Ngay sau khi thiên tùy bút Chốn Thanh An* của bạn tôi - Nhà Nghiên cứu Phê bình Văn học Chu Văn Sơn hoàn thành và gửi cho tôi đọc (tháng 10/2017), tôi đã rất tò mò, có phần háo hức muốn đến nơi này. Đến để xem vẻ đẹp đảo chè nơi đây. Đến để được tâm hồn lắng lại. Đến để hiều vì cơn cớ gì mà ông bạn tôi viết về nó đắm đuối, quyến rũ đến thế…
Khi bạn tôi vân du về miền miên viễn, tôi lại càng khao khát được đến chốn này. Đó là Đảo chè Thanh Chương, xứ Nghệ, nằm trên xã Thanh An, nên còn gọi là Đảo chè Thanh An. Tùy bút của ông bạn tôi gọi là Chốn Thanh An. Có ai biết chốn ấy? Ai đã từng về chốn ấy? Ấy là…chốn ấy.
Khi đến Vinh, một nữ nhà văn, bạn thân thiết của tôi bảo: “Em mời anh một chuyến đi chơi xứ Nghệ trong ngày Chủ nhật. Cho anh chọn 3 địa điểm, rồi mình sẽ đi một trong ba”. Tôi không một chút băn khoăn: “Chốn Thanh An”. Bạn tôi bảo: “Mùa này đang nắng dữ, nước hồ cạn, chắc không đẹp bằng cữ cuối xuân đầu hạ”. Tôi bảo vẫn cứ đi vì tôi muốn đi lại dấu chân của bạn tôi. Tôi kể về tác giả và tùy bút đó. Nữ nhà văn bảo hãy gửi cho đọc. Đọc xong, chị ấy quyết: “Thế thì phải đi chốn Thanh An thôi”…
“Nắng mưa là việc của giời”. Mấy hôm trời như đổ lửa. Sáng sớm ra, trời trong, xanh, cao tít, toàn mây kết hình vẩy tê tê, báo hiệu một ngày nắng dữ. Trên đường, mỗi lần từ trong xe bước ra, tưởng như có kẻ đang quạt lửa táp vào mặt. Không sao. Từ TP. Vinh đến đó chừng 40 cây số, xe chạy mất khoảng già hai tiếng đồng hồ. Ai đó dặn đã đi Thanh An thì nên đi sớm, tốt nhất khởi hành lúc 4 giờ sáng. Ôi, tinh mơ thế thì ai mà dậy được. Cuối cùng thì gần 7 giờ xe mới lăn bánh. Loanh quanh gần 10 giờ mới tới nơi.
Một vùng đồi chè hiện lên trước mặt. Một vùng hồ mở ra trước mặt. Như thể chưa yên lòng về chuyến đi chơi dành đãi khách, người bạn đi cùng xem chừng áy náy bảo hôm nay nước cạn quá, cạn dễ đến hơn mét so với ngày thường, mất đẹp đi nhiều…
Không, tôi thấy vẫn đẹp mà. Rất đẹp! Thanh An đẹp ngay cả khi mùa nắng lửa. Thanh An đẹp ngay cả khi mùa nước cạn. Rất nhiều gió thốc trên mặt hồ. Tuy trời nắng nóng nhưng nhờ mặt nước hồ điều hòa nên thành gió mát. Chúng tôi đi loanh quanh vùng nước biếc. Bóng đồi bóng cây lồng bóng nước lung linh xanh biếc.
Một mặt hồ mở ra. Một mặt hồ khép lại. Một ngọn đồi như nhô ra chặn lối. Rồi lại mở ra một mặt hồ khác. Đồi và hồ. Hồ tiếp đồi. Cứ thế, như thể ú tim. Toàn chè là chè, ngang hàng thẳng lối. Bà con nơi đây đang bơm nước lên đồi tưới chè. Những cây nước phọt những tia nước tóe ra chung quanh ánh lên sắc cầu vồng. Những chỗ được tưới tắm, vạt chè xanh thẫm, trổ lên những búp xanh lơ nõn mướt.
