Aa

"Cò đất" làm giàu ở đại công trường Phú Quốc

Thứ Tư, 13/12/2017 - 14:01

Người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam: Vẫn đang chờ các Sở Xây dựng!; "Cò đất" làm giàu ở đại công trường Phú Quốc; Cuối năm, hoạt động phân lô bán nền tại TP.HCM lại “nở rộ”; Dự án Lâm Sơn Resort: Khách hàng nắm đằng lưỡi;… là những tin tức nổi bật về bất động sản 24 giờ qua.

Dự án Lâm Sơn Resort: Khách hàng nắm đằng lưỡi

Dự án Lâm Sơn Resort đang triển khai giai đoạn 2 với 80 biệt thự (diện tích 400 m2, 600 m2, 1.000 m2) và chuẩn bị được tung ra thị trường. Theo hợp đồng mẫu mà nhân viên Công ty My Second Home, đơn vị phân phối độc quyền dự án cung cấp cho phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản (trong vai người cần mua biệt thự), thì đây không phải là hợp đồng mua bán, mà chỉ là hợp đồng hợp tác xây dựng và khai thác kinh doanh.

Mẫu biệt thự tại Lâm Sơn Resort. Ảnh: Nguyễn Thành.

Mẫu biệt thự tại Lâm Sơn Resort. Ảnh: Nguyễn Thành.

Theo các luật sư, với dạng hợp đồng này, các khách hàng sẽ không có quyền sở hữu bất động sản (không được cấp sổ đỏ nhà ở gắn liền với đất), mà chỉ có quyền sử dụng hoặc khai thác kinh doanh, nhượng quyền sử dụng cho người khác trong thời hạn sử dụng đất còn lại của dự án. Như vậy, khách hàng có khả năng mất trắng tài sản khi dự án gặp vấn đề không được triển khai.

Ngoài ra, theo luật sư Nguyễn Minh Long, Giám đốc Công ty Luật Dragon, có nhiều trường hợp, chủ đầu tư sử dụng tài sản góp vốn vào mục đích khác dẫn tới việc không có vốn để triển khai và hoàn thành dự án. Khi khách hàng phát hiện thì chủ đầu tư đã hoàn toàn mất khả năng tiếp tục triển khai dự án.

Xem chi tiết tại đây.

"Cò đất" làm giàu ở đại công trường Phú Quốc

Người ta nói nhiều về chuyện sốt đất Phú Quốc cách đây gần 3 năm và hiện tượng này chỉ chững lại trong khoảng 4 tháng rồi tiếp tục nóng lên, đặc biệt là thời điểm cuối năm 2017 để đón đầu đặc khu kinh tế. Nhiều Việt kiều từ Nga, Đức, Canada, Australia.. về hòn đảo phía tây nam tổ quốc đổ vốn kinh doanh khu nghỉ dưỡng. Trong số này, nổi bật có nhóm Việt kiều Đức xuất hiện ngay từ năm 2012, mua hàng loạt đất ven biển.

Ở đâu có nhà đất bán, tại đó sẽ có cò đất. Trên đảo Phú Quốc, người ta nói vui “cò đất nhiều hơn cả khách du lịch”. Ai cũng có thể thành người môi giới bất động sản. Anh bán nước mía, người công nhân xây dựng hay chị bán quần áo… đều kiếm được lời từ công việc kết nối người mua bán đất với nhau.

Cò đất Phú Quốc những năm gần đây đã có kinh nghiệm hơn trước. Họ buộc phải hiểu luật và phải cung cấp thông tin quy hoạch cho người mua - bán bất động sản để tránh rủi ro. Bởi ở đảo này có nhiều khu đất đã được quy hoạch xây dựng trường học, thương mại, dịch vụ, trạm y tế, đất nông nghiệp…

Xem chi tiết tại đây.

Cuối năm, hoạt động phân lô bán nền tại TP.HCM lại “nở rộ”

Tại TP.HCM, dù nội thành hay ngoại thành, đất nền luôn có một sức hút lớn và được nhiều khách hàng lựa chọn bởi giá trị sinh lời cao, đặc biệt là khu vực nội thành, nguồn cung luôn trong tình trạng khan hiếm.

Gọi là dự án, nhưng các “dự án” này thật ra là các khu đất rộng 3.000 - 10.000 m2 của người dân ủy quyền cho các đơn vị môi giới phân lô rồi bán ra thị trường. Các “dự án” phân lô bán đất nền bắt đầu “nở rộ” trở lại trong thời gian gần đây khi các tờ rơi quảng với những hình ảnh sinh động, các lời mời chào ấn tượng, nhưng trên thực tế, những dự án dạng này tồn tại khá nhiều điều “đáng ngại”.

