Aa

Cổ phiếu bất động sản đua nhau tăng giá trong phiên VN-Index lên gần 7 điểm

Thứ Bảy, 22/08/2020 - 06:00

Thị trường chứng khoán tăng điểm khá mạnh trong phiên 21/8 nhờ sự tích cực của các cổ phiếu ngành tài chính. Nhiều cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ cũng có sự bứt phá mạnh.

Thị trường chứng khoán trong phiên 21/8 có diễn biến khá tích cực, các chỉ số thị trường đa phần giao dịch ở trên mốc tham chiếu. Mở cửa với sắc xanh nhẹ, nhờ sự bứt phá của các cổ phiếu ngành tài chính gồm ngân hàng và chứng khoán nên các chỉ số đều có được mức tăng mạnh.

Các cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán như CTG, VCI, STB, VPB, HCM, SSI, ACB… đồng loạt tăng giá mạnh, trong đó, CTG tăng đến 4,3% lên 24.300 đồng/cp, VCI tăng 4,3% lên 23.100 đồng/cp, STB tăng 3,8% lên 11.050 đồng/cp, VPB tăng 2,6% lên 21.900 đồng/cp.

Các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 21/8. Nguồn Fialda.
Các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 21/8. Nguồn Fialda.

Bên cạnh đó, những cổ phiếu trụ cột như VCS, KDC, PVS, GAS, PNJ… cũng có được mức tăng giá tốt và góp phần củng cố sắc xanh của các chỉ số thị trường.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, các mã vốn hóa lớn đều biến động trong biên độ hẹp, trong đó, VRE tăng 0,6%, VIC tăng 0,1%, NVL tăng 0,2% còn VHM giảm 0,6%.

Các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 21/8. Nguồn Fialda.
Các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 21/8. Nguồn Fialda.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ, đặc biệt là những mã có thanh khoản cao đều diễn biến hết sức tích cực. HAR được kéo lên mức giá trần 3.090 đồng/cp, DRH tăng 4,7% lên 6.690 đồng/cp, LHG tăng 3,5% lên 25.200 đồng/cp, CRE tăng 3% lên 22.100 đồng/cp, SCR tăng 2,9% lên 5.700 đồng/cp.

Dù vậy, vẫn có một số cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ đi ngược lại xu thế của thị trường chung và đồng loạt giảm như PPI, IDV, PWA, TIG.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 6,57 điểm (0,77%) lên 854,78 điểm. Toàn sàn có 302 mã tăng, 84 mã giảm và 66 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,46 điểm (1,2%) lên 122,64 điểm. Toàn sàn có 94 mã tăng, 57 mã giảm và 70 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,15 điểm (0,26%) lên 57,39 điểm.

Các cổ phiếu bất động sản có giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 21/8. Nguồn: Fialda.
Các cổ phiếu bất động sản có giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 21/8. Nguồn: Fialda.

Thanh khoản thị trường khá cao với tổng khối lượng giao dịch đạt 366 triệu cổ phiếu, trị giá gần 6.000 tỷ đồng. Trong top 10 về khớp lệnh phiên 21/8 có 2 cổ phiếu bất động sản là ITA và OGC, trong đó ITA khớp lệnh 6,2 triệu cổ phiếu còn OGC là 6 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại phiên 21/8 bán ròng trở lại 292 tỷ đồng. Các cổ phiếu bất động sản gồm VHM, VIC, HDG và VRE đều bị bán ròng mạnh, trong đó, VHM bị bán ròng 38 tỷ đồng.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 4,04 điểm (0,5%) lên 854,78 điểm; HNX-Index tăng 6,41 điểm (5,5%) lên 122,64 điểm. Thanh khoản xấp xỉ so với tuần trước đó và tiếp tục thấp hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng hơn 5.300 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn chính.

Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường tăng điểm trong tuần thứ ba liên tiếp nhưng với mức tăng bị thu hẹp, thanh khoản chỉ xấp xỉ tuần trước đó và tiếp tục thấp hơn mức trung bình 20 tuần cho thấy lực cầu tại vùng giá hiện tại có sự suy yếu rõ nét. 

Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index hiện kết phiên trên ngưỡng 845 điểm (MA50) giúp tín hiệu kỹ thuật trung hạn của chỉ số vẫn là tích cực nhưng sự bứt phá không rõ nét. Ngưỡng điểm này cũng cho thấy rủi ro giảm trở lại là có thể xảy ra. Nếu không tính việc mua ròng đột biến 1.700 tỷ đồng VHM trong phiên 20/8 thì thực chất khối ngoại tiếp tục bán ròng tuần thứ ba liên tiếp với giá trị khoảng 1.000 tỷ đồng trên hai sàn.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 9 duy trì mức basis âm nhẹ 0,7 điểm so với chỉ số cơ sở VN30, cho thấy nhà đầu tư phái sinh đang lạc quan hơn về xu hướng trong ngắn hạn.

SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (24 - 28/8), VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm với ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 870 điểm (MA200). Những nhà đầu tư đã giải ngân bắt đáy trong đợt giảm về quanh ngưỡng 800 điểm (fibonacci retracement 38,2%) trước đó và đã chốt lời cổ phiếu quanh đường MA50 ngày nên tiếp tục đứng ngoài và quan sát thị trường trong tuần tiếp theo.

Về thị trường chứng khoán quốc tế, tại Trung Quốc, Shanghai Composite tăng 0,5%, Shenzhen Composite tăng 1,09%. Hang Seng của sàn Hong Kong tăng 1,3%. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,17%, Topix tăng 0,3%. Trong khi đó, Kospi của Hàn Quốc tăng 1,34%. ASX 200 của Australia giảm 0,14%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top