Tôi đang ngồi đợi đến giờ Việt Nam đá với Yemen – trận cầu quyết định. Và nhớ lại…
15 năm trước, tôi và các đồng nghiệp có dịp đi làm việc tại hãng truyền hình BBC ở London. Chúng tôi quyết tâm phải được thưởng thức trực tiếp, chứ không qua màn ảnh, món đặc sản hàng đầu của Anh quốc – Bóng đá. Không dễ dàng, nhưng chúng tôi đã lấy được vé xem một trận đấu của giải ngoại hạng Anh.
Chúng tôi đi tàu để ra ngoại ô đến sân vận động của đội Charlton Athletic. Hôm đó đội này tiếp đội khách là Leed United. Từ ga tàu đi vào sân vận động đã ngập người. Những dãy quầy bán lưu niệm nhộn nhịp và rực rỡ. Cổ động viên hát hò, chào hỏi đùa vui với bất cứ ai đi ngang qua. Họ mua những chiếc khăn, mũ, áo có logo của Charlton Athletic. Nhiều người để trẻ con trên vai. Những đứa trẻ vẫy khăn đỏ rực và reo hò. Tại các đường phố London, hàng ngày chúng tôi thấy người Anh trong bộ com lê đen, mũ đen, giày đen, luôn chuẩn mực và ít lời. Nhưng ở đây là một London khác, cởi mở, nhộn nhạo và hào phóng...
Sân vận động ở Anh không giống các sân vận động ở Việt Nam. Chúng được thiết kế theo cách để người xem gần với mặt sân tối đa. Cho nên không gian như hẹp lại dù rất đông người. Không khí càng ầm ĩ sôi động hơn.
Rồi trận đấu diễn ra. Không một giây nào người xem không hò hét. Hôm đó đội Charlton thua tan nát. Tôi nhớ là tỷ số 1-6. Hiếm có trận thua nào tệ đến thế trong bóng đá. Theo cách nghĩ của mình, chúng tôi hình dung các cổ động viên chắc sẽ buồn bã lắm.
Lúc ra về, con đường ra ga tàu lại đông đặc người như trước trận. Họ vẫn hát bài hát của Charton Athletic. Và các quầy bán mũ, áo, khăn màu đỏ của đội bóng vẫn nhộn nhịp người mua. Họ vẫn hồ hởi nhộn nhịp như thể vừa chứng kiến trận thắng mãn nhãn của đội nhà. Và ấn tượng nhất là họ vui vẻ xếp hàng, rất nhường nhịn nhau trước chỗ lên tàu về nội đô thành phố.
Bằng thứ tiếng Anh lỗ mỗ của mình, tôi hỏi một cổ động viên tầm tuổi tôi, anh có buồn không?. Anh ta cười ngoác miệng nói: "Buồn chứ, nhưng tôi chỉ có một đội bóng của tôi thôi là Charlton, và tôi yêu đội bóng của tôi!".
Có thể do đọc một số chuyện về cổ động viên quá khích, chúng ta hình dung ở châu Âu, hình ảnh cổ động viên Anh là những người to béo đầu trọc dữ dằn. Chuyện đó có, nhưng phải nói là rất ít. Ít lắm. Cổ động viên châu Âu thực ra sôi động nhưng rất lành.
Trong một dịp Euro, tôi được xem tại sân trận chung kết tại Bồ Đào Nha, đội nhà đá với Hy Lạp. Cổ động viên Hy Lạp chỉ vẻn vẹn một góc khán đài, nhưng rất cuồng nhiệt. Và cái chính là họ là những cổ động viên "có nghề" nhất thế giới. 90 phút cầu thủ đá dưới sân, còn trên khán đài cổ động viên không phải là xem bóng đá, mà làm công việc của mình, lúc hát, lúc hô cùng nhịp, lúc tạo ra tiếng gầm vang dội. Với lao động kịch liệt như thế, tôi nghĩ không có gì lạ nếu cuối trận, có cổ động viên do bận cổ vũ quá còn không biết tỷ số chung cuộc là thế nào, đội nhà thắng hay thua. Tôi nhớ có một thanh niên Hy Lạp cầm trên tay một hình nộm vải Figo (cầu thủ ngôi sao của Bồ Đào Nha) khá lớn và nhìn rất nực cười. Anh ta liên tục giờ hình nộm lên, để nó rũ rượi để giễu đội chủ nhà. Người Bồ Đào Nha về cuồng nhiệt thì khỏi nói. Họ hầu như không ngồi mà cả trận nhảy nhót hò hét.