Các quận Tân Phú, Bình Tân dù ở nội thành nhưng quỹ đất còn tương đối nhiều, giá thành mềm hơn so với những quận khác nên được nhiều chủ đầu tư nhắm đến. Riêng trong năm 2017, giá đất ở đây đã tăng đến 50% so với năm 2016, nhiều nơi giá đất từ 35 - 50 triệu đồng/m2 lên đến 60 - 80 triệu đồng/m2, thậm chí có nơi lên đến 100 triệu đồng/m2.

Nhiều chủ đất có quỹ đất lớn ủy quyền cho công ty phân phối phân lô, bán ra thị trường. Ảnh: Lê Thắng.

Nhiều chủ đất có quỹ đất lớn ủy quyền cho công ty phân phối phân lô, bán ra thị trường. Ảnh: Lê Thắng.

Dọc theo đường Tân Kỳ-Tân Quý, Kênh 19/5, đường Bình Long, có rất nhiều tờ rơi được treo trên những cột điện, cây xanh ven đường để quảng cáo về những “dự án” phân lô bán đất nền mới với nhiều nội dung ưu đãi hấp dẫn cho người mua.

Theo tìm hiểu của phóng viên, chỉ trong vòng 2 tháng, xung quanh khu vực AEON Tân Phú, Bình Tân có hàng chục “dự án” phân lô với gần 800 nền được triển khai. Giá bán những “dự án” này khá cao, từ 3,5 - 6,5 tỷ đồng/nền, nhưng theo lời chủ đầu tư, vẫn hút khách. Cụ thể, trên đường Tân Kỳ-Tân Quý rao bán với giá 68 - 80 triệu đồng/m2, Kênh 19/5 có giá 54 - 70 triệu đồng/m2, đường số 7 giá 40 - 50 triệu đồng/m2, đường Tây Lân giá từ 16,5 - 20 triệu đồng/m2.

Xem chi tiết tại đây.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Khẩn trương công khai Đề án phát triển thị trường bất động sản TP.HCM

Nội dung này được đề cập trong văn bản 643-TB/VPTU ngày 08/12/2017 về kết luận của Bí thư Thành TP.HCM ủy tại buổi làm việc với Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) về tình hình thị trường bất động sản giai đoạn 2011-2017 và các giải pháp để lành mạnh hóa thị trường.

Theo đó, Thành ủy, UBND thành phố đánh giá cao vai trò, sự đóng góp rất có ý nghĩa của HoREA trong tham gia phản biện, kiến nghị cơ chế, chính sách, sửa đổi luật pháp liên quan lĩnh vực đầu tư xây dựng nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng.

Thành phố khuyến khích hiệp hội tiếp tục phát huy vai trò của mình, dự báo, đánh giá diễn biến tình hình thị trường bất động sản để tiếp tục cùng thành phố đóng góp ý kiến, hiến kế, tham gia vào quá trình phản biện, thẩm định các dự án, công trình của thành phố khi có yêu cầu và các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành; chương trình chỉnh trang đô thị, di dời và tái định cư cho các hộ dân sống trên và ven kênh rạch; chương trình xây dựng mới chung cư thay thế chung cư cũ xuống cấp, hư hỏng nặng.

Đồng thời, hiệp hội cần thực hiện tốt chức năng tuyên truyền, phổ biến đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản chấp hành pháp luật trong đầu tư, kinh doanh, công khai, minh bạch, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nhằm góp phần vào việc xây dựng, ban hành pháp luật trong lĩnh vực bất động sản sát hợp tình hình thực tiễn, phát huy được vai trò đầu tư của doanh nghiệp trong lĩnh vực này, cùng thành phố tăng cường quản lý tốt thị trường bất động sản trên địa bàn trong thời gian tới.

Xem chi tiết tại đây.

TP.HCM lo thiếu cát, xi măng xây dựng vào năm 2020

Ông Trần Trọng Tuấn – Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM phản ánh 2 vấn đề bất cập của ngành.

Thứ nhất là vấn đề nguồn cung cát xây dựng. Ông cho biết, năm 2017 mặt hàng này chịu nhiều biến động, trong đó TP HCM là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do giá cát tăng cao.

Ông cũng cho biết, Sở Xây dựng TP HCM và sở 19 tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ đã thảo luận, tính toán cho thấy, tổng trữ lượng cát có thể khai thác được tại tất cả các địa phương này đến năm 2020 là gần 250 triệu m3. Tổng nhu cầu sử dụng là hơn 366 triệu m3, lớn hơn nhiều so với trữ lượng.

