Aa

Cổ phiếu bất động sản đua nhau tăng giá trong phiên, VN-Index lên gần 14 điểm

Thứ Ba, 25/08/2020 - 06:00

Sắc xanh bao phủ thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch đầu tuần (24/8), trong đó, dòng tiền tiếp tục có dấu hiệu chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.

Tiếp nối những diễn biến tích cực của tuần trước đó, thị trường chứng khoán ngay trong phiên giao dịch đầu tuần mới đã có sự tích cực. Ngay từ khi mở cửa phiên giao dịch, sắc xanh đã áp đảo hoàn toàn và điều này giúp kéo các chỉ số thị trường lên trên mốc tham chiếu. Lực bán giá thấp trong phiên tỏ ra yếu ớt trước lực cầu quá mạnh tiếp tục giúp các chỉ số nới rộng đà tăng điểm.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 13,9 điểm (1,63%) lên 868,68 điểm. Toàn sàn có 332 mã tăng trong khi chỉ có 84 mã giảm và 44 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,52 điểm (0,42%) lên 123,16 điểm. Toàn sàn có 120 mã tăng, 53 mã giảm và 58 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,59 điểm (1,03%) lên 57,98 điểm.

Với việc thị trường bứt phá mạnh như trên thì hầu hết các nhóm ngành cổ phiếu đều có sự tăng trưởng so với phiên cuối tuần trước. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn ghi nhận sự bứt phá của nhiều mã như VPB, PLX, PNJ, HDB, TCB, MBB… Trong đó, VPB tăng mạnh 5,9% lên 23.200 đồng/cp, PLX tăng 4,2% lên 48.500 đồng/cp, PNJ tăng 4,1% lên 58.600 đồng/cp.

Các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 24/8. Nguồn: Fialda.
Các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 24/8. Nguồn: Fialda.

Trong nhóm cổ phiếu lớn, ACB là mã hiếm hoi đi ngược lại xu hướng chung khi giảm 0,9% xuống 21.000 đồng/cp và ít nhiều làm ảnh hưởng đến đà tăng của HNX-Index.

Các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 24/8. Nguồn: Fialda.
Các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 24/8. Nguồn: Fialda.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, NVL là cổ phiếu vốn hóa lớn duy nhất không tăng giá với việc đi ngang tức vẫn giữ mốc 63.000 đồng/cp. Trong khi đó, bộ 3 cổ phiếu họ “Vin” gồm VIC, VHM và VRE đều có diễn biến tích cực, thậm chí, VIC còn tăng đến 3,4% lên 89.000 đồng/cp, VRE tăng 1,5% lên 26.900 đồng/cp, còn VHM tăng nhẹ 0,6% lên 80.000 đồng/cp.

Dòng tiền nhìn chung vẫn chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, các cổ phiếu bất động sản với thanh khoản cao cũng không nằm ngoài xu thế này. Các mã như TDH, DRH và HAR đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, ITA tăng đến 3,8% lên 4.380 đồng/cp, SCR tăng 3% lên 15.500 đồng/cp, DXG tăng 2,8% lên 9.500 đồng/cp.

Bất chấp thị trường chung đón nhận dòng tiền tốt nhưng một số mã bất động sản như BII, PFL, PVL, TIP, CIG, PDR hay LHG… lại đi ngược và thậm chí có mã còn bị kéo xuống mức giá sàn.

Thanh khoản trên hai sàn gia tăng so với phiên cuối tuần trước và cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 7.434 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch là 443 triệu cổ phiếu; trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm 1.111 tỷ đồng. Có 2 cổ phiếu bất động sản nằm trong 10 mã khớp lệnh mạnh nhất toàn thị trường, trong đó, HQC dẫn đầu với 17,5 triệu cổ phiếu còn ITA đứng ở vị trí thứ 4 với 13,6 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 24/8. Nguồn: Fialda.
Các cổ phiếu có giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 24/8. Nguồn: Fialda.

Trái ngược hoàn toàn với diễn biến tích cực của thị trường chung, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng lên đến hơn 412 tỷ đồng (tăng 41% so với phiên trước). Các cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng trong phiên 24/8 đều thuộc nhóm vốn hóa top đầu thị trường như VNM, HPG… Có đến 4 cổ phiếu bất động sản nằm trong danh sách 10 mã bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất là VHM, VRE, DIG và TDH, trong đó, VHM bị bán ròng hơn 56 tỷ đồng. Chiều ngược lại, không có cổ phiếu bất động sản nào nằm trong danh sách mua ròng mạnh của khối ngoại.

Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), dòng tiền đổ mạnh vào thị trường trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam đang có những dấu hiệu tích cực với việc số ca nhiễm mới giảm dần theo từng ngày đã giúp các chỉ số đồng loạt tăng mạnh trong phiên đầu tuần. Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đang tiến gần đến vùng kháng cự quan trọng trong khoảng 870 - 875 điểm (MA200) và phản ứng tại đây sẽ xác định xu hướng trong thời gian tiếp theo.

Mặt khác, trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 9 tăng mạnh hơn so với chỉ số cơ sở VN30, qua đó chuyển basis âm sang thành basis dương 5,81 điểm cho thấy nhà đầu tư đang khá lạc quan về thị trường. Trong bối cảnh hiện tại, SHS cho rằng dư địa tăng của thị trường không còn nhiều và sự đảo chiều có thể sớm xuất hiện.

SHS dự báo trong phiên giao dịch 25/8, VN-Index có thể sẽ rung lắc nếu tiến vào vùng kháng cự trong khoảng 870 - 875 điểm (MA200). Những nhà đầu tư đã giải ngân bắt đáy trong đợt giảm về quanh ngưỡng 800 điểm (fibonacci retracement 38,2%) và đã chốt lời cổ phiếu quanh đường MA50 ngày nên tiếp tục đứng ngoài và quan sát thị trường.

Về thị trường chứng khoán châu Á, tại thị trường chứng khoán Trung Quốc, Shanghai Composite tăng 0,15% còn Shenzhen Composite tăng 1,26%. Hang Seng của sàn Hong Kong tăng 1,53%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 tăng 0,28% còn Topix tăng 0,19%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 1,1%. ASX 200 của Australia tăng 0,3%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top