Aa

Cổ phần hóa thương hiệu văn hóa: Nhìn từ Hãng phim truyện Việt Nam

Thứ Bảy, 23/09/2017 - 06:01

60 năm tuổi đời, hàng trăm tác phẩm điện ảnh kinh điển đoạt giải thưởng nhưng Hãng phim truyện Việt Nam chỉ được định giá... 0 đồng, đây là nỗi đau xót của nhiều nghệ sỹ đã gắn bó cả cuộc đời cho điện ảnh Việt. Nhưng từ đó, một câu hỏi lớn hơn được đặt ra là chúng ta phải ứng xử thế nào với các thương hiệu văn hoá trong quá trình cổ phần hoá?

Dưới đây là ý kiến của các chuyên gia xoay quanh vấn đề này. 

PGS.TS Trần Kim Chung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

Trong ký ức tôi vẫn nhớ, hình cô Trà Giang đạp chiếc xe xanh coban đi trên con đường Phan Đình Phùng đẹp đến nao lòng hay hình ảnh “em bé Hà Nội" chạy xe ngoài đường đã khiến bao nhiêu người dõi theo. Đó là bởi nhưng thước phim mà họ đóng đã đi vào lòng người, theo cùng năm tháng. Vì thế, giờ khi giá trị thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam bị định giá 0 đồng, những người nghệ sỹ cảm thấy tổn thương ghê gớm. Họ coi trọng việc tôn vinh thương hiệu chứ không quan tâm đến việc khu đất vàng được định giá bao nhiêu. Vì vậy, khi nhắc đến những thương hiệu văn hoá, đừng đem giọng "con buôn" ra để ứng xử. 

PGS.TS Trần Kim Chung

PGS.TS Trần Kim Chung

Vậy thì, giá trị thương hiệu của Hãng phim Việt Nam đáng giá bao nhiêu? Theo tôi nghĩ, không ai đem “gia bảo” của gia đình đi bán. Tức là những giá trị văn hoá, thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam là thứ không thế thay thế, không thể đem bán.

Còn ai khẳng định việc định giá thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam với giá 0 đồng là đúng luật, thì chứng tỏ pháp luật không chuẩn, hay có thể hiểu trong chính cái chuẩn ấy lại có quá nhiều lỗ hổng. Không thể đem những tiêu chí của con buôn ra để định giá cho văn hoá và ký ức. Vì thế, việc định giá này sai từ tiêu chí đưa ra định giá đến những con người đứng ra thực hiện việc định giá.

Theo tôi, cách ứng xử tốt nhất với các đơn vị văn hoá là không cổ phần hoá những cái đã thuộc về “tượng đài”, mang giá trị phi vật chất.

Còn nếu cực chẳng đã bắt buộc phải cổ phần hoá, thì cần có những ràng buộc, trách nhiệm cụ thể như, cái gì anh được thay đổi, cái gì không được thay đổi, phải duy tu, bồi dưỡng, vun đắp. Cũng giống như câu chuyện, Hãng phim truyện bán đi hay không, không quan trọng, mà quan trọng là những người nghệ sỹ và những gì họ đã cống hiến, phải có một vị trí nhất định, không thể đáng giá 0 đồng!

Đại biểu Quốc hội, Nhà sử học Dương Trung Quốc

Cổ phần hóa là xu thế tất yếu, nhưng cổ phần hóa mỗi cơ quan, đơn vị phải dựa trên tính chất đặc thù của lĩnh vực, một đơn vị văn hóa không thể giống với nhà máy, công xưởng. Nhìn vào câu chuyện của Hãng phim truyện Việt Nam để thấy, dường như không ai quan tâm đến giá trị phi vật thể của nó. Hãng phim truyện Việt Nam có bề dày lịch sử gắn liền với cả một thời kỳ phát triển của đất nước. Nó góp sức rất nhiều cho đời sống văn hóa và tinh thần của dân tộc trong giai đoạn khó khăn, gian khổ nhất. Điều này đáng lẽ ra Nhà nước phải trân trọng. Nhìn câu chuyện thương hiệu với giá 0 đồng để thấy rằng, nhân danh xã hội hóa người ta đã hy sinh một phần giá trị văn hóa và lịch sử. 

