Chúng ta chỉ chú trọng công nghiệp mà chưa lưu tâm đến việc phát triển đô thị
Tại Hội thảo “Thu hút đầu tư xanh: Lọc ngành hay giảm phát thải?”, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, chuyển đổi xanh là cơ hội lớn để Việt Nam bắt nhịp ngay với những công nghệ hàng đầu toàn cầu. Tuy nhiên, theo ông Thiên, trong quá trình này, chủ trương từ Chính phủ với địa phương thì rất quyết liệt, rất hay, nhưng khi chuyển hóa thành hành động lại chậm.
“Cơ hội lớn thì thách thức cũng rất lớn. Trong khi, áp lực lớn nhất trong công cuộc chuyển đổi lần này chính là yếu tố tốc độ. Vì vậy, vấn đề là phải nhanh chóng chuyển hóa thành hành động. Thời điểm này, chúng ta đã có xu hướng hành động tốt hơn nhưng chưa đạt yêu cầu”, ông Thiên chỉ ra.
Đơn cử quá trình chuyển đổi xanh ở các khu công nghiệp (KCN), chuyển các KCN cũ thành KCN sinh thái, từng bước biến thành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ xanh vẫn chưa có kết quả và các địa phương phải hành động ráo riết hơn, quyết liệt hơn.
Lấy dẫn chứng từ bài học thành công của Bình Dương, ông Thiên cho rằng, việc địa phương này phát triển công nghiệp hóa theo nghĩa đặt kinh tế xanh là mục tiêu là mô hình đáng học hỏi.
Năm nay, Diễn đàn Cộng đồng Thông minh thế giới (ICF) đã vinh danh Bình Dương trong Top 7 Cộng đồng Thông minh thế giới năm 2023. Theo đó, Bình Dương đang phát triển một hệ sinh thái số và đổi mới sáng tạo, với Trung tâm Điều hành Thông minh, EIU Campus với Vườn ươm Doanh nghiệp Becamex, Fablab, Trung tâm sản xuất tiên tiến, Trung tâm Thương mại thế giới WTC…
Bình Dương rõ ràng đang đi đúng với mục tiêu phát triển bền vững hơn, như thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong sản xuất; phát triển công nghiệp 4.0…, tạo môi trường sống xanh - sạch hơn. Từ đó, tạo tiền đề cho việc thu hút doanh nghiệp công nghệ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao…
“Cách làm của Bình Dương có sự chuẩn mực hơn. Thời kỳ trước, chúng ta phát triển công nghiệp hóa mà không có hiện đại hóa, đến khi có hiện đại hóa, chúng ta chỉ chú trọng công nghiệp mà chưa lưu tâm đến việc phát triển đô thị.
Nhìn sang Đồng Nai, đây là trường hợp địa phương đang cực kỳ vất vả trong việc chuyển đổi KCN kiểu cũ sang KCN hiện đại và đang phải trả giá không ít. TP.HCM cũng vậy, với khoảng 14, 15 KCN hoạt động theo công nghệ cũ trong lòng thành phố, giờ chuyển đổi sang thành phố thông minh, sáng tạo như thế nào cũng là vấn đề lớn. Các địa phương khác cũng thế, kể cả những địa phương mà công nghiệp đang là điểm “trắng”, để tính toán con đường phát triển hợp lý, hiệu quả”, PGS.TS. Trần Đình Thiên nói.
Muốn chuyển đổi xanh, phải có chính sách khuyến khích “khác thường”
Trước rủi ro về mặt chính sách, hành chính rất lớn, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng, doanh nghiệp trong nước chắc chắn khó khăn, còn doanh nghiệp nước ngoài thì e ngại. Nếu kéo dài như vậy, nền kinh tế thị trường rất khó phát triển.
“Chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn mà là con đường phải đi. Đã xác định như vậy thì tư duy về chính sách phải theo kịp, không thể băn khoăn mãi. Con đường đã chọn xong mà chính sách cứ băn khoăn thì không thể thành công”, ông Thiên nói.
Đáng chú ý là Chính phủ đang cố gắng thu hút doanh nghiệp công nghệ cao nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và bước đầu tạo được ấn tượng tốt. Theo ông Thiên, việc để các tập đoàn công nghệ lớn dẫn dắt là một hướng đi đúng đắn. Việc chọn lọc ngành gì coi như đã có hướng mở, nhưng khi công nghệ cao vào Việt Nam, sẽ đặt ra thách thức về thể chế và nguồn vốn.
Về mặt nguồn vốn, Chính phủ cũng đang nỗ lực kết nối với các quỹ đầu tư nước ngoài, nhất là tại COP28 mới đây. “Nhưng làm ăn được với các quỹ này không dễ”, ông Thiên đánh giá và cho biết, phải có cơ chế rõ ràng, minh bạch để thu hút các quỹ này.
Không chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ từ công nghệ và dòng vốn nước ngoài, việc tăng cường nội lực bên trong là thách thức chính phải vượt qua.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ nên việc chuyển đổi xanh rất khó, nhất là khi thiếu sự hỗ trợ từ dòng vốn quốc gia phục vụ cho mục tiêu chuyển đổi này. Chưa kể, còn thiếu nguồn lực để phát triển hạ tầng công nghiệp bởi thiếu quỹ đất lớn.
"Việc tìm được 100-200 hécta đất trống để thu hút doanh nghiệp lớn đem công nghệ cao vào Việt Nam là rất khó khăn, tìm được thì phải nói là kỳ tích. Chúng ta mới giải quyết được hạ tầng giao thông, còn hạ tầng công nghiệp gắn với thu hút đầu tư sẽ giải quyết như thế nào? Tôi cho là các tỉnh nên bàn thảo quyết liệt, trong khó khăn thì giải pháp phải 'bất thường'", ông Thiên nói.
Trước hết, muốn làm gì cũng phải có hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí. Lúc đó tăng trưởng xanh mới vận hành được, nếu không chúng ta sẽ dễ thỏa hiệp hoặc gây rủi ro cho những doanh nghiệp đi trước, phải theo cơ chế “xin-cho” và nhiều rủi ro khác khiến những doanh nghiệp sau không dám làm. Phải thay đổi tình trạng này, làm sao để biến được thách thức của đất nước thành cơ hội của doanh nghiệp chứ không phải ngược lại.
Liền theo đó, phải xây dựng được hệ thống khuyến khích thích hợp trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu chuẩn bị áp dụng. Phải xây dựng các giải pháp để khuyến khích, thay vì những công cụ mang tính hành chính cao. Chúng ta đang chuyển sang thời đại “ăn to, rủi ro lớn”, phải khuyến khích làm sao để doanh nghiệp chấp nhận rủi ro ở mức chịu đựng được và sẵn sàng hành động.
Ngoài ra, lọc ngành trong thu hút đầu tư xanh phải hiểu theo nghĩa rộng hơn chứ không đơn thuần là bỏ hẳn ngành. Mà là tính toán xem trong ngành đó, lọc bỏ cái gì, thu hẹp hay chuyển đổi công nghệ như thế nào…
"Chính sách phải đặc biệt, khác thường, không chỉ khuyến khích theo kiểu truyền thống. Tuyên ngôn của Chính phủ cần rõ ràng, phải biến thách thức thành cơ hội cho doanh nghiệp”, PGS.TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh./.