Aa

VN-Index giảm phiên thứ 3 liên tiếp, cổ phiếu BĐS khu công nghiệp bứt phá

Thứ Tư, 19/08/2020 - 06:00

Khá nhiều cổ phiếu trong nhóm bất động sản khu công nghiệp tăng giá mạnh trong phiên 18/8, bất chấp thị trường chung có sự rung lắc.

Tương tự như phiên giao dịch trước, thị trường chứng khoán Việt Nam phiên 18/8 vẫn đi theo chiều hướng giằng co với sự giảm nhẹ của các chỉ số.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 3,72 điểm (-0,44%) xuống 846,43 điểm. Toàn sàn có 197 mã tăng, 186 mã giảm và 59 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,19 điểm (-0,16%) xuống 117,02 điểm. Toàn sàn có 85 mã tăng, 68 mã giảm và 57 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,23 điểm (0,4%) lên 57,09 điểm.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn ghi nhận sắc đỏ chiếm ưu thế hơn đáng kể và điều này gây ra áp lực, khiến các chỉ số chính giảm điểm. Trong đó, các mã như BVH, SAB, PVD, CTG, VNM, MSN… đồng loạt giảm giá. BVH giảm đến 2% xuống 44.600 đồng/cp, SAB giảm 1,7% xuống 180.600 đồng/cp, PVD giảm 1,4% xuống 10.700 đồng/cp, CTG giảm 1,3% xuống 23.200 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 18/8. Nguồn: Fialda.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 18/8. Nguồn: Fialda.

3 cổ phiếu họ “Vin” là VIC, VHM và VRE cũng diễn biến theo chiều hướng tiêu cực. VRE giảm 1,5% xuống 26.100 đồng/cp, VIC giảm 1,4% xuống 86.500 đồng/cp còn VHM giảm nhẹ 0,1% xuống 79.600 đồng/cp. Bên cạnh 3 cổ phiếu họ “Vin”, một mã lớn khác trong nhóm bất động sản là NVL chỉ đứng ở mức tham chiếu 63.300 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 18/8. Nguồn: Fialda.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 18/8. Nguồn: Fialda.

Tâm điểm của thị trường là các cổ phiếu ngành y tế, trong đó, NDP, DDN, DBM, JVC… đều được kéo lên mức giá trần. AMV tăng đến 6,8% lên 15.800 đồng/cp, DCL tăng 4,8% lên 21.650 đồng/cp.

Nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp cũng gây được sự chú ý với sắc xanh áp đảo. Trong đó, TIP tăng 6,1% lên 26.100 đồng/cp, BAX tăng 4,9% lên 48.900 đồng/cp, SNZ tăng 4,2% lên 32.100 đồng/cp… Tuy nhiên, một số mã bất động sản khu công nghiệp có yếu tố thị trường như ITA, lHG hay KBC lại chìm trong sắc đỏ.

Còn nhóm cổ phiếu bất động sản nói chung vẫn có sự phân hóa mạnh, trong đó, PPI, BII, PFL hay PVL đều tăng trần. CII tăng 3,2%, OGC tăng 3%, ASM tăng 3,1%. Chiều ngược lại, các mã như VCR, DRH, DXG, HDC… đồng loạt giảm giá. DXG giảm 2,4% xuống 9.200 đồng/cp. Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) thông báo bổ sung cổ phiếu DXG vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) do lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là số âm. Trước đó, báo cáo soát xét bán niên của DXG cho thấy công ty lỗ ròng 488 tỷ đồng, so với mức lãi 38 tỷ đồng trên báo cáo tài chính tự lập. Sự thay đổi này là do kiểm toán E&Y xác định khoản chuyển nhượng cổ phần Đầu tư LDG là phát sinh sau niên độ và yêu cầu DXG phải trích lập dự phòng 526 tỷ đồng, khiến cho chi phí tài chính gấp 4,4 lần trước kiểm toán.

Thanh khoản thị trường phiên 18/8 cải thiện đáng kể so với phiên trước, tổng khối lượng đạt 330 triệu cổ phiếu, trị giá 5.400 tỷ đồng. Thanh khoản cải thiện chủ yếu nhờ giao dịch thỏa thuận đột biến của ACB và SHB. Theo đó, ACB thỏa thuận 15,6 triệu cổ phiếu, trị giá 430 tỷ đồng, trong đó khối ngoại “trao tay” 14 triệu cổ phiếu. SHB thỏa thuận 8,66 triệu cổ phiếu, trị giá 117,8 tỷ đồng. 2 cổ phiếu bất động sản nằm trong danh sách 10 mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường là DXG và ITA với lần lượt 4,7 triệu cổ phiếu và 4,6 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 18/8. Nguồn: Fialda.
Các cổ phiếu có giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 18/8. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại vẫn gây áp lực lên thị trường khi đẩy mạnh bán ròng đến 290 tỷ đồng. Như vậy, khối ngoại đã bán ròng trong 8 phiên liên tiếp với tổng giá trị 1.300 tỷ đồng. 

Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index giảm điểm trong phiên thứ ba liên tiếp và hiện đã đánh mất ngưỡng hỗ trợ trung hạn quanh 850 điểm (MA50). Thanh khoản suy giảm và tiếp tục ở mức thấp cho thấy lực cầu suy yếu và bên bán vẫn đang tiết cung chứ chưa thực sự hành động để khiến thị trường giảm mạnh. Tuy nhiên, trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 8 vẫn duy trì mức basis dương nhẹ 1,05 điểm so với chỉ số cơ sở VN30, cho thấy nhà đầu tư phái sinh vẫn tỏ ra tích cực trong tuần lễ đáo hạn của hợp đồng này.

Trong bối cảnh hiện tại, SHS nghiêng về khả năng thị trường sẽ tiếp tục giảm về những vùng giá thấp hơn. Dự báo, trong phiên giao dịch 19/8, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm điểm với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 830 điểm (MA20). Những nhà đầu tư đã giải ngân bắt đáy trong đợt giảm trước đó và đã chốt lời cổ phiếu trong tuần trước nên tiếp tục đứng ngoài và quan sát thị trường.

Về thị trường chứng khoán châu Á, Tại Trung Quốc, các chỉ số đều tăng với Shanghai Composite tăng 0,36%, Shenzhen tăng 0,49%. Hang Seng của sàn Hong Kong tăng 0,08%. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, Kospi mất 2,46%. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,2%, Topix tăng 0,06%. Tại Australia, chỉ số ASX200 tăng 0,77%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top