Aa

Phó Chủ tịch TT Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam: “Cơ hội cho cổ phiếu bất động sản là rất lớn”

Minh Hằng
Minh Hằng hangminh0807@gmail.com
Thứ Tư, 16/08/2023 - 06:00

Theo ông Phan Quốc Huỳnh, PCT TT Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán VN, thời gian tới, nếu lãi suất tiếp tục hạ, giá vốn rẻ thì chứng khoán, trong đó cổ phiếu BĐS sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn cho NĐT biết nắm bắt cơ hội.

Thời gian vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã và đang khẳng định vai trò là kênh huy động vốn quan trọng, giúp thị trường vốn trở nên cân bằng hơn trong việc bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch. Việc đưa cổ phiếu lên niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung đã mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như: Huy động vốn, mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. 

Có thể thấy, trong 3 năm vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc về thanh khoản, vốn hóa, số nhà đầu tư tham gia thị trường… Tuy nhiên, số doanh nghiệp lên sàn (bao gồm cả niêm yết và đăng ký giao dịch) còn rất hạn chế. Thực tế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp quy mô lớn đứng ngoài sàn bởi nhiều lý do khác nhau. Điều này khiến thị trường chứng khoán không có thêm hàng hóa mới, nhà đầu tư không có thêm lựa chọn để đầu tư. Bên cạnh nguyên nhân khách quan là khó khăn của kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước, còn có nguyên nhân chủ quan từ phía các doanh nghiệp và thành viên tham gia thị trường. Bước vào giai đoạn mới, thị trường chứng khoán sẽ phát triển ra sao, nhất là nhóm cổ phiếu bất động sản?   

Xung quanh vấn đề này, ông Phan Quốc Huỳnh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB), Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán SBS đã có những chia sẻ với Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes.vn).

Ông Phan Quốc Huỳnh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB), Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán SBS. 

“Có một số doanh nghiệp đang e ngại lên sàn”

PV: Ông đánh giá ra sao về số lượng và chất lượng doanh nghiệp lên sàn chứng khoán thời gian qua?

Ông Phan Quốc Huỳnh: Theo tôi, từ năm 2021 đến nay, vì nhiều lý do như dịch bệnh Covid-19, xung đột và căng thẳng địa - chính trị trên thế giới, suy thoái kinh tế… khiến nội lực của kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam đang gặp nhiều vấn đề, giảm cả về nguồn cung và tổng cầu.

Những ách tắc trong lưu thông hàng hóa đã khiến sức khoẻ của hầu hết các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và “yếu dần”.

Đối diện với những khó khăn chung của thị trường cũng như việc phải tự chống chọi với vấn đề nội tại thì việc doanh nghiệp lên sàn còn nhiều hạn chế.

Bức tranh thị trường chứng khoán đã và đang bộc lộ nhiều mảng sáng, tối đan xen. Tôi cho rằng, mảng tối dường như chiếm ưu thế.

Thị trường chứng khoán hay bất cứ thị trường nào cũng sẽ vận hành theo đúng quy luật của nó. Nếu muốn phát triển một cách lâu dài, bền vững thì sự "thanh lọc" là khó tránh khỏi. Đặc biệt, thời gian qua đã xảy ra một số “sự cố” đáng tiếc trên thị trường chứng khoán, gần như ai cũng đã biết và tâm lý của đại đa số nhà đầu tư bị ảnh hưởng.

Với một thị trường chứng khoán non trẻ hơn 20 năm tuổi, chúng ta phải chấp nhận có những bước đi "chập chững" trước khi hoàn thiện, tìm đến sự bứt phá dài hơi…

Bản thân tôi là một người theo dõi và tham gia thị trường chứng khoán từ nhiều năm trước. Tôi quan niệm thị trường chứng khoán là "chợ", có người mua và có người bán; có người "tử tế" lẫn người "không tử tế". Điều quan trọng là chúng ta cần nhiều doanh nghiệp “tử tế” hơn và nhất định phải loại bỏ dần những doanh nghiệp kinh doanh thiếu “tử tế”.

Trong 3 năm vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc về thanh khoản, vốn hóa, số nhà đầu tư tham gia thị trường. (Ảnh minh họa: Saigon Times)

PV: Hiện mới chỉ có khoảng 0,25% tổng số doanh nghiệp Việt Nam niêm yết trên sàn chứng khoán. Thực trạng đó cho thấy điều gì, thưa ông?