Đội Bồ Đào Nha thua. Tôi nghĩ họ phải sốc lắm. Nhưng không. Khi ra về, họ vẫn vui vẻ và vô tư. Tôi tình cờ gặp anh chàng Hy Lạp, vẫn cầm hình nộm Figo, đi lẫn vào đám đông cổ động viên Bồ Đào Nha, và vẫn làm trò trêu chọc người Bồ. Những cổ động viên Bồ Đào Nha nhìn anh ta và, thật ngạc nhiên, họ cười.
Từ lần ấy, tôi luôn là người ủng hộ đội Bồ Đào Nha mỗi lần World Cup.
Đã từng có những lần – thật buồn, tôi chứng kiến ở Mỹ Đình hai khung cảnh khác hẳn nhau. Trước trận cờ quạt đỏ rực, nhộn nhịp. Về mức nồng nhiệt, không khác bất cứ đâu. Rồi cuối trận, khi đội nhà thua, quanh sân người ta dẫm lên những đồ dùng cổ vũ để ra về. Rất nhiều năm, đứng ngoài sân cũng biết đội ta thắng hay thua. Khi thắng hay chưa thua thì tiếng trong sân vang dội. Khi thua thì im lặng như tờ. Đã đành cách thể hiện niềm vui hay nỗi buồn khi thắng thua ở mỗi nơi khác nhau, nhưng có một điều chung: Cổ vũ, không thể là việc chỉ khi vui mới vỗ tay vào.
Thua thì buồn, thắng thì vui, sao khác được. Nhưng không lẽ người đá trên sân chỉ đáng được cổ vũ lúc thắng?
Nếu như ta chỉ sôi động cổ vũ khi đội nhà tấn công, đội nhà thắng. Rồi im lìm chán nản khi đội nhà thua, thì ta tới sân là để "tiêu dùng". Theo nghĩa để tìm cảm giác, hưởng cảm giác thoả mãn cho ta. Nói cho đúng, nhìn vào mình, tôi cũng thấy cái thói "tiêu dùng" đó lâu nay.
Giờ đây, cổ động viên Việt Nam đúng là đã khác nhiều. Không còn nhiều cái cảnh đáng buồn như những năm trước. Chúng ta giờ đây không chỉ đi tìm sự mãn nhãn hả hê ở các chiến thắng, mà học cách biết chia sẻ cả khi khó khăn. Nhưng đâu đó (đâu đó thôi) thì…tôi vừa đọc những dòng trên một vài báo mạng. Kiểu như là: Cầu đã cắt, nồi đã đập, ông Pak không thể có đường quay về nếu không thắng Yemen! Chưa nói đến chuyện có những "cổ động viên" nhiệt huyết trong chuyện ném đá cá nhân cầu thủ sau mỗi trận thua.
Thế là thế nào? Cầu nào bị cắt giữa chúng ta và đội tuyển của chúng ta nếu họ không thắng, nếu họ chưa thể thắng? Chúng ta đâu có mấy đội tuyển quốc gia để chọn đội nào thắng thì cổ vũ, đội nào thua thì chê bai? Chúng ta chỉ có một đội tuyển quốc gia của chúng ta thôi.
Tôi nhớ lại câu chuyện đọc được: Sau trận đấu giữa hai đội của hai công ty, cổ động viên của công ty nọ có đội nhà thua, họ chán nản tiếc nuối xầm xì chê bai. Giám đốc công ty của đội thua mượn từ một cầu thủ chiếc áo thi đấu anh ta đang mặc. Cầm chiếc áo đến gần khán giả là nhân viên công ty mình, vắt chiếc áo. Rồi nói: "Hãy nhìn kỹ đi, đó là mồ hôi đấy!". Tôi nghĩ người giám đốc đó là cổ động viên đích thực.
Cổ động viên cống hiến luôn là người đồng hành cùng đội nhà. Còn nếu chỉ tìm kiếm ở đội nhà những phút sung sướng thoả mãn, thì đó là cổ động viên tiêu dùng. Hay đúng hơn, không phải cổ động viên, mà là người đi xem bóng đá. Như là đi đến với một cuộc nhậu vui. Có điều, bóng đá khác.
Tất nhiên, tôi đang nóng lòng chứng kiến đội tuyển Việt Nam thắng Yemen. Và tiếp tục vào vòng sau, tiếp tục thắng… Rất nóng lòng!