Aa

Cô Hiệu trưởng mầm non vùng cao

Thứ Năm, 02/08/2018 - 06:00

Lòng chúng tôi cũng ấm lại. Dẫu rằng vẫn rưng rưng khi nghĩ về những mất mát không thể nói hết được bằng lời mà gia đình nhỏ của người lính, người dạy học vùng cao heo hút này đã phải trải qua.

Cô giáo và học trò vùng cao.

Cô giáo và học trò vùng cao.

Mấy năm trước, tôi đã nói với một cô Hiệu trưởng mầm non miền núi một câu, rồi phải rất ân hận.

Lần đó, chúng tôi khảo sát để phát hiện những việc cần hỗ trợ học sinh. Một trong những điều chúng tôi phải hỏi rất kỹ là cơ cấu học sinh (độ tuổi, lớp, tỷ lệ con em gia đình nghèo, tỷ lệ học sinh chưa nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước v.v...). Cô Hiệu trưởng còn khá trẻ, từ khuôn mặt đến dáng vóc như người dự thi hoa hậu. Nhưng rõ ràng là cô không để tâm trí vào cuộc họp. Tôi đã nghĩ có thể cô chẳng vui gì khi phải dạy trẻ con ở nơi biên giới quá heo hút này. Cô giáo giật mình khi chúng tôi hỏi các số liệu về học sinh. Và lúng túng không nói ngay được những con số đơn giản nhất.

Tôi đã cố nén bực bội, nhưng vẫn thốt ra một câu: "Cô là Hiệu trưởng, không lẽ không biết mình có bao nhiêu học sinh ở các lứa tuổi khác nhau?". Cô giáo đỏ mặt, im lặng. Từ đó cô rất chăm chú với cuộc họp, nhưng rõ ràng là phải cố gắng để làm điều đó. Toàn bộ dáng vẻ cô như bị đè nặng bởi những suy nghĩ khác.

Từ chỗ họp, chúng tôi đi khảo sát điểm trường. Lúc đó cô giáo rất tỷ mỉ trình bày khó khăn của điểm trường trong chuyện nấu ăn cho học sinh. Cô thiết tha đề nghị được giúp xây dựng khu bếp với các đồ nấu ăn cần thiết. Chúng tôi cũng thấy việc đó rất cần. Mùa đông, có cơm nóng, thức ăn vệ sinh, trẻ em 2 - 5 tuổi mới khoẻ, ít mắc bệnh.

Xế chiều, chúng tôi rời trường. Không hiểu vì sao tôi đi ra cuối cùng. Khi đó ở cổng trường chỉ còn hai người đứng nói chuyện là cô Hiệu trưởng và một cán bộ Phòng Giáo dục. Đi ngang qua, tôi nghe thấy một câu của anh cán bộ Phòng Giáo dục nói với cô: "Biết cô có chuyện buồn, nhưng hôm đó tôi không xuống được, tôi rất xin lỗi!".

Buổi tối, tại nhà khách huyện miền núi, tôi kể lại chuyện này với anh bạn của Quỹ. Chúng tôi lục tìm lại các thông tin để liên hệ cô giáo đã cho chúng tôi. May có cả địa chỉ trang facebook (Phương tiện chúng tôi hay dùng nhất để trao đổi bàn bạc với các thày cô vùng cao). Vào trang facebook của cô, chúng tôi sững sờ vì mới ít ngày trước, trang của cô ngập tràn những lời an ủi, chia buồn của bạn bè, đồng nghiệp.

Cô Hiệu trưởng vốn người dưới xuôi. Lên xã vùng biên dạy mầm non. Cô lấy chồng là sĩ quan biên phòng ở đồn biên phòng ngay gần trường học. Họ đã có hai bé gái. Bé chị mười tuổi. Hai vợ chồng đều bận rộn, cô hay phải đi xuống các điểm trường ở bản, có khi không về trong ngày được. Chồng thường xuyên phải trực chiến. Họ gửi bé lớn về nhà ông bà ở trung tâm tỉnh trông giúp. Và thật không may, bé vừa mất trong một tai nạn giao thông.

Hôm sau, khảo sát xong các điểm trường khác, chúng tôi thay đổi đường về để quay lại xã cô giáo đang dạy học, vào nhà thăm cô. Cá nhân tôi nhất định muốn nói với cô một lời xin lỗi. Căn nhà lá rất nhỏ trước cổng đồn biên phòng. Trên tường gỗ có một bức ảnh rất lớn chụp cả gia đình bốn người. Bé chị rất giống mẹ, cao lớn và xinh đẹp.

Gia đình ấy giờ đã nhỏ thêm đi. Người sĩ quan biên phòng xin phép rời đồn về nhà tiếp chúng tôi một lúc. Anh ít nói, cương nghị. Tôi ôm bé gái nhỏ - người ta nói từ hôm chị xa, bé rất buồn và hay quấy. Tôi không nói ra được lời xin lỗi.

Khi chia tay, cô giáo xách ra xe can mật ong nhỏ, nói là mật do cô tự nuôi ong mà có. Chúng tôi giãy nảy từ chối. Cô đứng cầm cái can, không nói gì, nhưng nhìn thấy cô sắp oà khóc. Tôi lại vội vàng nhận can mật ong để vào trong xe.

Về Hà Nội, chúng tôi đã thông báo trên facebook về can mật ong của cô giáo vùng cao. Mọi người ai cũng muốn mua. Mấy lít mật ong người mua trả tiền rất nhiều, đủ để làm khu bếp cho điểm trường cô dạy.

Tôi đã nhìn cô Hiệu trưởng trong lớp. Dạy mầm non không như dạy trẻ lớn. Các cô múa, hát, cười với các em, dạy chúng làm theo. Tôi hình dung phải có nghị lực và tình yêu lớn đến thế nào, để không bỏ dạy, vẫn lên lớp và tự mình múa hát cho các em làm theo. Khi trong tâm can có một nỗi đau lớn thế.

Rất tránh làm phiền các thày cô giáo vùng cao, nhưng lần trở lại gần đây nhất, chúng tôi đã gọi điện trước, "xin" được ăn cơm tối ở nhà vợ chồng cô giáo. Hai vợ chồng cô giờ vừa có bé mới sinh. Căn nhà nhỏ ấm cúng trở lại. Lòng chúng tôi cũng ấm lại. Dẫu rằng vẫn rưng rưng khi nghĩ về những mất mát không thể nói hết được bằng lời mà gia đình nhỏ của người lính, người dạy học vùng cao heo hút này đã phải trải qua.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top