Ông Phan Quốc Huỳnh: Tôi cho rằng điều này là bình thường, bởi thị trường chứng khoán Việt Nam còn non trẻ, mới chỉ hoạt động được hơn hai thập niên. 

Đặc biệt, so với tỷ lệ dân số, tỷ lệ mở tài khoản đã đạt 7% thì tỷ lệ doanh nghiệp lên sàn như vậy không có gì bất thường. 

Chúng ta cần nhìn nhận tích cực rằng, đại đa số các doanh nghiệp có vốn hoá lớn và hoạt động tốt hiện nay đều đã lên sàn. Đây chính là “những con chim đầu đàn” của lực lượng doanh nghiệp Việt Nam. 

Hy vọng rằng, với những tín hiệu tươi sáng hơn và thị trường đang từng bước hồi phục thì sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa lên sàn chứng khoán trong thời gian tới. Một khi thị trường hồi phục, huy động nguồn vốn tốt và điều kiện sức khoẻ tài chính phù hợp thì các doanh nghiệp sẽ tự khắc niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung. 

PV: Thực tế, theo thống kê của chúng tôi, đang có hiện tượng nhiều doanh nghiệp “ngại” lên sàn. Ông có thể lý giải những trở ngại nào đang cản trở các doanh nghiệp lên sàn và đâu là những trợ lực sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết lên sàn chứng khoán trong thời gian tới?

Ông Phan Quốc Huỳnh: Không thể phủ nhận thực tế hiện nay có một số doanh nghiệp đang e ngại lên sàn chứng khoán. Theo quy định của pháp luật thì để lên sàn, cần sự minh bạch, rõ ràng trong mọi hoạt động của doanh nghiệp, từ kiểm toán, tài chính, thuế, lợi nhuận và phải báo cáo định kỳ… Vậy nên, nếu doanh nghiệp nào xác định mình hoạt động minh bạch thì sẽ sẵn sàng lên sàn chứng khoán và ngược lại. 

Và theo quan điểm của tôi, Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan đã nhận diện được những khó khăn của thị trường nên đã quyết liệt tháo gỡ vướng mắc thông qua nhiều chính sách lớn như: Chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi… 

Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết cấp tốc để kịp thời giải quyết vấn đề này. Ví dụ, vấn đề miễn, giảm thuế, hạ lãi suất, đưa ra những gói kích thích kinh tế lớn, đồng thời đẩy mạnh đầu tư công. 

Hiện nay, chúng ta đang rất quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công, đặt biệt phải kể đến hệ thống hạ tầng thông qua công trình trọng điểm Đường cao tốc Bắc - Nam.

Có thể thấy, những chính sách mới đang dần thẩm thấu một cách tích cực đối với thị trường, qua đó, thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế nói chung đang phục hồi dần rõ nét hơn. Từ đó, chúng ta có thể kỳ vọng vào chỉ số GDP năm nay của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,2 - 6,5% và cố gắng kiểm soát chỉ số lạm phát dưới 4,5%.

Cổ phiếu bất động sản là một trụ đỡ của thị trường chứng khoán

PV: Ông đánh giá ra sao về sự xuất hiện và vai trò của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán thời gian qua?

Ông Phan Quốc HuỳnhTừ khi thị trường chứng khoán thành lập và đi vào hoạt động đến nay, cổ phiếu ngành bất động sản là một phần không thể thiếu trên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu ngành bất động sản có sự gắn bó khăng khít, tạo ra động lực và là trụ đỡ trong hoạt động của thị trường chứng khoán.

"Cổ phiếu ngành bất động sản có sự gắn bó khăng khít, tạo ra động lực và là trụ đỡ trong hoạt động của thị trường chứng khoán". 

- Ông Phan Quốc Huỳnh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) - 

Chúng ta có thể hiểu rằng, cổ phiếu bất động sản, tài chính ngân hàng và chứng khoán là ba trụ cột hết sức quan trọng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đồng thời, đây là sự tương tác giữa hệ thống tài chính - ngân hàng và thị trường bất động sản, vì đây là nhu cầu không thể thiếu trong bất cứ giai đoạn phát triển nào của xã hội.

