Aa

Ban ơn

Thứ Năm, 13/08/2020 - 07:00

Đức Phật dạy chúng sinh phải thành tâm. Hôm nay ta giúp người, ngày mai người giúp người khác, rồi người khác lại giúp ta… Cứ thế, tạo hóa công minh, không ai được hết cũng không ai mất hết.

Ngày rảnh, vào mạng, thấy một bạn văn phàn nàn về một sếp quyền chức vừa vừa, nay mới về hưu, lại nói rùm beng lên về chuyện làm ơn với anh. Đại loại: Ngày xưa tôi giúp anh ấy, vực anh ấy dậy, tác phẩm của anh ấy bị bỏ xó mà tôi có công dựng lên, rồi anh ấy được vinh danh, mở mày sáng mặt. Ơn huệ tôi, anh ấy chưa trả, đã quên ngay rồi?

Và cũng nhân chuyện này mà có hứng thú bàn về chuyện ân huệ ở đời…

Kinh thi người Việt có câu: 

Bạn bè là nghĩa tương tri

Sao cho sau trước một bề mới nên.

Nhưng người Việt lại cũng có câu khác: Kể nghĩa kể ơn là bất nhân, thất nghĩa… Xem ra, cái sự ơn huệ ở đời quả là đẹp đẽ cao cả khi có được hành động và suy nghĩ đúng. Ngược lại, sẽ trở thành gánh nặng và là nỗi đau đớn. Biết bao kẻ đã từng khuynh gia bại sản về ân oán ở đời. 

Chuyện xưa kể rằng, có một người nông dân nghèo kiết, đang ốm thập tử nhất sinh, được phú ông cho thang thuốc. Phú ông tính rằng, khi người này khỏi bệnh, sẽ có thêm một kẻ làm thuê không mất tiền công. Chẳng biết vì thang thuốc hay do bệnh tự khỏi nhưng từ đó trở đi, người nông dân vì ơn nghĩa đã coi phú ông là ân nhân cứu mạng, làm việc cho phú ông tận tâm, dù đói khổ, vất vả, cực nhọc thế nào cũng không lời ca thán. 

Tuy vậy, do bản chất tham lam, phú ông luôn tỏ ra không hài lòng. Ngày ngày, cứ gặp mặt người nông dân là phú ông nhắc lại chuyện thang thuốc ngày nọ. Người nông dân vô cùng xấu hổ, buồn bã, vẫn lầm lũi vắt kiệt sức mình để trả ơn. Cho đến một hôm, do quá lao lực, người nông dân kiệt sức mà chết. Trước khi chết, ông nhắn nhủ với con trai mình rằng: Không bao giờ được nhận ơn huệ của đám trọc phú. Bởi đấy sẽ là nỗi thống khổ, ô nhục đày đọa suốt đời không bao giờ hết. Chỉ đến chết mới giải thoát…

Câu chuyện bi thương về sự ban ơn và trả ơn mãi là bài học cay đắng của kiếp người…

Người Việt đa phần khi chịu ơn ai thì luôn tìm cách tạ ơn, thậm chí tạ ơn còn gấp năm, bảy lần ban ơn. Người xưa có câu: Ai mà phụ nghĩa quên công/Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm, là từ can cớ này. Và đấy là chính đáng, là đạo nghĩa tự nhiên nhi nhiên. Nhưng người Việt cũng khinh bỉ, coi thường, căm ghét kẻ ban ơn rồi kể lể, đòi ơn. Giúp người một việc mà cứ kể công, đòi nợ, thì rõ là có mưu mô, tính toán thiệt hơn, chứ đâu còn nhân nghĩa. 

Người có trách nhiệm, phát hiện ra tài năng, ra nhân tài, sốt sắng nâng niu sử dụng có hiệu quả, làm lợi cho dân cho nước, cho bạn, cho mình thì phải mừng vui, cảm ơn trân trọng người tài mới là phải lẽ. Hà cớ gì lại coi đó là ơn huệ mà kể công phi lý vậy...