Còn những chỗ không được tưới (do nguồn nước quá xa) đành chịu phận hẩm thân hiu, cả một vạt chè lá héo. Khổ thân. Chúng cứ đứng kiên gan, lầm lì, bất chấp. Giá như vầng nước kia phủ khắp? Giá như ông Trời cho một trận mưa… Ở đời, hạnh phúc chẳng mấy khi được chia đều. Dân gian chả đã từng: “Mưa đâu cho khắp” đó thôi!
Chúng tôi dừng thuyền, trèo lên một ngọn đồi. Nhìn từ trên cao, mênh mang hồ. Mênh mông chè. Đồi tiếp đồi, hình khe thế núi. Phía xa xa, một tốp nam thanh nữ tú áo phông đỏ rực đang xếp hình chụp ảnh. Chúng tôi tránh xa chỗ ấy, rất biết phận mình: “Trẻ vui bạn trẻ, già choang bạn già”.
Ở chỗ chúng tôi đứng (nói là chúng tôi, nhưng chỉ có tôi và anh bạn nhà báo thôi), tuyệt nhiên yên lặng. Tiếng gió thổi dào dạt từng cơn. Tiếng chim khi xa khi gần, lúc mơ hồ khi lảnh lót. Đây mới là chốn thanh an, cõi lặng yên, hoàn toàn tĩnh lặng, chỉ có thiên nhiên rì rào cất tiếng.
Tôi ơi, hãy hít hà lấy vài hơi thở thật sâu để làm lành buồng phổi đã bị chấn thương, kẻo mai về phố thị lại ngập ngụa trong bụi khói thị thành… Tôi ơi, giá như được nằm đây đánh ngon một giấc trưa, hay là cứ ngủ quên luôn cũng được… Ông bạn mình đã đến đây và đã ra đi mãi mãi. Nó bây giờ đã có một chốn Thanh An đời đời của riêng mình. Chả biết như thế thì nó sướng hay là khổ.
Đang mơ màng, bỗng có tiếng gọi giục xuống thuyền kẻo muộn. Thế là tan tành một giấc điệp Thanh An…
Vẫn thường nghe câu ca dao:
Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Ai vô xứ Nghệ thì vô…
Thì ra lâu nay chỉ nghe cái vỏ âm thanh của nó. Vào tận nơi xứ Nghệ mới thấu một cách thật rõ ràng, mới cảm nhận tận đầu ngón tay của câu ca dao đầy tự tin và kiêu hãnh đó của người xứ Nghệ. Tôi đưa tay ngắt một búp chè non nhấm nháp. Một vị chát ngọt tràn vào khoang miệng, đánh thức ngũ quan, chạy lên tận đỉnh đầu.
Từ trên đỉnh đồi Thanh An, phóng tầm mắt ra xa. Bức họa đồ thiên nhiên sống động, đường nét phân minh, đường viền của đồi, đường viền mép nước. Do mức nước cạn, chân các quả đồi rực lên một ngấn vàng của đất, đánh dấu mực nước khi cạn so với lúc đầy. Như thể bức họa đồ, như nét vẽ tài hoa, phóng túng của thiên tạo trong phút ngẫu hứng ham chơi đã bỏ quên nơi trần thế.
Nhưng không, do bàn tay con người nơi đây gầy dựng là chính. Mới dăm năm trở lại đây chứ mấy. Ai đó cho đắp một con đập mang tên đập Cầu Cau, thế là một vùng đồi nước mở ra. Rồi từ đó, những người dân nơi đây trồng chè, lấy cây chè làm kế mưu sinh. Về xứ Nghệ mà không uống bát nước chè tươi hãm khéo cùng nếm miếng khoai lang luộc thơm phức thì xem như là đánh mất đi hương vị Nghệ nhiều lắm.
