Aa

Cổ phiếu bất động sản đi xuống cùng thị trường chung trong phiên 16/11

Thứ Ba, 17/11/2020 - 06:00

Thị trường chứng khoán phiên 16/11 bất ngờ giảm sâu vào cuối giờ giao dịch trước áp lực mạnh ở nhóm vốn hóa lớn. Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng biến động tiêu cực theo xu hướng này.

Thị trường chứng khoán phiên 16/11 biến động rất mạnh và gây không ít bất ngờ cho nhà đầu tư. Thị trường mở cửa với sắc xanh bao trùm lên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và điều này giúp các chỉ số có mức tăng điểm khá tốt.

Tuy nhiên, đà tăng của thị trường không duy trì được lâu khi thị trường đón nhận thông tin về một ca bệnh tại Cầu Giấy có kết quả dương tính với Covid-19. Nhiều cổ phiếu trụ cột có dấu hiệu điều chỉnh trở lại và khiến các chỉ số lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Dù vậy, sự hồi phục cũng quay trở lại khi ca bệnh nói trên lại có kết quả âm tính và điều này khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên tích cực hơn.

Diễn biến bất ngờ xảy ra vào cuối phiên khi hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn đặc biệt là nhóm VN30 phải chịu lực bán với khối lượng rất lớn trong thời gian ngắn. VN-Index giảm rất sâu và kết thúc phiên ở mức thấp nhất.

Trong đó, VIC giảm 5% xuống 102.000 đồng/cp, MSN giảm sát giá sàn xuống 83.900 đồng/cp, VHM giảm 2,2% xuống 76.600 đồng/cp, BVH giảm 2,2% xuống 54.000 đồng/cp, SAB giảm 1,7% xuống 181.800 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Chiều ngược lại, HPG, CTD hay HSG là những mã lớn hiếm hoi còn duy trì được sắc xanh ở phiên 16/11. CTD tăng 1,9% lên 62.800 đồng/cp, HPG tăng 0,9% lên 32.250 đồng/cp, HSG tăng 0,6% lên 18.150 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng chịu ảnh hưởng xấu từ sự lao dốc của thị trường chung, trong đó, HD8 và E29 đều bị kéo xuống mức giá sàn. Bên cạnh đó, FLC giảm 4,8% xuống 4.400 đồng/cp, PDR giảm 3,4% xuống 38.000 đồng/cp, DXG giảm 2,9% xuống 13.300 đồng/cp, TCH giảm 2,9% xuống 18.100 đồng/cp. Ngoài ra, các cổ phiếu bất động sản có yếu tố thị trường cao khác như LDG, ITA, CII… cũng đồng loạt giảm sâu.

Trong khi đó, thị trường vẫn ghi nhận một số mã bất động sản thanh khoản cao tăng giá tốt bất chấp diễn biến xấu của thị trường chung. ASM tăng 3,7% lên 10.050 đồng/cp, SCR tăng 3,4% lên 6.720 đồng/cp, DIG tăng 1,5% lên 20.550 đồng/cp. Đáng chú ý, NTC tăng 6,1% lên 278.900 đồng/cp và là cổ phiếu có thị giá lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 15,5 điểm (-1,6%) xuống 950,79 điểm. Toàn sàn có 146 mã tăng, 305 mã giảm và 50 mã đứng giá. HNX-Index giảm 1,38 điểm (-0,95%) xuống 143,36 điểm. Toàn sàn có 57 mã tăng, 97 mã giảm và 48 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,15 điểm (0,23%) lên 64,85 điểm.

Các cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất thị trường. Nguồn: Fialda.

Thanh khoản trên hai sàn niêm yết tăng so với phiên cuối tuần trước và cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 11.125 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch 579 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 720 tỷ đồng. FLC tiếp tục đứng đầu khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với 40,8 triệu cổ phiếu, đây cũng là mã bất động sản duy nhất nằm trong top 10 cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất phiên 16/11.

Khối ngoại giao dịch tiêu cực ngay ở phiên đầu tuần khi bán ròng 398 tỷ đồng. Các cổ phiếu bất động sản như VHM, VIC, KDH và DXG đều nằm trong top bán ròng của khối ngoại. Trong khi đó, VRE vẫn được mua ròng mạnh với giá trị 76 tỷ đồng. HDG cũng là cổ phiếu bất động sản được mua ròng mạnh với 4,8 tỷ đồng.

Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường giảm điểm khá mạnh trong phiên đầu tuần với thanh khoản có sự gia tăng so với phiên cuối tuần trước và cao hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán ra là thực sự mạnh. Trên góc nhìn kỹ thuật, áp lực bán trong vùng kháng cự trong khoảng 960 - 970 điểm (đỉnh tháng 10/2020) đã khiến chỉ số VN-Index rung lắc mạnh và cuối cùng đã phải điều chỉnh về ngưỡng hỗ trợ tâm lý gần nhất quanh 950 điểm. Hỗ trợ tiếp theo của chỉ số sẽ là đường trung bình 20 ngày trong khoảng 940 - 945 điểm. 

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 11 giảm mạnh hơn so với chỉ số cơ sở VN30, qua đó thu hẹp mức basis dương xuống còn 0,93 điểm, trong bối cảnh chỉ còn ba phiên nữa là đáo hạn thì điều này cho thấy các nhà giao dịch không thực sự bi quan về xu hướng hiện tại.

SHS dự báo VN-Index có thể sẽ hồi phục trở lại nếu như vùng hỗ trợ ngắn hạn trong khoảng 940 - 945 điểm (MA20) được giữ vững. Những nhà đầu tư đã bắt đáy một phần tỷ trọng danh mục trong phiên 28/10 và đã chốt lời trong phiên 10/11 nên quan sát thị trường trong phiên tới, có thể giải ngân một phần danh mục nếu thị trường có nhịp giảm về vùng hỗ trợ ngắn hạn trong khoảng 940 - 945 điểm (MA20).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top