Aa

Cơ chế nào giải quyết nghịch lý “ế“ nhà ở xã hội tại “thủ phủ công nghiệp“ Bắc Ninh?

Thu Thu
Thu Thu thuthu157ajc@gmail.com
Chủ Nhật, 29/10/2023 - 06:00

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh chỉ ra những vướng mắc trong việc thực hiện Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH và nguyên nhân của tình trạng nhà xây xong mà không có người mua.

Nghịch lý nhà xây xong nhưng không có người mua

“6.000 căn hộ đã và đang hoàn thành, nhưng thực tế chỉ có hơn 3.000 căn hộ có người đăng ký mua”, đây là nghịch lý đang xảy ra tại tỉnh Bắc Ninh - nơi có lượng công nhân lớn nhất nhì miền Bắc. Theo ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh, trong quá trình quản lý và phát triển nhà ở xã hội có nhiều vướng mắc xảy ra dẫn đến thực tế này. 

Trong đó, khó khăn đầu tiên liên quan đến những hạn chế về đối tượng mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Các dự án nhà ở công nhân thường tập trung ở các khu công nghiệp là các huyện, các xã. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 49 của Luật Nhà ở thì đối tượng hộ nghèo và thu nhập thấp ở nông thôn không được phép mua nhà ở xã hội, dẫn đến việc hạn chế về đối tượng, trong khi đây là đối tượng có nhu cầu cao về nhà ở xã hội.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: M.Minh- Đầu tư Chứng khoán)

“Sắp tới chúng ta cần lưu ý phát triển về loại nhà ở lưu trú cho công nhân thì sẽ phù hợp với tình hình thực tế hơn. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh Bắc Ninh có 22 dự án nhà ở công nhân đi vào hoạt động, nhưng đa số người cần sử dụng lại không đủ điều kiện mua”, ông Nguyễn Tuấn Dũng nhấn mạnh.

Cùng với đó, đa số công nhân đều là người ngoại tỉnh, còn trẻ, do vậy thói quen sinh hoạt, cũng như tính chất công việc không ổn định nên không có nhu cầu mua, chỉ có nhu cầu thuê nhà ở.

Bên cạnh đó, việc công nhân, người lao động không phải nộp thuế thu nhập mới được mua nhà ở xã hội trong quy định đối tượng mua nhà ở xã hội cần được xem xét lại về điều kiện thu nhập. Theo ông Dũng, thực tế với 11 triệu đồng, người công nhân còn gặp khó khăn trong việc cân đối các chi phí sinh hoạt hàng ngày, chứ chưa nói đến việc mua nhà ở xã hội. Như vậy, những người lao động cần nhà ở xã hội sẽ không thể tiếp cận được với loại hình này ngay từ những bước đầu tiên.

“Ngoài ra, khó khăn trong việc quản lý và phát triển nhà ở xã hội cho công nhân còn liên quan đến nhiều quy định khác. Chặng hạn, chúng tôi bị lúng túng trong quá trình triển khai công tác quy hoạch, bởi vì các chỉ tiêu về nhà ở xã hội không được quy định cụ thể, trong khi theo quy định cho phép, đối với nhà xã hội thì được xây dựng mật độ 1,5 lần và hệ số sử dụng đất 1,5 lần”,  ông Nguyễn Tuấn Dũng cho biết thêm.

Mặt khác, còn tồn tại vấn đề liên quan đến việc thẩm định giá bán. Theo quy định, giá bán chỉ được thẩm định 1 lần ở giai đoạn đầu với lãi suất khống chế 10%. Trong khi đó, thời điểm hoàn thiện dự án thường vào khoảng 3 - 4 năm sau. Khi ấy giá nhà ở xã hội sẽ bị ảnh hưởng bởi giá thị trường, lạm phát,... nhưng hiện chưa có các quy định, hướng dẫn cụ thể về nội dung này. 

Cũng liên quan đến vướng mắc trong xây dựng và phát triển nhà ở xã hộ,i ông Đỗ Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hải Phòng đã chia sẻ thêm về 3 khó khăn gặp phải trong quá trình thực hiện như sau:

Thứ nhất là vấn đề quy hoạch. Khi thực hiện xây dựng quy hoạch chung cũng như quy hoạch phân thì trước đây thường ở địa phương như Hải Phòng không quan tâm nhiều việc quy hoạch các khu vực phát triển nhà ở xã hội.

Thứ hai là vấn đề về kết nối hạ tầng của ngoài hàng rào đối với các khu nhà ở xã hội.

Thứ ba là vấn đề kêu gọi nhà đầu tư - vốn.

Ông Đỗ Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hải Phòng. (Ảnh: M.Minh- Đầu tư Chứng khoán)

Cần nghiên cứu nhiều loại hình nhà ở cho công nhân

Tại sự kiện, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh cũng đưa ra một vài góp ý để việc phát triển nhà ở xã hội đúng quỹ đạo. Đầu tiên, cần quan tâm nhiều hơn về loại hình nhà ở lưu trú khi xây dựng nhà ở xã hội dành cho ông nhân. 

“Bởi vì, đây chính là loại hình nhà ở mà công nhân có nhu cầu nhiều nhất. Để phát triển được, đề nghị Bộ Xây dựng, nghiên cứu, tham mưu để hình thành một hệ thống về tiêu chuẩn, quy chuẩn từ khâu lựa chọn nhà đầu tư đến khâu quy hoạch, khâu quản lý phát triển sử dụng nhà ở xã hội để mục tiêu phát triển hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân được hoàn thành xuất sắc”, ông Nguyễn Tuấn Dũng khẳng định.

Góp ý thêm, ông Nguyễn Tuấn Dũng đề nghị xem xét đến điều kiện thu nhập của công nhân. Ngoài ra liên quan đến chỉ tiêu, thẩm định, giá…, đặc biệt cần lưu ý vấn đề giá.

“Trong đó có thể có hình thức giao cho địa phương, trên cơ sở quy định về xác định giá và cơ sở thị trường, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành giá khung tương tự với nhà ở xã hội của hộ gia đình đang thực hiện hiện nay. Đây cũng là cơ sở để doanh nghiệp tích cực hơn nữa trong việc tham gia đầu tư phát triển nhà xã hội, đặc biệt là nhà ở công nhân”, ông Nguyễn Tuấn Dũng nhấn mạnh.

Dựa trên kinh nghiệm thực hiện xây dựng và phát triển nhà ở xã hội thành công, để giải quyết 3 vấn đề khó khăn đặt ra về loại hình nhà ở này, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hải Phòng cho biết: “Trên cơ sở các vướng mắc và được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Xây dựng, cũng như sự thống nhất vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo của Thành uỷ Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, vừa qua Sở xây dựng Hải Phòng cũng đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân, Ban Cán sự Đảng trình Ban Thường Vụ và Thành uỷ phê duyệt Đề án phát triển nhà ở xã hội TP. Hải Phòng đến năm 2030”. 

Để cụ thể hóa Quyết định 338 của Thủ tướng Chính phủ và trên cơ sở đề án đó, Thành ủy có phê duyệt và ban hành Nghị quyết để đạt được thống nhất và chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, bám sát quan điểm chỉ đạo, các mục tiêu và đưa ra các giải pháp cụ thể để giải quyết ba khó khăn thành phố gặp phải.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top