Lãnh đạo Sở Xây dựng TP HCM lo ngại tình trạng thiếu cát, xi măng xây dựng vào năm 2020. Ảnh minh họa.

Lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM lo ngại tình trạng thiếu cát, xi măng xây dựng vào năm 2020. Ảnh minh họa.

Trong khi đó, theo ông, nguồn vật liệu có thể thay thế cát tự nhiên nhìn chung không có nhiều. “Chúng tôi khảo sát tổng hợp trong 19 tỉnh thành thì chỉ 6 địa phương có có nguồn thay thế vật liệu cát tự nhiên.  Như vậy một vấn đề rất lớn được đặt ra là nguồn cung cát xây dựng cũng như vật liệu thay thế phải làm sao để đảm bảo cho thị trường, chất lượng xây dựng”, ông nói và cho rằng cơ quan quản lý cần có thảo luận để đưa ra những giải pháp toàn diện về quy hoạch, phát triển, tiêu chuẩn kỹ thuật.

Xem chi tiết tại đây.

Người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam: Vẫn đang chờ các Sở Xây dựng!

Báo cáo của Nhóm công tác Đầu tư và Thương mại đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) 2017 nhận định Việt Nam đã có bước tiến lớn trong việc tạo ra môi trường đầu tư thân thiện, giúp cho những nhà kinh doanh trong nước và nước ngoài cùng gia đình của họ có thể làm việc an toàn và thoải mái. Cùng với đó, dịch vụ trường học và bệnh viện đã cải thiện đáng kể. Các hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa cũng có nhiều sự lựa chọn hơn.

Tuy nhiên, Nhóm cũng nhấn mạnh một yếu tố được chứng minh khó đạt được chính là lĩnh vực sở hữu nhà ở. “Dù đã ban hành các quy định cho phép bán có giới hạn một số loại căn hộ chung cư và biệt thự nhất định cho người nước ngoài nhưng vẫn chưa có những quy định thi hành được ban hành một cách kịp thời, dẫn đến xảy ra nhiều nhầm lẫn và rủi ro trong thị trường”, nhóm này dẫn chứng.

Nhấn mạnh thêm, Báo cáo cho rằng vấn đề còn tồn đọng lớn nhất hiện nay là việc thực hiện các hạn chế đối với việc sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam, việc này có thể ảnh hưởng đến quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam.

Nhóm dẫn chứng thêm, Luật Nhà ở năm 2014 cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 01/07/2015; Nghị định số 99/2015/NĐ-CP (Nghị định 99) có hiệu lực từ ngày 10/12/2015 cũng đã quy định chi tiết các cơ chế thực hiện quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam; Nghị định 99 cũng yêu cầu Bộ Công an (BCA) và Bộ Quốc phòng (BQP) xác định cụ thể các khu vực cần bảo đảm an ninh, quốc phòng và thông báo cho UBND cấp tỉnh. 

Xem chi tiết tại đây.

Triển vọng thị trường bất động sản năm 2018 sẽ như thế nào?

Trong khi diễn biến của thị trường căn hộ đi vào giai đoạn “đỉnh” thì đất nền lại đang có xu hướng sôi động kể từ đầu năm nay, từ khu vực vùng ven Tp.HCM, Đà Nẵng nay “sóng” đất nền đã lan rộng ở nhiều địa phương khác. Những dự án có pháp lý tốt vẫn luôn có kết quả bán hàng khá tốt và giá không ngừng tăng cao.

Theo giới chuyên môn, nhu cầu ngày một tăng cao trong khi nguồn cung đất nền đô thị vẫn hạn chế, tâm lý người dân vẫn chuộng “ăn chắc mặc bền”, do đó đất nền được dự báo sẽ diễn ra sôi động trong năm 2018.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển phân tích, từ đầu năm 2010 đến nay thị trường đất nền đã bị “nén” nhiều năm nay, nên nhiều khu vực có vị trí tốt, hạ tầng ngày càng hoàn thiện, hay những khu vực hình thành cộng đồng dân cư… thì giá tăng 200 - 300% cũng là điều bình thường, đây là xu hướng tất yếu.

Tại hội thảo “Thị trường bất động sản Việt Nam 2017-2018: Toàn cảnh và dự báo” mới đây, nhiều chuyên gia nhận diện thị trường bất động sản năm 2018 tiếp tục khả quan. T.S Cấn Văn Lực, cho rằng thị trường có triển vọng tiếp tục tích cực, lý do là bởi dòng vốn đổ vào thị trường này vẫn ở tình trạng rất tốt, đặc biệt là vốn tư nhân (tăng 60%) mặc dù ngành ngân hàng có kiểm soát.

Xem chi tiết tại đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top