Aa

Nhiều cổ phiếu bất động sản tiếp tục giao dịch khởi sắc, VRE tăng trần

Thứ Hai, 13/04/2020 - 18:40

Thị trường tiếp tục xu hướng hồi phục bất chấp những lo ngại của một số nhà đầu tư.

Trái với những lo ngại sau khi điều chỉnh ở phiên cuối tuần trước, thị trường chứng khoán khởi động tuần mới với diễn biến tích cực. Ngay từ đầu phiên giao dịch, sắc xanh đã bao trùm thị trường và giúp kéo các chỉ số bật mạnh lên trên mốc tham chiếu. Đà tăng của thị trường được duy trì trong suốt quãng thời gian của phiên giao dịch.

Phiên hôm nay, nhóm cổ phiếu hàng không vẫn duy trì được sự tích cực. HVN vẫn được kéo lên mức giá trần. VJC tăng đến 6% lên 116.700 đồng/cp. Bên cạnh đó, hàng loạt cổ phiếu trụ cột đều tăng giá mạnh trong phiên hôm nay. Trong đó, VRE và VPB đều được kéo lên mức giá trần. MWG tăng 4,6%, HPG tăng 2,9%, TCB tăng 2,7%...

Dù vậy, một số cổ phiếu lớn khá vẫn còn giảm giá và ảnh hưởng đáng kể đến đà tăng của các chỉ số. Trong đó, MSN giảm sâu 3,5%, VCS giảm 2,6%, SSI giảm 1,1%.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, bên cạnh VRE thì 2 “ông lớn” khác là VIC và VHM cũng tăng giá trong phiên hôm nay dù mức độ không được cao. Trong đó, VIC tăng 1,1% lên 96.000 đồng/cp, VHM tăng 0,3% lên 67.300 đồng/cp. Mức đóng góp của cả 3 cổ phiếu trên cho VN-Index vẫn là rất lớn. VRE góp cho chỉ số này 1,1 điểm và đứng đầu sàn HoSE, VIC và VHM đóng góp lần lượt 0,96 điểm và 0,19 điểm.

Các cổ phiếu có tác động mạnh nhất lên VN-Index. Nguồn: VDSC.

Không chỉ 3 cổ phiếu VIC, VHM và VRE, nhóm bất động sản còn rất nhiều cổ phiếu khác giao dịch tích cực trong phiên đầu tuần. Các mã như PFL, HU6, DRH, LGL, DTA hay SJS đều được kéo lên mức giá trần. NRC tăng đến 8,7%, IDV tăng 6,6%, FIT tăng 4,7%, AGG tăng 4,2%, HDG tăng 4%, CEO tăng 3%...

Tuy nhiên, đà hưng phấn không dành cho tất cả, một số mã bất động sản khác lại lao dốc mạnh. CIG giảm sàn, TIG giảm 3,6%, CLG giảm 2,8%, VCR giảm 2,4%, DIG giảm 2,2%.

Trong một báo cáo mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến ngành bất động sản, VDSC cho rằng tác động trong ngắn hạn đến nhóm ngành này là chưa đáng kể, khi chỉ các sự kiện mở bán đầu năm bị hoãn lại, ảnh hưởng đến một vài hoạt động của doanh nghiệp bất động sản cả năm nay. 

Tuy nhiên, tác động trong dài hạn là không thể lường trước, vì bản chất tính chu kỳ rất cao của ngành bất động sản. Dù vậy, VDSC cho biết, các chính sách kích thích kinh tế, đặc biệt là đầu tư công sẽ hỗ trợ kích cầu bất động sản trong thời gian tới.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 7,85 điểm (1,04%) lên 765,79 điểm. Toàn sàn có 230 mã tăng, 119 mã giảm và 70 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,98 điểm (0,92%) lên 107,16 điểm. Toàn sàn có 74 mã tăng, 61 mã giảm và 55 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,23 điểm (0,45%) lên 50,86 điểm.

Giao dịch trên thị trường vẫn diễn ra khá sôi động, tổng khối lượng giao dịch đạt 292 triệu cổ phiếu, trị giá 4.935 tỷ đồng. Phiên hôm nay chỉ có duy nhất một mã bất động sản lọt vào top khối lượng khớp lệnh là FLC với 6,4 triệu cổ phiếu.

Không có gì thay đổi so với các phiên, khối ngoại vẫn nối dài chuỗi bán ròng với giá trị 270 tỷ đồng. VIC vẫn là tâm đểm bán ròng của khố ngoại với giá trị 84 tỷ đồng. Trong khi đó, VRE là cổ phiếu bất động sản được khối ngoại mua ròng mạnh với 24 tỷ đồng. NLG hay NVL cũng được mua ròng lần lượt 10,8 tỷ đồng và 2,9 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, Nikkei 225 của Nhật Bản và Kospi của Hàn Quốc lần lượt giảm 2,3% và 1,9%. Tại Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Composite lần lượt giảm 0,5% và 0,8%. Straits Times của Singapore giảm 0,2%, Jakarta Composite của Indonesia giảm 0,5%, KLCI của Malaysia giảm 0,1% nhưng SET 50 của Thái Lan tăng 0,5%.

VN-Index được Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo sẽ gặp áp lực rung lắc mạnh và có thể điều chỉnh giảm khi tiếp cận vùng kháng cự 780 ± 5 điểm trong một vài phiên kế tiếp. Điểm tiêu cực hiện tại vẫn đến từ hoạt động bán ròng mạnh và kéo dài của khối ngoại. 

Ngoài ra, rủi ro đối với diễn biến thị trường trong thời gian tới còn đến từ các thông tin về kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp và các số liệu vĩ mô sẽ bắt đầu được công bố trong tháng 4. Ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận quý I và đặc biệt là quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết không đạt như kỳ vọng.

Trong khi đó, Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng đà hồi phục kỹ thuật tiếp tục được duy trì trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, thanh khoản lại suy giảm so với phiên trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy lực cầu từ nhà đầu tư đã trở nên thận trọng hơn tại vùng giá này. Trên khía cạnh kỹ thuật, dư địa hồi phục của thị trường là vẫn còn một chút với mục tiêu của VN-Index là ngưỡng 780 điểm. 

Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 14/4, VN-Index có thể sẽ rung lắc và giằng co với biên độ trong khoảng giá 750 - 780 điểm (target mô hình 2 đáy - fibonacci retracement 38,2%). Nhà đầu tư sau khi đã giảm tỷ trọng cổ phiếu khi thị trường vượt ngưỡng 750 điểm vào cuối tuần trước nên tiếp tục theo dõi thị trường và có thể bán ra nếu như VN-Index có nhịp tăng lên ngưỡng 780 điểm. Đối với những nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt lớn nên hạn chế giải ngân trong giai đoạn này do rủi ro thị trường giảm trở lại là hiện hữu.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top