Thời gian qua, không ít nhà đầu tư gặp khó khăn khi nhiều địa phương lo ngại ảnh hưởng môi trường nên ngần ngại trong việc thu hút đầu tư vào các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn. Nhất là nhà đầu tư nước ngoài gặp nhiều vướng mắc khi làm thủ tục đầu tư vào Việt Nam, do lãnh đạo một số địa phương có tâm lý nghe thấy ngành "ô nhiễm" là không mặn mà.
Thúc đẩy tăng trưởng xanh đối với các khu công nghiệp như thế nào để vừa giảm thiểu tác động tới môi trường, vừa đáp ứng được nhu cầu phát triển, tăng trưởng kinh tế?
Nhiều nhà đầu tư lớn vào Việt Nam gặp rào cản
Là chủ đầu tư Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ cho rằng, không thể chỉ nghe thấy doanh nghiệp sản xuất vật liệu cơ bản, hóa chất cơ bản là xếp vào ngành ô nhiễm. Khi đã xác định tăng trưởng xanh, phát triển bền vững thì tất cả các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới đều hướng tới đáp ứng các tiêu chí mà Liên hợp quốc đã đưa ra.
“Ngay từ đầu, nếu đặt mục tiêu tiếp cận các tiêu chí trên thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ đầu tư công nghệ máy móc hiện đại để kiểm soát khí thải. Như vậy, nếu doanh nghiệp đã xác định phát triển xanh thì ngành nào không còn quan trọng”, bà Nhi nêu quan điểm.
Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư lớn tới Việt Nam và gặp ngay một rào cản rất lớn, là phải xin chủ trương đầu tư, phải chứng minh mọi vấn đề liên quan đến vấn đề phát triển xanh.
“Chính những rào cản như vậy vô hình trung làm giảm sức cạnh tranh của nước ta trong thu hút đầu tư vốn đầu tư nước ngoài”, bà Nhi cho biết thực trạng.
Bên cạnh đó, để thu hút nhà đầu tư rót vốn lớn thì hạ tầng cũng phải đạt chuẩn quốc tế. Thế nhưng, để làm được hạ tầng như vậy đòi hỏi vốn rất lớn, cộng với lãi suất cao, nếu không thu hút được nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn.
“Đây là thách thức trong phát triển xanh mà các doanh nghiệp rất cần cơ quan quản lý cùng chia sẻ”, bà Nhi đề nghị.
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA) đề cập đến một khó khăn khác, đó là quy hoạch đất công nghiệp của TP.HCM hiện nay rất ít, ít ngay từ những ngày đầu được quy hoạch chứ không phải là gần đây mới thấy. Bởi từ cuối năm 2008 đến nay, quy hoạch đất công nghiệp trong các KCX, KCN chỉ khoảng gần 6.000ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 82%, còn lại do vướng một số thủ tục về pháp lý, về bồi thường nên chưa đưa vào khai thác.
“Những năm gần đây, TP.HCM không gặp khó khăn trong vấn đề xúc tiến đầu tư, nhưng khó khăn chính của thành phố là quỹ đất công nghiệp hạn hẹp, không đủ mời gọi các nhà đầu tư lớn”, ông Hưng chia sẻ.
Đô thị xanh là cực kỳ quan trọng
Theo ông Hưng, định hướng mới nhất của TP.HCM là giữ lại hết các khu trên địa bàn tiếp tục đầu tư, không chuyển bất kỳ mét vuông đất công nghiệp nào thành đất khác. Đồng thời, thu hút công nghiệp ở tầm công nghệ cao, lĩnh vực công nghệ cao để tăng hàm lượng đầu tư.
Đồng thời, sắp tới TP.HCM có những đề án định hướng chuyển đổi các KCX, KCN. Những ngành không còn phù hợp về môi trường trong nội thành, thành phố sẽ tạo một quỹ đất ở những vị trí khác để nhà đầu tư có thể di dời, nhưng bản thân nhà đầu tư phải tự thay đổi công nghệ, dây chuyền máy móc, để phù hợp với xu hướng phát triển xanh hơn mà vẫn tiếp tục làm trong ngành nghề cũ theo mong muốn.