Nhưng ấy là nói chuyện người bình thường, có cuộc sống bình thường và cũng là câu chuyện của dân lương thiện. Họ sống ở đời, cho dù ơn huệ thế nào vẫn nhìn trước nhìn sau. Cân nhắc xử sự có tình, có lý, có khi hơi quá, nhưng vẫn giữ được đạo luân thường.

Ai cũng mong được hỗ trợ, giúp đỡ...
Ai cũng mong được hỗ trợ, giúp đỡ...

Còn chuyện ban ơn trả ơn ở chốn quan trường thì sao? Thì cái sự ơn huệ thông thường ấy đã chuyển hóa, biến tướng tinh vi... Thậm chí, là quan hệ mua bán, đổi chác, có vay có trả, trắng trợn. Người ta vì quyền lợi của mình mà bất chấp liêm sỉ, ví như: Tôi bỏ phiếu ủng hộ anh lên chức này thì anh phải sống chết bảo vệ tôi, ủng hộ tôi lên chức kia. Tôi ủng hộ anh được lên chức, lợi lộc danh giá, thì tôi cũng phải có một chân vững chắc cùng hưởng vinh hoa phú quý. Tôi cho anh dự án này, đổi lại anh phải chi vài chục tỷ đồng gọi là tiền môi giới.

Tôi về hưu, nhưng có công giới thiệu cất nhắc anh thành người có quyền chức nghiêng thiên hạ, vậy anh hãy nhớ lấy. Chúng ta cùng hội cùng thuyền, ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Vậy nên mới có nhiều trường hợp đã về hưu từ đời tám hoánh rồi, sắp xuống lỗ rồi, mà cứ động một tý là “quan hưu” cầm điện thoại lên “chỉ đạo” mọi chuyện, làm cho tình hình rối tinh, rối loạn... Thế mà cánh đàn em chịu ơn vẫn cung cúc làm theo, không dám ho he... 

... Và cũng cần biết trả ơn đúng cách!
... Và cũng cần biết trả ơn đúng cách!

Trong mọi lĩnh vực, nhất là chuyện nhân sự, sắp xếp cán bộ cho đến khoa học, kinh tế, chính trị, văn học nghệ thuật, người tài năng thực sự bao giờ cũng hiếm. Có được một vị trí quyền lực, một công trình, một tác phẩm có giá trị, bất cứ một người chân chính nào có trách nhiệm xã hội, người yêu nghề có lương tâm cũng thấy như “vớ được vàng”, khát khao “chộp” lấy. 

Còn nếu bất tài, vị trí quyền lực hay công trình, tác phẩm kém cỏi, thì dù cùng cánh hẩu cố chăm chút nâng niu, đặt lên ngai vàng bát ngọc, cũng vẫn là bùn. Có thể bây giờ, vì nhiều lý do, chưa bị phanh phui thật giả, bị tạm quên, nhưng năm sau, thậm chí nhiều năm sau, đời sau nữa, cũng phải bị trả về đúng giá trị. 

Hơn thế nữa, tài năng thật thì không thể vùi dập. Đã là vàng, thì dù bôi bùn trát bụi, vẫn là vàng. Chỉ có điều, nếu phát hiện sớm thì sẽ có ích nhanh hơn, tốt hơn cho đồng loại. Ngược lại thì không. Nhưng vàng vẫn là vàng, chỉ cần khẽ phủi bụi lại sáng trong như thường. Không ai có thể thần thông phù sơn đắp phép cho bùn biến thành vàng, vàng thành đất sét được. 

Đức Phật dạy chúng sinh phải thành tâm. Hôm nay ta giúp người, ngày mai người giúp người khác, rồi người khác lại giúp ta… Cứ thế, tạo hóa công minh, không ai được hết cũng không ai mất hết. Với nhóm người này, bạn bị hắt hủi nhưng ở một nhóm khác bạn lại được tôn vinh. Hôm nay được cái này nhưng ngày mai sẽ mất thứ khác, thậm chí đời sau sẽ phải trả giá cho hôm nay. Thành ra, giúp người mà cứ kể ơn đòi nghĩa, cứ cao ngạo ban phát, gia ơn, thì thành bất nghĩa rồi đấy!  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top