Aa

Có lý và thậm vô lý

Thứ Tư, 04/03/2020 - 07:00

Hóa ra một ngày bị nhỡ máy bay ở Hàn Quốc lại cho tôi hiểu thêm vô số điều về xứ người, để rồi từ đó suy ngẫm về xứ mình.

Kể ra thì rất nhiều, có thể gặp ở bất cứ đâu những chuyện na ná giống nhau về hình thức, nhưng khác xa nhau về nội dung bên trong hoặc cách xử lý vấn đề. Không muốn bạn đọc mất thì giờ vàng ngọc, tôi chỉ xin thuật lại hai chuyện.

Nhà vệ sinh công cộng ở Hàn Quốc

Giống như Đài Loan, Singapore… là những quốc gia sạch sẽ, nền nếp hàng đầu thế giới, thì nhà vệ sinh ở Hàn Quốc hay bất cứ nơi đâu tôi có dịp ghé qua phần lớn đều hiện đại, sạch sẽ, thiết kế đầy tính mỹ thuật và thân thiện. 

Tại đó luôn có nhân viên vệ sinh dọn rửa, đôi khi chỉ là nhặt bã kẹo cao su hay một mẩu bao bì bị rơi. Thùng rác thường gắn vào tường, cũng cực kỳ mỹ quan và luôn được tự động đóng kín. Giống như hưởng các dịch vụ khác, nếu quá đông người cùng vào thì phải xếp hàng. Vạch đánh dấu điểm xếp hàng in bằng màu, nổi bật trên sàn. Vệ sinh xong có xà phòng rửa tay, giấy thơm lau, sấy khô tiệt trùng, soi gương chỉnh trang lại đầu tóc rồi mới ra.

Tất cả đều miễn phí.

Bát cơm trắng ở sân bay Incheon

Trước khi lên máy bay về nước, tôi đi tìm đồ ăn sáng trong sân bay và nhận ra rằng người Hàn Quốc cũng ăn cơm, điều đó khiến tôi vui mừng tột bậc. Tôi mua một suất cơm hết chừng 10USD (230.000 đồng). Suất ăn của người Hàn Quốc thường rất nhiều về đạm. Nghĩa là thức ăn vừa phong phú, vừa ở mức thừa, nhưng cơm trắng với tôi lại có vẻ hơi thiếu, so với thói quen vẫn ăn ở nhà. 

Quen như ở Việt Nam, tôi hồn nhiên bảo cô chủ quán cho xin thêm một bát cơm. Tất nhiên là được. Rồi cô nhân viên bấm máy tính nhoay nhoáy và bảo tôi: “Ngài phải trả 88 cent” (khoảng 20.000 đồng). Tôi đưa 1USD và lấy lại 12 cent lẻ bằng tiền Hàn rồi bưng về bát cơm chỉ to hơn tách uống cà phê một chút (vào lúc đói, kể cả sức tôi cũng có thể chén bay 5 bát như vậy, khoảng hai bát đầy ở ta).

Về nước ít hôm, tôi rủ vợ tới một vùng quê bán sơn địa có ngôi chùa nổi tiếng trên núi để vãng cảnh. Trên đường đi, tôi nhận ra tại những thửa ruộng sớm bên đường lúa đã bắt đầu mẩy hạt. Nhưng xem chừng chủ nhân chẳng mấy tha thiết, có lẽ vì ngay cả khi đem được về nhà cũng chẳng hơn gì bèo! 

Trước khi vào động chính để vợ làm lễ, tôi muốn đi vệ sinh nên bèn vào một khu vệ sinh xây qua quýt, với cái nền lổn nhổn đá sắc như mũi dao. Nước tiểu và phân cứ việc chảy thẳng xuống thung lũng. Bẩn thì thôi rồi! Bẩn đến mức có thể gây lợm giọng hàng tháng sau. 

Tôi phải nhắm mắt, nín thở để đi cho xong. Khi trở ra tôi mới thấy dòng chữ: Đi tiểu tiện: 5.000 đồng; đi đại tiện 10.000 đồng (lúc bước vào không nhìn thấy dòng chữ này). 

Anh nhân viên mặt lạnh tanh lạnh ngắt, không thèm mở miệng mà cứ thế lừ lừ giật tiền từ tay khách. Tôi nhẩm tính: Đi vệ sinh một lần mất toi gần cân thóc. Một cân thóc quy ra gạo có thể nấu được 10 bát cơm như bát cơm tôi mua ở Hàn Quốc. Đến mình lương 7 - 8 triệu đồng một tháng còn xót nữa là nông dân. Thảo nào các bà, các chị chẳng ngại đông người, cứ việc rủ nhau ngồi giăng hàng ở ngay trên bờ suối, nơi có những hàng cây dại che chắn!

Chuyện của xứ người và chuyện của xứ mình xem ra đều có chỗ vô lý nếu tư duy theo lối một anh nông dân chưa hết cảm giác sợ nghèo đói như tôi. Nó chỉ khác rằng, ở xứ người thì cái vô lý tồn tại một cách có lý, còn ở ta thì cái vô lý tồn tại một cách thậm vô lý!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top