Đảo chè nhìn chiều nào cũng đẹp. Nếu nhìn từ trên cao, chắc sẽ có một vẻ đẹp toàn cảnh hơn. Lòng bỗng ước giá được ngồi trên chiếc phi cơ mà lướt ngang dọc nơi này. Giá có flycam trong tay để ghi lại khoảnh khắc này…
Nhưng xứ Nghệ còn có một họa đồ trong tâm tưởng, họa đồ lịch sử - văn hóa - tâm linh. Tôi ngồi trên xe, anh bạn lái xe là một nhà báo cự phách, chốc chốc qua mỗi thôi đường lại thuyết minh: Chỗ này là quê anh em nhà Hoài Thanh, Hoài Chân, chỗ kia là làng của nhà cụ Nguyễn Tài Cẩn, chỗ này nữa là làng nhà cụ Phan Ngọc (Nhữ Thành), chỗ kia nữa là quê của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Tạo…
Ấy là chưa thể tính đếm hết được các danh nhân, anh hùng lịch sử mấy nghìn năm của quê hương xứ Nghệ. Ẩn sau những lũy tre xanh kia, khắp dải nước non họa đồ ấy, là những gương mặt văn hóa lịch sử, đột khởi lên để trở thành các bậc trí thức, cống hiến cho làng cho nước, đóng vai trò dẫn dắt xứ sở này, đất Việt này. Thế nên, người nơi đây giỏi giang. Học trò nơi đây nhiều đời kiệt xuất.
Tôi có một ao ước, ông bạn ạ, lần nào đó mình về quê Nguyễn Minh Châu một chuyến, đi theo cái con đường của lão Khúng từng đi, con đường từ xóm núi xuống Phiên chợ Giát, giẫm chân trên con đường lao khổ của con Khoang, một con vật đúng là giống bò, vừa đáng thương vừa đáng giận; ở nó khát vọng về tự do đã bị tê liệt, trong não trạng của nó chỉ còn là căn tính nô lệ mà thôi…
Tôi lại ao ước đi trên con đường tuổi thơ của nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo để nghe ông anh hát Khúc hát sông quê, để cố lý giải tại sao đất ấy lại có con người tài hoa mà sao cả đời lại phóng túng hình hài đến vậy. Ông anh lúc sinh thời, tôi thường hay mời vào dạy môn sáng tác thơ cho sinh viên Viết văn. Ông anh đi đâu nếu có tôi cùng, giữa đám bạn bè cũng khoe tướng lên: “Nó là thằng em tao đấy!”. Lạ, nhiều người bảo tôi có hao hao nét Nguyễn Trọng Tạo. Chả biết có đúng không?
Tôi cũng lại muốn đặt chân đến đất Đô Lương để xem cái chỗ địa danh Lường nào đó có cô gái “giận thì giận mà thương thì thương” trong câu hát nọ, để ngẫm về một đời thơ vạm vỡ của thi sĩ Hoàng Trần Cương, tác giả của câu thơ thuộc vào hàng văn bia bất tử:
Miền Trung mảnh và sắc như cật nứa
Chuốt ruột mình thành dải lụa sông Lam…
Ôi non nước họa đồ xứ Nghệ, biết đi đến khi mô cho thỏa.
Trong tùy bút Chốn Thanh An của bạn tôi, về phần cuối vẩn lên một nỗi âu lo: Sợ sau này Thanh An không giữ được vẻ yên tĩnh trắng trong thuần khiết thiên nhiên như đang có; Sợ người ta xây lên đó những ngôi nhà hộp bê tông; Sợ lòng người tạp nham lên, phàm tục lên, điên cuồng thực dụng… Và cứ thế, chốn Thanh An sẽ chết. Tôi cũng âu lo thắt lòng như bạn. Thanh An đẹp ngay cả trong những ngày nắng lửa. Thanh An đẹp ngay cả khi mùa nước cạn. Thanh An chả sợ gì ngay cả khi ông Trời quở trách, ông Trời giở chứng. Chỉ sợ người thôi, giống người vốn dễ trở lòng, cạn lòng, bạc lòng…
Những mong Thanh An mãi Thanh An, Thanh An nhé!
Hà Nội, 22/7/2020
----------------------------
*“Chốn Thanh An”, tên một tùy bút của Nhà NCPBVH Chu Văn Sơn (1962-2019), in trong cuốn “Tự tình cùng Cái Đẹp”, NXB Hội Nhà văn, xuất bản năm 2019.