PV: Như ông đã phân tích, trong 3 năm trở lại đây, nền kinh tế Việt Nam đối diện với nhiều thách thức, từ dịch bệnh cho đến chiến tranh, suy thoái toàn cầu. Không nằm ngoài quy luật chung, thị trường chứng khoán và bất động sản không tránh khỏi những đợt suy giảm mạnh. Các doanh nghiệp bất động sản cả ở nhóm đã niêm yết và chưa niêm yết bị ảnh hưởng ra sao, thưa ông? 

Ông Phan Quốc HuỳnhTrên thực tế, trải qua giai đoạn 3 năm khó khăn, ảnh hưởng bởi dịch bệnh, căng thẳng địa - chính trị và suy thoái kinh tế thì gần như tất cả các ngành hàng, lĩnh vực trên thị trường đều bị ảnh hưởng và có sự suy thoái nhất định. Trong đó, thị trường bất động sản cũng không phải là ngoại lệ. 

Cụ thể, chúng ta có thể thấy rõ sự suy thoái của thị trường bất động sản khi: Nguồn lực vốn yếu, nguồn cung hạn chế, tính thanh khoản của thị trường kém và giá cả có sự sụt giảm. Do đó, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, NHNN và các bộ ngành đã có những giải pháp quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, như: Gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội; các chỉ đạo tháo gỡ nút thắt về pháp lý cho dự án bất động sản. 

Và mới đây nhất là những chỉ đạo cấp tín dụng để thị trường bất động sản hồi phục và phát triển, từ đó, tạo thanh khoản cho thị trường.

Cổ phiếu ngành bất động sản có sự gắn bó khăng khít, tạo ra động lực và là trụ đỡ trong hoạt động của thị trường chứng khoán. (Ảnh minh họa: Reatimes)

Có thể thấy, Chính phủ và cơ quan quản lý Nhà nước đã nhìn ra nguyên nhân và hệ lụy của sự trầm lắng, đi xuống của thị trường bất động sản.

Hiện nay, có hai vấn đề chính cần được xem xét, đó là: Tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho bất động sản (Chính phủ đã họp với các tập đoàn bất động sản lớn để tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho từng dự án cụ thể) và cần có cơ chế hữu hiệu để khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản.

Nếu chúng ta không có hành lang pháp lý rõ ràng, cụ thể và thống nhất giữa chỉ đạo chung của Chính phủ và các bộ, ngành (Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài chính và NHNN) thì khó có thể hồi phục và phát triển thị trường một cách lành mạnh. 

Suy cho cùng, các ngân hàng vẫn phải thực hiện đúng và đủ các tiêu chí trong hoạt động cho vay (các tiêu chí ở đây là vấn đề pháp lý của các dự bất động sản) và tập trung tháo gỡ vấn đề từ đó thì mới có thể khơi thông nguồn vốn chảy vào thị trường bất động sản. 

PV: Ông có lời khuyên gì cho cho các doanh nghiệp bất động sản đã niêm yết và chuẩn bị có kế hoạch niêm yết lên sàn?

Ông Phan Quốc HuỳnhTrong bối cảnh này thì khó có thể đưa ra lời khuyên cụ thể cho từng doanh nghiệp. Đối với các đơn vị đã niêm yết, nếu thị trường đi lên kéo theo tính thanh khoản cao, mặt bằng giá bất động sản được phục hồi thì dĩ nhiên kênh huy động vốn của doanh nghiệp bất động sản sẽ tốt hơn, giá cổ phiếu lên cao hơn và lợi nhuận thu về sẽ tốt hơn.

Thời gian tới, có thể một số doanh nghiệp sẽ khơi thông dòng vốn tốt là do chính nội lực của doanh nghiệp và thực tế, các cổ phiếu đang phản ánh mặt bằng giá tương đối tốt trong thời gian qua. 

Còn đối với doanh nghiệp chưa lên sàn thì trong thời gian tới, khi sức khoẻ tốt hơn có thể xác định sàn chứng khoán là nơi thu hút, huy động nguồn lực xã hội mạnh mẽ cho hoạt động của doanh nghiệp.

