Doanh nghiệp phải nỗ lực vì tiêu chuẩn tín dụng xanh rất nghiêm ngặt
Chia sẻ với PV bên lề Hội thảo “Dẫn nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh” tổ chức ngày 4/12, LS. Vaibhav Saxena, Công ty Luật Quốc tế VILAF cho biết, trong khuôn khổ COP28 năm nay, Chính phủ Việt Nam đã tái khẳng định cam kết về mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hành trình này cần rất nhiều vốn, không chỉ từ các ngân hàng trong nước, mà từ các định chế tài chính nước ngoài.
“Với các khoản đầu tư lãi suất thấp, kỳ vọng sẽ thúc đẩy đáng kể các lĩnh vực sản xuất và công nghệ cao của Việt Nam”, LS. Vaibhav Saxena nhấn mạnh.
Như vậy, tài chính xanh không chỉ là chiến lược riêng lẻ mà là cấu phần cốt lõi của chuỗi giá trị kinh tế tổng thể của Việt Nam, được Bộ Chính trị chỉ đạo thông qua các nghị quyết cụ thể và sự triển khai của Chính phủ. Với tiềm năng đáng kể trong lĩnh vực này, Việt Nam mang đến những cơ hội đáng kể cho cả ngân hàng trong nước và quốc tế.
Gợi mở một số giải pháp tăng cường thúc đẩy tín dụng xanh, LS. Vaibhav Saxena cho rằng, các ngân hàng trong nước có thể xem xét, học hỏi từ các ngân hàng nước ngoài việc cung cấp khoản vay với lãi suất cho vay tương đối thấp hơn. Tuy nhiên, Luật sư cũng chỉ ra thực tế, “các ngân hàng trong nước có khó khăn riêng, như áp lực cho vay dài hạn, hay phân biệt khoản vay nào thuộc lĩnh vực “xanh” có thể cho vay”.
Đối với các tổ chức tài chính quốc tế, điều cần thiết là phải xác định rõ nền tảng pháp lý, điều kiện tiếp cận vốn xanh. Đặc biệt, khi các nguồn năng lượng xanh được xác định rõ ràng, nhiều cơ quan chính phủ và tổ chức tài chính, bao gồm Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có thể phân bổ một phần vốn để hỗ trợ các dự án xanh.
Còn bà Lâm Thúy Nga, Giám đốc toàn quốc Khối Khách hàng doanh nghiệp lớn, Ngân hàng TNHH MTV HSBC Việt Nam cho hay, HSBC nhận thấy nhu cầu vốn tín dụng xanh rất lớn, vừa là xu hướng vừa là vấn đề sống còn của doanh nghiệp.
Để các doanh nghiệp Việt Nam có thể đón nhận dòng vốn xanh, bà Nga cho rằng, còn nhiều yếu tố cần cải thiện, nhất là việc đáp ứng các quy chuẩn của thị trường tín dụng quốc tế. Đối với HSBC, việc cung cấp một khoản vay cho khách hàng phải trải qua quá trình thẩm định nghiêm ngặt và phải tương thích với các tiêu chuẩn của Hiệp hội Thị trường cho vay châu Á – Thái Bình Dương, tiêu chuẩn này cũng cao hơn so với ngân hàng trong nước.
“Cách tiếp cận của HSBC sẽ theo hướng hỗ trợ đưa chuyên gia nước ngoài, kết nối Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường… với các chuyên gia để nghe chia sẻ từ các thị trường thành công và chính bản thân tiêu chuẩn HSBC với các thị trường.
Đặc biệt, khi xem xét dự án của khách hàng, ngoài tiêu chuẩn tín dụng xanh nghiêm ngặt của ngân hàng, chúng tôi còn xem xét tham vọng và sự nghiêm túc của doanh nghiệp đối với dự án xanh nói riêng cũng như phát triển bền vững nói chung”, bà Nga chia sẻ.