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Lúc này trách mấy anh doanh nhân, doanh nghiệp cũng không được, cho dù họ có cam kết gì chăng nữa thì việc làm nghệ thuật và kinh doanh trên lĩnh vực nghệ thuật không hề đơn giản, không phải chỉ cần có vốn mà cần phải có hoài bão, hiểu biết và kinh nghiệm. Họ chỉ nhìn đơn giản về số 4 Thụy Khuê là một mặt bằng với vị trí đắc địa, cực đẹp của Thủ đô thôi. Điều này có nghĩa, ai cũng nhìn thấy cái chết được báo trước của yếu tố điện ảnh trong vụ cổ phần hóa này. Đó là nỗi đau khôn xiết của các anh em nghệ sỹ, người đã gắn bó và cống hiến cả cuộc đời với Hãng phim truyện Việt Nam.

Nhưng suy cho cùng, thương hiệu ấy đã bị đánh mất từ trước khi doanh nghiệp trở thành chủ nhân của mảnh đất này. Giờ có trách, chỉ có thể trách chính những người tổ chức cổ phần hóa, trách cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý Nhà nước đã không trân trọng, vun đắp và nghĩ tới những giá trị phi vật thể của nó, không thực sự có trách nhiệm và quan tâm đến việc, Hãng phim sẽ nằm trong tay ai, tương lai được định đoạt thế nào. Chính vì nhận thức sai ấy dẫn đến việc tạo ra sự lựa chọn những người tham gia cổ phần hóa sai.

Doanh nghiệp chỉ nhìn thấy giá trị vật thể và đương nhiên khi họ đã trở thành chủ nhân, đã cầm quyền kiểm soát thì họ chỉ phát huy sở trường của họ. Tôi không hiểu rồi sau đó, những giá trị của ký ức và lịch sử sẽ đi về đâu. Tôi nghĩ đây chính là bài học để chúng ta rút kinh nghiệm khi ứng xử với các đơn vị văn hóa khác.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh

Tôi đã xem đi xem lại đoạn video ông Nguyễn Thủy Nguyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIVASO, đơn vị chiếm cổ phần kiểm soát của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Phim truyện VN, trong cuộc gặp gỡ với các văn nghệ sĩ. Tôi cũng đọc đi đọc lại cái lý do khiến giá trị thương hiệu trở về con số O tròn trĩnh của ông Trần Hoàng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ VHTT&DL. Ngẫm nghĩ một hồi, tôi chợt nhận ra rằng, họ có lý của họ.

Đây là cái lý của ông Trần Hoàng: Theo quy định tại khoản 7 Điều 18 Thông tư 127/2014/TT-BTC thì giá trị lợi thế kinh doanh được tính vào giá trị doanh nghiệp gồm giá trị thương hiệu, tiềm năng phát triển.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh

Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh

“Ở đây chúng tôi cũng muốn giải thích rõ các căn cứ quy định hiện hành của Nhà nước về xác định giá trị thương hiệu. Giá trị thương hiệu ở đây bao gồm cả những chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí liên quan đến việc quảng cáo, giữ bản quyền thương hiệu và chi phí đào tạo… trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp 5 năm.

Giá trị lợi thế kinh doanh tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa là tiềm năng phát triển của doanh nghiệp được đánh giá trên cơ sở khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong tương lai khi so sánh tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp với lãi suất trái phiếu Chính phủ”.

Và cuối cùng, một công thức đã được định vị: Giá trị lợi thế kinh doanh của phần Công ty TNHH MTV Hãng Phim truyện Việt Nam = giá trị thương hiệu + giá trị lợi thế kinh doanh = 0 đồng.

Toàn tựa vào các văn bản của Chính phủ, rồi đưa cả công thức toán học để làm việc thì “Tây” cũng chả cãi được.

Và đây là cái lý của ông Nguyễn Thủy Nguyên: “Chúng tôi đã có thiết kế tấm biển rồi, để người ta biết đến chuyện hãng phim có viết kịch bản thuê, làm phim thuê. Người ta muốn viết kịch bản về dòng họ, hay làm phim về lịch sử của tỉnh này, huyện kia cũng làm. Chúng ta chưa làm những cái lớn thì làm những cái nhỏ. Tôi nói cái này hơi buồn cười nhưng thậm chí xã đặt làm phim, tôi cũng quay, nhân vật nào thuê chúng tôi cũng làm”.

Đấy, nay mai còn làm phim cho thôn, cho hẻm nữa ấy chứ! Vậy thương hiệu chả đang tiếp cận với con số O là gì?