Không nên nhìn nhận doanh nghiệp cứ phát hành trái phiếu sẽ gặp nhiều rủi ro

PV: Ngày 19/7, hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ đã chính thức đi vào vận hành. Ông có đánh giá như thế nào về những tác động của hệ thống này đối với thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung?

Ông Phan Quốc Huỳnh: Thời gian qua, thị trường trái phiếu đã bộc lộ những vấn đề liên quan đến huy động, sử dụng nguồn vốn và đã được chấn chỉnh. Qua đó, đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn thông qua việc phát hành trái phiếu. 

Với sự quyết tâm lớn của Chính phủ, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, việc khai trương hệ thống trái phiếu riêng lẻ là một tín hiệu tốt cho thị trường, nhằm thúc đẩy thị trường trái phiếu phát triển lành mạnh, ổn định và chất lượng hơn. 

Có thể khẳng định, đây là một sản phẩm mới và tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

PV: Giai đoạn vừa qua cho thấy rằng, những chủ đầu tư (i) ít bị ảnh hưởng bởi vấn đề trái phiếu, (ii) sở hữu quỹ đất tốt có vẻ như đang vượt qua được những “cơn gió ngược” phía trước và được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ. Ông cảm nhận ra sao về điều này?

Ông Phan Quốc HuỳnhTrái phiếu là một kênh huy động vốn trên thị trường chứng khoán thông qua phương thức phát hành trái phiếu riêng lẻ, phát hành đại chúng, phát hành thông qua hệ thống ngân hàng… Theo tôi, hiện nay, cơ bản các doanh nghiệp đang dần thực hiện việc huy động vốn theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, đây là một thị trường mới nên cũng không thể tránh khỏi những sai sót, vi phạm. 

Theo tôi, không phải cứ doanh nghiệp nào phát hành trái phiếu là gặp rủi ro, vì hoạt động phát hành trái phiếu phải có những yếu tố đảm bảo về mục đích sử dụng vốn và tài sản bảo đảm. Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP với một số thay đổi khi cho phép nhà phát hành có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác; được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm nếu có sự đồng ý của trái chủ; tạm hoãn quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp… Và sau gần nửa năm ban hành Nghị định số 08, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang dần xuất hiện những tín hiệu tích cực hơn. Những doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành công đã phần nào giải tỏa được tình trạng phải liên tục khất nợ trái phiếu như thời điểm khó khăn cuối năm 2022.

Cá nhân tôi cho rằng, không nên nhìn nhận và đánh giá những doanh nghiệp cứ phát hành trái phiếu sẽ gặp nhiều rủi ro. Vì bản thân mỗi doanh nghiệp huy động trái phiếu cũng đều có những kế hoạch, chiến lược kinh doanh một cách hợp lý. Dĩ nhiên, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng bởi “thiên thời, địa lợi” và cả do nguyên nhân chủ quan của chính doanh nghiệp hoặc tác động khách quan từ thị trường.

Đối với doanh nghiệp chưa lên sàn thì trong thời gian tới, khi sức khoẻ tốt hơn có thể xác định sàn chứng khoán là nơi thu hút, huy động nguồn lực xã hội mạnh mẽ cho hoạt động của doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: Reatimes)

PV: Vậy điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững trên sàn chứng khoán hiện nay xuất phát từ chính bản thân doanh nghiệp chứ không chỉ là do cơ chế chính sách?

Ông Phan Quốc Huỳnh: Giải pháp để doanh nghiệp lên được sàn chứng khoán phải xuất phát từ cả hai phía: Cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp. Hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam có 3 sàn: TP.HCM, Hà Nội và Upcom. Mỗi một sàn lại có lượng vốn hoá và chỉ tiêu về lợi nhuận khác nhau.

Chúng ta phải nhìn nhận một điều rằng, đây là vấn đề của cả hai bên, một bên là cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Uỷ ban Chứng khoán và các sở; một bên là doanh nghiệp. 

Bản thân doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị hành trang đầy đủ để lên sàn và Uỷ ban Chứng khoán cũng đang cải tổ công tác quản lý nhà nước về thị trường chứng khoán như: Tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các hoạt động vi phạm để từ đó thanh lọc thị trường; Tăng cường công tác nghiệp vụ… Tất cả các hoạt động đều hướng tới một thị trường trái phiếu minh bạch, có chất lượng cổ phiếu tốt.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top