Tăng cường các yêu cầu về công bố thông tin, kiểm soát vấn đề "tẩy xanh"
Chia sẻ về rủi ro trong quá trình phát triển tài chính xanh, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, nổi bật là vấn đề “tẩy xanh - green washing”, đề cập đến việc một tổ chức công bố thông tin sai lệch nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng cũng như nguồn tài chính xanh.
“Những gian lận trong việc “tẩy xanh” gây thiệt hại cho doanh nghiệp cũng như làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư. Đồng thời, cũng gia tăng rủi ro sử dụng vốn sai mục đích, từ đó làm giảm hiệu quả bảo vệ môi trường cũng như hiệu quả của việc hỗ trợ tài chính xanh, do nguồn vốn tài trợ cho các hoạt động “chưa xanh”. Do đó, việc hạn chế “tẩy xanh” đang ngày càng được các quốc gia trên thế giới quan tâm”, bà Hiền nói và chỉ ra một số giải pháp:
Trước hết, là tăng cường các yêu cầu về công bố thông tin, đi kèm với đó là giám sát chặt chẽ chất lượng và mức độ công bố thông tin, thông qua việc xây dựng những tiêu chuẩn và khung báo cáo về phát triển bền vững đáng tin cậy.
Thứ hai, liên tục hoàn thiện khung pháp lý về quy định “xanh”. Việt Nam nên áp dụng sự kết hợp giữa các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế trong các quy định của mình. Sử dụng các quy tắc phân loại của ASEAN và EU làm điểm tham chiếu, Việt Nam có thể tạo ra một hệ thống phân loại trái phiếu xanh, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế nhưng cũng phù hợp với bối cảnh kinh tế Đông Nam Á.
Thứ ba, thắt chặt các chế tài đối với các hành vi “tẩy xanh” sẽ góp phần ngăn chặn hiện tượng này cũng như đảm bảo cho sự phát triển của thị trường tài chính xanh, đưa Việt Nam trở thành đối tác đáng tin cậy của các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
Bà Hiền cũng cho biết, để đối phó với rủi ro tẩy xanh, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, hầu hết các nước đều tập trung xây dựng khung pháp lý về quy định “xanh” hoặc công khai các trường hợp gian lận trong việc công bố thông tin.
Đơn cử, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các yêu cầu đối với các báo cáo tài chính của công ty cần được công bố thường xuyên, truy cập mở và bắt buộc. Các bản báo cáo tài chính cũng cần đảm bảo tính minh bạch, độ tin cậy về các thông tin liên quan đến môi trường để giảm bớt các rủi ro “tẩy xanh”, từ đó giúp các nhà đầu tư và chính phủ có thể kiểm tra trước khi đưa ra các quyết định tài trợ tài chính xanh.
Ông Nguyễn Tùng Anh, Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế & Tín dụng, Trưởng bộ phận Dịch vụ Tài chính Bền vững, Finn Group đánh giá, các đánh giá độc lập đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút tài trợ xanh, bằng cách tăng cường tính toàn vẹn và tính xác thực của thị trường trái phiếu xanh.
“Các đánh giá giúp giảm thiểu rủi ro “green washing”, đảm bảo rằng trái phiếu xanh phù hợp với các nguyên tắc đã thiết lập và thực sự thân thiện với môi trường.
Đồng thời, ảnh hưởng đến các quyết định của nhà đầu tư và định giá trái phiếu xanh, bởi đã thúc đẩy sự kết nối giữa các nhà đầu tư và nhà phát hành, cung cấp thông tin đáng tin cậy về mức độ xanh của trái phiếu xanh.
Ngoài ra, các đánh giá bên ngoài rất cần thiết để nâng cao tính minh bạch và chất lượng công bố thông tin, vì chúng liên quan đến việc cải thiện tính minh bạch trong bảo đảm báo cáo sau phát hành”, ông Nguyễn Tùng Anh phân tích./.