GS.TS Ngô Đức Thịnh - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa Dân gian

Ở Việt Nam đã từng xuất hiện các trường hợp định giá 0 đồng. Ví dụ trước đây có ngân hàng 0 đồng và giờ là thương hiệu Hãng phim truyện 0 đồng. Tôi cho rằng, trong trường hợp của Hãng phim, việc định giá này không hợp lý. 

GS.TS Ngô Đức Thịnh

GS.TS Ngô Đức Thịnh

Hãng phim truyện có đến 60 năm tuổi, ghi dấu những giá trị văn hóa là mồ hôi, công sức, tâm huyết, lao động nghệ thuật nghiêm túc của bao nhiêu diễn viên, nghệ sỹ. Đây cũng là xưởng phim duy nhất của Việt Nam và có bề dày lịch sử như vậy. Không hiểu rõ Bộ Văn hóa nghĩ thế nào khi đưa ra chủ trương cổ phần hóa. Tôi nghĩ Bộ cần có một chủ trương rõ ràng, sau khi cổ phần hóa thì cách đầu tư thế nào, cổ phần ra sao để đúng định hướng? Liệu Bộ còn muốn gìn giữ và phát triển một thương hiệu điện ảnh đã đi cùng chiều dài lịch sử của đất nước không?

Sau khi cổ phần rồi, những giá trị như hàng trăm tác phẩm, rất nhiều giải thưởng giờ nên thuộc về đơn vị nào quản lý, là Bộ Văn hoá hay là doanh nghiệp mới cổ phần? Như chiếc máy quay phim thì có thể định giá được nhưng những danh hiệu, giải thường đã đạt được thì giá bao nhiêu, ai sẽ sở hữu nó? Đây là một thực thể văn hóa khác với thực thể một doanh nghiệp, một xí nghiệp hay ngân hàng nào đó. Theo tôi Bộ Văn hóa phải trả lời câu hỏi này

Từ đây, cũng đặt ra vấn đề cần xem xét khi cổ phần hóa các cơ quan, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Định giá như thế nào với những giá trị phi vật thể? Những giá trị này không đơn thuần là các huy chương, danh hiệu, giải thưởng, nó nằm trong chính những sáng tạo, những tâm huyết của người nghệ sỹ và giá trị tinh thần nó đã đem lại cho cộng đồng.

Văn hóa Việt Nam có rất nhiều loại hình có thể tạo nên thương hiệu nhưng đúng là chúng ta đang thiếu sót trong việc đầu tư bài bản để xây dựng một thương hiệu. Trong tương lai, cổ phần hóa để phát triển văn hóa, xây dựng thương hiệu văn hóa rất cần những doanh nghiệp có tâm và có tầm, có chiến lược đầu tư bài bản, biết quan tâm, bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa để đem đến nguồn lợi về kinh tế. Và theo tôi, hơn cả là cần biết trân trọng con người, linh hồn làm ra giá trị văn hóa. 

 PGS. TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học)

Nghe câu chuyện cổ phần hãng phim thì thấy, thương hiệu văn hóa định giá là bao nhiêu cả là một vấn đề. Vì nơi đó là trầm tích các giá trị văn hóa, nghệ thuật và giá trị nhân văn. Sau nhiều năm giá trị đó tích tụ lại thì buộc lòng phải tính toán đầy đủ đến rất nhiều phương diện, liên quan đến cả thương hiệu.

Thương hiệu ấy được tạo lên từ bề dày lịch sử, từ những cống hiến nghệ thuật và đóng góp của nhiều thế hệ nghệ sỹ. Thương hiệu còn được đóng góp từ phương diện chính trị nhân văn cho sự nghiệp chấn hưng và phát triển văn hóa nước nhà.

PGS.TS Trịnh Hoà Bình

PGS.TS Trịnh Hoà Bình

Câu chuyện cổ phần hóa, xã hội hóa văn hóa là xu hướng tương lai không thể là không làm nhưng phải có bước đi, trình tự thích hợp. Nhiều khi bên Bộ Văn hóa bị thúc ép theo kiểu ngành nào cũng cổ phần hóa, cớ sao ngành văn hóa không làm. Thế là họ chọn ngay một anh đang có nhiều khiếm khuyết, xuống cấp, đang bị nợ đọng, thua lỗ triền miên.

