì không ít người làng nói bóng nói gió khi ông đi qua. Nhưng thi thoảng ông vẫn mặc áo và đội mũ rồi ngồi im lặng trên một chiếc ghế gỗ cổ đã thay lưng tựa vì bị gãy trong ngôi nhà lúc nào cũng loang lổ bóng tối. Không phải ông luyến tiếc những ngày làm đầu bếp cho quân đội Pháp mà ông hồi tưởng về những miền đất ở xứ châu Phi mà ông đã sống gần mười năm ở đó với bao chuyện buồn vui. Vào những năm cuối đời ông nhiều bệnh tật.
Những ngày mùa đông, ông suốt ngày ngôi bên bếp lửa. Lúc đó dù cho ai nói gì đi chăng nữa thì ông cũng vẫn mặc chiếc áo ba-đờ-xuy và đội chiếc mũ phớt vì đó là những thứ vô cùng cần thiết cho sức khỏe ông trong mùa đông. Đôi lúc ông cầm chiếc tẩu không có thuốc và hút nhè nhẹ. Đôi khi ông lại đưa cái tẩu lên mũi hít nhẹ. Ông nhớ mùi thuốc tẩu. Ngày đó làm sao mà kiếm được loại thuốc hút tẩu. Ngày ông mất, những người thân mặc chiếc áo ba-đờ-xuy có dãy cúc đồng sáng loáng và đội chiếc mũ phớt cho ông. Họ cũng không quên để vào lòng bàn tay giá lạnh và khô cứng của ông chiếc tẩu hút thuốc. Với lũ trẻ con chúng tôi ngày ấy, ông ra đi là mang theo cả một kho những câu chuyện về xứ châu Phi kỳ lạ.
Tôi nhớ khoảng hơn 20 năm trước, một người cháu ruột của ông ra tận thị xã Hà Đông tìm tôi để nhờ một việc. Anh nghe nói Sứ quán Pháp có trả lương cho một số người làm cho chính quyền và quân đội Pháp trước kia. Anh đưa cho tôi xem một nắm giấy tờ bằng tiếng Pháp. Đó là những giấy tờ chứng thực thời gian ông làm cho quân đội Pháp ở châu Phi với nghề nghiệp đầu bếp.
Tôi có một người bạn thân có một người quen hồi đó làm trong Sứ quán Pháp. Thực lòng tôi không muốn anh làm thế nhưng tôi vẫn phải mang nắm giấy tờ đã ố vàng để nhờ bạn tôi giúp. Làm thế thôi chứ tôi không tin có chuyện như vậy. Và tôi càng không tin ông Bếp nếu còn sống sẽ để cho người cháu làm những gì anh đang làm. Ông đâu cần tiền như thế. Ông đã sống ba mươi tám năm trong làng mình mà không một lần đi ra khỏi làng. Ông chẳng có nhu cầu gì ngoài việc thi thoảng ngồi im lặng và nhớ về những miền đất xứ châu Phi ông đã từng sống như tôi nhớ về những miền đất thế gian này mà tôi đã từng đi qua. Cuối cùng mọi chuyện đúng như tôi nghĩ. Bạn tôi trả lại có tôi nắm giấy tờ và lắc đầu.
Tôi có dịp đi nhiều nơi trên thế gian này nhưng vẫn ao ước có một ngày đến được những miền đất xứ châu Phi kỳ lạ mà ông Bếp đã kể cho chúng tôi. Con người ông, tôi biết nhiều chuyện và hiểu ông khá nhiều. Nhưng có một chuyện tôi vẫn không làm sao hiểu được cho tới lúc đang ngồi viết những dòng này, là vì lý do gì mà ông không ra khỏi làng mình trong suốt ba mươi tám năm trời?