Aa

Cơ hội nào cho thị trường BĐS trong năm 2025?

Thứ Ba, 11/02/2025 - 21:11

Đứng trước những khó khăn cũ và mới của thị trường, đặc biệt giữa bối cảnh chiến tranh thương mại, liệu có điểm sáng nào cho thị trường BĐS trong năm 2025?

Nhận định về những khó khăn mà thị trường bất động sản (BĐS) phải đối diện cũng như nguy cơ về chiến tranh thương mại sắp tới, ông Lê Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ TN&MT nhận định riêng đối với phân khúc BĐS công nghiệp trong năm 2025, nếu chúng ta khéo léo, tránh được sắc thuế của Mỹ thì thị trường Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới.

Nếu các KCN tại Việt Nam phát triển thì không chỉ BĐS công nghiệp thăng hoa mà còn kéo theo nhiều phân khúc BĐS khác như nhà ở cho công nhân, cho người dân...

Cơ hội nào cho thị trường BĐS trong năm 2025?- Ảnh 1.

Phân khúc nhà ở hiện đang có nhiều ưu đãi lớn từ Nhà nước. Ảnh: Internet

Nằm ngoài nguy cơ chiến tranh thương mại, phân khúc nhà ở xã hội hiện đang có nhiều ưu đãi lớn từ Nhà nước như thủ tục pháp lý nhanh chóng, thuế đất cũng được Nhà nước ưu đãi.

Thậm chí bán hàng nhanh do phân khúc này, người dân sẽ tự tìm đến chứ không mất công đi tìm khách như những phân khúc khác. Cũng theo ông Bình, nhà ở xã hội sẽ là phân khúc hấp dẫn, có lãi rõ ràng tuy nhiên lại không thu hút được doanh nghiệp đầu tư.

Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 sau khi được thực hiện sẽ có nhiều tác động đến các phân khúc khác như phân khúc cao cấp do nhu cầu của người dân không còn nhiều.

Trong khi đó, khi nhìn nhận về cơ hội BĐS trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng dưới góc độ doanh nghiệp nhìn nhận, cơ quan quản lý Nhà nước đã có nhiều chính sách và nỗ lực trong việc giúp làm lành mạnh thị trường. Theo ông Đính, sẽ có 2 kịch bản cho thị trường BĐS trong thời gian tới.

Thứ nhất, kịch bản tích cực khi tinh gọn bộ máy, sẽ giúp thúc đẩy thị trường BĐS, điều này giúp giảm thiểu thời gian, chi phí, chính sách pháp lý khiến thị trường BĐS bước vào chu kỳ mới, thăng hoa và phát triển hơn.

Kịch bản thứ 2: Khi cơ quan, cá nhân hợp nhất không được phân công nhiệm vụ cụ thể, không chủ động trong công việc khiến cả bộ máy "dậm chân tại chỗ", không ai dám ký, dám làm khiến thủ tục đầu tư BĐS bị trì hoãn, kéo theo sự đi lùi của thị trường.

Cơ hội nào cho thị trường BĐS trong năm 2025?- Ảnh 2.

Thị trường BĐS trong năm 2025 sẽ có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Ảnh: Internet

Nhìn nhận lạc quan hơn, ông Trần Như Trung (One Mont) cho rằng thị trường BĐS trong năm 2025 sẽ khác với năm 2024 ở điểm, quy mô tham gia thị trường sẽ lớn hơn.

Trong khi năm 2024, chỉ có BĐS tại TP. Hà Nội, TP. HCM... "nóng" thì năm 2025 sẽ phát triển mở rộng hơn khi TP. HCM sẽ khởi động mạnh và tạo ra tín hiệu, lan tỏa trên cả nước. Trong năm 2025, thị trường cũng lộ nhiều tín hiệu phát triển.

Theo đó, trước đây khi hành lang pháp lý chưa rõ ràng, các nhà đầu tư lớn sẽ mở rộng từ Nam ra Bắc, nguồn cung cũng được cải thiện.

Theo đánh giá, năm 2025 sẽ là năm khởi đầu của thị trường để bước vào chu kỳ mới.

Trong khi đó, năm 2025 phân khúc của thị trường sẽ đa dạng hơn, nhà đầu tư và người dân sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn, do đó khi quyết định đầu tư cẩn hết sức cẩn trọng.

Ngoài ra theo nhận định của ông Vương Duy Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), việc hợp nhất và tinh gọn bộ máy không chỉ là cơ hội riêng của lĩnh vực BĐS mà còn là của nhiều lĩnh vực khác.

Sau khi tinh gọn, sắp xếp lại bộ máy, nhiều cơ quan, Bộ, Ban ngành liên quan thì thủ tục đầu tư một dự án BĐS sẽ giảm đi rất nhiều.

Do đó, để đầu tư một dự án BĐS cần phải tính toán từ phương án đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng nhiều thủ tục hành chính rất nhiều. Về cơ bản, để xây dựng dự án cần 30-40 thủ tục lớn còn chưa tính đến các thủ tục nhỏ lẻ.

Trong khi đó, việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, đơn giản hóa thủ tục sẽ góp phần triển khai thủ tục dự án nhanh hơn. Đây là một trong những điểm thuận lợi đối với các dự án BĐS cũng như nhiều lĩnh vực khác.

Ngoài ra, đối với việc phân cấp phân quyền rõ ràng từ Trung ương đến địa phương thì các địa phương cần thích ứng với bộ máy mới, chức năng và nhiệm vụ mới.

Đơn cử như việc thẩm tra, thẩm định các dự án cấp 1 trước đây ở Trung ương nhưng hiện địa phương phải chuẩn bị bộ máy, con người để thẩm định các dự án đó. Nếu như địa phương tổ chức tốt, có bộ máy tốt sẽ giúp các dự án BĐS được triển khai nhanh hơn, gia tăng được nguồn cung cho thị trường BĐS.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top