Nhìn một cách toàn diện, nếu chúng ta thống nhất với nhau rằng cổ phần hóa là con đường không thể chối bỏ thì rõ ràng nếu làm tốt được cổ phần hóa nó sẽ góp phần cho sự định dạng, thay đổi bộ mặt của những ngành văn hóa nghệ thuật cụ thể. Theo đó, sẽ có tác động đến diện mạo góp phần xây dựng các thương hiệu văn hóa trong thời kì hiện đại. Tuy nhiên, cách làm để cổ phần hóa thì phải lấy ý kiến của tập thể lao động đó, có nghiên cứu từ các mô hình trên thế giới.

Sau cổ phần, người nào đứng ra là nhà đầu tư chiến lược, là "bà đỡ" thì phải gánh trách nhiệm cũng như được hưởng lợi từ tất cả những giá trị tinh thần, những thượng hiệu văn hóa.

Việc xây dựng thương hiệu văn hóa trong tương lai khi cổ phần hóa là bài toán ở cả cấp Chính phủ cũng như tư duy của những nhà làm văn hóa.

Làm thế nào để cổ phần hóa mà vẫn giữ gìn và phát triển thương hiệu văn hóa là việc hoàn toàn nghiêm túc, hết sức khó khăn. Bởi vậy, cổ phần hóa thì làm việc đến nơi đến chốn, phải lấy ý kiến cộng đồng những người đang sản xuất hay đang thừa kế, sở hữu những giá tinh thần của văn hóa đó. Tiếp đến cũng phải tính đến bước đi tương lai của lĩnh vực ngành văn hóa nghệ thuật để thương hiệu không “biến mất”.

Luật sư Vũ Ngọc Dũng, Công ty Luật Bắc Việt

Hiện tại môi trường pháp lý định giá thương hiệu của nước ta đôi khi “đúng luật” nhưng không “hợp lý” . Ở góc độ vụ việc Xưởng phim ta thấy, chúng ta luôn đặt ra câu phản biện rằng: “Nó không thể là 0 đồng!". Nhưng thực chất nó là mấy đồng chúng ta cũng không rõ, việc áp dụng pháp luật để định giá và các phương pháp khác là chưa có chuẩn mực chung.

Bộ Tài chính cũng không đưa ra phương án cụ thể nào mà chỉ quy định các công ty tự đưa ra phương pháp định giá và tự tính toán. Do đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực định giá thương hiệu cũng không biết phải làm theo cách nào cho đúng. Họ áp dụng tương tự pháp luật hay áp dụng tùy biến trong các quy định của luật để định giá. Hầu hết do không có chuẩn mực nên kể cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp hoàn toàn tin tưởng vào “đề xuất” của các cơ quan, đơn vị định giá, lấy đó làm “niềm tin” để xác định giá trị.

Luật sư Vũ Ngọc Dũng

Luật sư Vũ Ngọc Dũng

Cụ thể như thương hiệu VFS khi cổ phần hóa, nếu thực hiện theo các phương pháp định giá thương hiệu cũng sẽ không chuẩn xác. Do vậy, cách tốt nhất là đấu giá đối với thương hiệu này và sản phẩm mang lại thương hiệu (400 bộ phim) để thu về giá trị cao nhất. Việc đưa ra 0 đồng cũng sẽ tạo ra sự vô lý trong việc đặt dấu hỏi, nhưng nó lại đang  "có lý” về mặt pháp lý vì các đơn vị định giá áp dụng pháp luật cứng nhắc và cũng chưa có tiền lệ cho việc này.

Tôi có một niềm tin rằng VFS có giá trị thương hiệu và không thể là “0 đồng”! Chúng ta phải luôn luôn áp dụng nguyên tắc “giá cao nhất” và phân tích, sử dụng toàn diện thông tin như: lợi thế kinh doanh thương mại, khả năng sinh lời, giá trị niềm tin thương hiệu, bề dày lịch sử, giá trị văn hóa mang lại cho quốc gia, giá trị và tình yêu với thương hiệu đó trong nhân dân và ngay cả giá trị thương hiệu cá nhân của các nghệ sĩ trong hãng phim.

Câu chuyện định giá thương hiệu sẽ còn phải nghiên cứu, tranh luận thời gian dài nữa. Cơ quan nhà nước cần hoàn thiện các thiếu xót của luật, doanh nghiệp cần ý thức xây dựng và gìn giữ giá trị thương hiệu của mình, không ngừng đầu tư phát triển thương hiệu để nó có giá trị thật sự. Các chuyên gia, các bộ ngành cũng cần tập trung tìm ra những thiếu sót và bổ sung để tránh thất thoát và lãng phí tài sản Quốc gia khi cổ phần hóa.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top