Aa

Có những thói quen nên bỏ

Thứ Tư, 19/08/2020 - 07:00

Trong ngày thường, chẳng mấy khi ta để ý những thói quen lặt vặt kia. Nay trong mùa Covid, tự nhiên ta nhìn rõ nó, thấy có gì không ổn và cần phải điều chỉnh lại.

Nhiều thói quen trong sinh hoạt hàng ngày có căn rễ từ ngàn xưa, tồn tại cho đến ngày nay. Và ngàn đời nay, người dân mình vẫn sống chung với nó, quen thuộc đến nỗi chẳng mấy khi đặt câu hỏi về nó xem có còn hợp nữa hay không, có nên duy trì nữa hay không?

Trong mùa phòng chống Covid019 kéo dài này, một số thói quen trong sinh hoạt hàng ngày bỗng nhiên lộ ra những điều rất bất ổn, rất cần được nhìn lại.

Xóm tôi có một bà làm trong ban phụ trách tổ dân phố. Bà được coi là một cán bộ nhiệt tình, gần dân, ăn nói nhẹ nhàng, nên bà con ai cũng quý. Hễ có việc họp hành, quyên góp, vận động, thông báo, nhắc nhở gì là bà đi khắp lượt, đến từng ngõ, gõ từng nhà, không bỏ sót nhà nào. Với công tác phòng chống dịch, có những người cán bộ tổ dân phố như thế kể cũng đỡ lo.

Tuy nhiên, bà ta có một thói quen, mỗi khi đi thu phát giấy tờ, hoặc thu tiền bà con vì việc gì đó, bà ta thường hay đưa mấy ngón tay lên miệng liếm rồi đếm. Mà đâu chỉ có liếm một lần, cứ chốc chốc, bà dừng tay lại, nói một câu rồi lại đưa tay lên miệng liếm cái, rồi lại đếm tiếp.

Hôm rồi, bà đến gõ cửa nhà tôi. Mở cửa, bà đon đả vào sân, tay cầm tập giấy, tay kia đưa lên liếm một cái. Rồi bà giải thích lý do, nội dung giấy tờ, căn dặn kỹ lưỡng… Bà giương mục kỉnh lên tìm tờ giấy có tên tôi. Chốc chốc, bà lại đưa tay lên liếm một cái. À đây rồi. Bà giơ tay liếm mấy cái liền rồi vui mừng khôn xiết, lôi ra tờ giấy có tên tôi. Nhìn bà, trong đầu tôi chợt nghĩ đến cái con Corona virus, ngộ nhỡ… Tôi định bảo bà, thôi không cần liếm nữa có được không, song nghĩ nể quá lại thôi. Quả thật, tôi cầm tờ giấy triệu tập họp trong tay mà cứ cảm thấy chờn chợn.

Tôi hạ quyết tâm, lần này thì tôi không nói, nhưng lần sau tôi quyết sẽ đề nghị bà đừng liếm tay mỗi khi tìm giấy tờ như thế.

Nhìn rộng ra, khi ta đi mua hàng, không ít người khi đưa/trả tiền cũng hay có thói quen liếm tay đếm như vậy. Mà có phải nhiều nhặn gì đâu, chỉ vài tờ chứ mấy cũng liếm. Có khi người ta đặt miếng xốp tẩm nước trên bàn để mọi người dấp ngón tay khi đếm tiền, đếm giấy thì dùng, nhưng không thèm để ý, cứ tay mình liếm lấy liếm để. Đồng tiền khi đã qua lưu thông trên thị trường thì ai cũng biết, không lấy gì làm sạch sẽ. Ai dám chắc những đồng tiền ấy không chứa nhiều mầm bệnh, thậm chí có những mầm bệnh chết người.

Thói quen nên bỏ 2
Nhiều thói quen xấu bên bàn ăn nên loại bỏ.

Thêm một hai thói quen nữa trong lúc ăn uống chén chú chén anh. Mời nhau uống xong cái là bắt tay nhau. Chả nhất thiết phải bắt tay. Nhưng mà thôi, đã có lệ ấy, ừ thì bắt tay, nhưng cũng nên chỉ một lần đầu tiên thôi. Đằng này lần nào cũng chìa tay ra bắt. Nếu không bắt lai bị cự nự rằng xem thường này nọ. Mà bắt tay thì, ôi thôi, tay vừa gỡ thịt gà, vừa đưa vào miệng gỡ mắc xương… Thật bất tiện. Những thứ vi trùng/siêu vi trùng của nhau cứ thế sang nhau một cách vô tư.

Và trong bữa ăn cũng lại có người rất thích gắp thức ăn cho người khác. Chả biết do thích chăm sóc người khác hay do “muốn ăn thì gắp cho người”? Kẻ bỗ bã thì cứ đũa mình mà gắp bỏ vào bát người. Còn người ý tứ hơn chút thì giở đầu đũa để gắp. Đằng nào cũng không ổn. Đầu đũa anh ăn, anh đã cho vào mồm anh hàng chục lần rồi. Hay khi anh trở đầu đũa, tay cầm của anh lấy gì đảm bảo là tay sạch? Vả lại cái tay anh cầm vào đó, đã ám mồ hôi anh, giờ anh lại dùng nó gắp thức ăn, tưởng là vệ sinh hơn lúc không giở đầu đũa, nhưng hóa ra cũng lại không hơn…

Có người lại dùng cả tay bốc bải thức ăn, rồi nắm xôi thành nắm nhỏ, gọi là “chim chim” rồi bỏ vào bát người khác. Không ăn thì bảo là khảnh, mà ăn vào cứ thấy ghê ghê…

Ngày GS Nguyễn Đăng Mạnh thầy tôi còn sống, một hôm trong bữa ăn, cụ hỏi: “Tớ đố các cậu, tại sao khi ăn xôi, người ta nắm chim chim, rồi ăn thấy ngon hơn?”. Đám học trò bọn tôi đứa bảo để cho nó dẻo hơn, đứa thì bảo miếng xôi được nén chặt nên ăn thật miệng hơn… Cụ cười hom hóm, bảo: “Các cậu nói sai bét. Người ta sở dĩ ăn nắm xôi chim chim ngon hơn bởi vì trong đó quyện mồ hôi của mình, mà đã ăn thứ của mình thì bao giờ chả thấy ngon hơn”. Tất cả thấy bất ngờ và thích thú. Từ câu chuyện xôi, cụ hàm ý nói chuyện cái thói tật cố hữu của con người ta: Phàm cái gì của mình đều thấy ngon, do cái bệnh ái kỷ, bệnh yêu bản thân mình quá mà ra thế…

Cứ từ câu chuyện ấy mà suy, khi tôi ăn nắm chim chim của anh, tức là tôi ăn cả mồ hôi của anh trong đó. Mà hay ho gì cái mồ hôi của anh! Tương tự trong trường hợp này, may chăng là cái nắm cơm chim chim của người tình, chắc ăn sẽ thật ngon hơn.

Trong ngày thường, chẳng mấy khi ta để ý những thói quen lặt vặt kia. Nay trong mùa Covid, tự nhiên ta nhìn rõ nó, thấy có gì không ổn và cần phải điều chỉnh lại.

Và nhiều thói quen khác nữa cũng cần chỉnh lại…

                                                                            Ngày 12/8/2020

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top