Còn chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 của TP.HCM, TS. Trần Du Lịch cho biết, TP.HCM nhận thức rất rõ về kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn nên đang triển khai các vấn đề lớn. Trong đó, quan trọng nhất là tập trung kinh tế xanh gắn với phát triển đô thị xanh. Đô thị xanh là cực kỳ quan trọng.
Bên cạnh đó, ưu tiên chuyển đổi 17 khu công nghệ - khu chế xuất công nghệ đã lạc hậu, chọn 5 khu làm thí điểm. Ngoài ra, để giảm phát thải thì chú ý quy hoạch lại giao thông, kể cả giảm xe máy… Đồng thời, đổi mới công nghệ, tập trung giảm tiêu hao năng lượng.
“Đối với TP.HCM, không con đường nào khác là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đô thị xanh, hay gói gọn nhất của thành phố là kinh tế xanh, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số”, TS. Trần Du Lịch khẳng định.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thảo Nhi nhắc đến vai trò và sự phối hợp của ba bên, gồm nhà quản lý, các nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN, nhà đầu tư sản xuất trong KCN.
Theo đó, thứ nhất, từ lợi thế địa phương, cơ quan quản lý xác định phát triển và kêu gọi ngành nghề gì, từ đó đặt ra mục tiêu giảm phát thải. Thứ hai, các doanh nghiệp nước ngoài chỉ yên tâm đầu tư khi KCN có hạ tầng chuẩn quốc tế, đáp ứng được các tiêu chí xanh. Vậy thì vai trò của các nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN rất quan trọng, là cánh tay nối dài của Nhà nước, đưa những quy chế để yêu cầu các nhà đầu tư vào sản xuất trong KCN tuân thủ, cùng thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh.
Bà Nhi cũng nêu kinh nghiệm thực tế, từ 10 năm trước, KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 đã mạnh tay đầu tư để đáp ứng hầu hết các tiêu chí của khu đô thị sinh thái, khu công nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn... Kết quả, từ năm 2014 đến nay, Phú Mỹ 3 đã thu hút được 3 tỷ USD FDI và đặt mục tiêu đến năm 2026 sẽ đạt 5,5 tỷ USD. Trên 1ha đất công nghiệp, doanh nghiệp kêu gọi được khoảng 8,5 - 9 triệu USD vốn rót vào. Chứng tỏ, nhờ nền tảng xanh mà công ty được những tập đoàn lớn đánh giá tốt.
“Nhiều khu công nghiệp làm theo cách truyền thống, “san gạt” làm hạ tầng đơn giản rồi cho thuê đất là “hết trách nhiệm”. Nhưng ngay từ đầu, chúng tôi đầu tư hạ tầng đúng chuẩn quốc tế, đáp ứng các tiêu chí xanh thì chi phí đầu tư rất cao, nếu không thu hút được nhà đầu tư rót vốn vào cùng xây dựng thì không thể thành công được như bây giờ. Như vậy, chúng tôi muốn nhấn mạnh vai trò của nhà đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp”, bà Nhi nói.
Nhưng để làm hạ tầng xanh, vấn đề tài chính rất quan trọng. Trong bối cảnh lãi suất cao, mà thu hút đầu tư không được thì các doanh nghiệp đó sẽ rất khó khăn và có thể chưa thành công đã lâm vào phá sản.
“Nếu vay thương mại, với lãi suất khoảng 10%, mà 3 năm chưa thu hút được nhà đầu tư đến hoạt động thì lãi suất cộng lại là 30%, cùng với các chi phí khác thì doanh nghiệp rủi ro rất lớn. Trong khi đó, việc xây dựng một KCN mất 5 năm là bình thường.
Do đó, chúng tôi mong được chia sẻ trong vấn đề này. Đồng thời, các cơ quan quản lý phải định nghĩa lại phát triển xanh, với những tiêu chí rõ ràng và phù hợp mới thu hút được nhà đầu tư lớn”, bà Nhi nói.