Aa

Cổ phiếu bất động sản phân hóa mạnh trong phiên 14/1, nhiều mã vẫn tăng trần

Thứ Sáu, 15/01/2021 - 06:00

Thị trường chứng khoán phiên 14/1 vẫn chịu áp lực điều chỉnh và các chỉ số đều rơi vào trạng thái giằng co rung lắc. Nhóm cổ phiếu bất động sản có sự phân hóa mạnh.

Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên giao dịch 14/1 diễn ra theo xu thế rung lắc giằng co với sự phân hóa ở nhóm cổ phiếu trụ cột. Tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng đáng kể sau khi thị trường giảm điểm ở phiên 13/1 do áp lực chốt lời mạnh.

Tâm điểm của thị trường tập trung vào nhóm cổ phiếu chứng khoán khi những cái tên đầu ngành như HCM, SSI, VND hay VCI đều đồng loạt tăng giá mạnh. HCM chốt phiên tăng đến 5,7% lên 33.650 đồng/cp, VND tăng 6% lên 30.700 đồng/cp, SSI tăng 5,5% lên 35.350 đồng/cp, VCI tăng 2,5% lên 60.500 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Bên cạnh đó, một số cổ phiếu vốn hóa lớn như VPB, GVR, TCB, MBB, VIB hay CTG… đều tăng giá mạnh và góp phần kéo VN-Index lên trên mốc tham chiếu vào cuối phiên. Chốt phiên, VPB tăng 3,1% lên 36.800 đồng/cp, GVR tăng 2,5% lên 32.650 đồng/cp, MBB tăng 1,5% lên 26.400 đồng/cp.

Dù vậy, áp lực trên thị trường vẫn là rất lớn và đến từ các mã như ACV, PLX, VHM, VNM, MSN, HVN, SAB hay GAS.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, sự phân hóa diễn ra là khá rõ nét, dù vậy, bất chấp sự rung lắc của thị trường chứng khoán nói chung, các mã như VPI, SGR, TIX, KBC, TNT, HQC hay CIG đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, TIG tăng 7,1% lên 9.000 đồng/cp, TCH tăng 6,4% lên 25.700 đồng/cp, NBB tăng 6,4% lên 26.600 đồng/cp, TIP tăng 5,7% lên 53.800 đồng/cp, PDR tăng 5,1% lên 56.000 đồng/cp. Các mã thanh khoản cao như ASM, ITA, DXG, HPX, AGG… đều tăng giá khá mạnh.

Chiều ngược lại, cũng có khá nhiều cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao giảm sâu, trong đó, BII giảm 3,6%, CRE giảm 2,8%, OGC giảm 2%, TDH giảm 1,7%, DRH giảm 1,4%.

VN-Index kết thúc phiên giao dịch tăng 1,35 điểm (0,11%) lên 1.187,4 điểm. Toàn sàn có 258 mã tăng, 173 mã giảm và 58 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,22 điểm (-0,1%) xuống 222,27 điểm. Toàn sàn có 108 mã tăng, 95 mã giảm và 55 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,24 điểm (-0,31%) xuống 77,69 điểm.

Các cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất. Nguồn: Fialda.

Thanh khoản trên hai sàn niêm yết giảm nhẹ so với phiên trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 19.030 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 907 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.831 tỷ đồng. Ba cổ phiếu bất động sản gồm HQC, ITA và FLC nằm trong top 10 khớp lệnh toàn thị trường, trong đó, HQC khớp lệnh mạnh nhất với 33 triệu cổ phiếu, ITA và FLC khớp lệnh lần lượt 25 triệu cổ phiếu và 20,2 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại mua ròng đột biến gần 900 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán phiên 14/1 và chủ yếu đến từ giao dịch thỏa thuận của VIC và KBC. Hai cổ phiếu này được mua ròng lần lượt 623 tỷ đồng và 361 tỷ đồng. NVL, VRE, VHM và DXG đều nằm trong danh sách mua ròng mạnh của khối ngoại.

Chiều ngược lại, AGG và NLG là 2 mã bất động sản bị khối ngoại bán ròng mạnh với giá trị lần lượt là 16 tỷ đồng và 14,8 tỷ đồng.

Theo phân tích của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường bị bán ngay từ đầu phiên nhưng cầu bắt đáy vẫn xuất hiện sau đó để giúp VN-Index kết phiên trong sắc xanh nhẹ. Với việc thị trường chỉ có thể hồi phục nhẹ với mức tăng thấp hơn mức giảm trước đó và thanh khoản vẫn ở mức cao cho thấy bên bán nắm thế chủ động hơn trong hai phiên gần đây. Kịch bản sóng elliot tiếp tục được để ngỏ với việc sóng 3 có dấu hiệu kết thúc khi tăng từ ngưỡng 925 điểm lên ngưỡng 1.200 điểm (fibonacci extension 161,8% sóng 1) và tiếp theo sẽ là sóng điều chỉnh 4 với target theo lý thuyết là quanh ngưỡng 1.040 điểm (fibonacci retracement 38,2% sóng 3).

Nếu trong các phiên tiếp theo, thị trường không thể bật tăng trở lại để vượt qua vùng kháng cự trong khoảng 1.200 - 1.211 điểm mà tiếp tục giằng co và thậm chí giảm thì có thể xác nhận kịch bản trên. SHS cho rằng, một nhịp điều chỉnh sau giai đoan tăng nóng của thị trường là điều cần thiết để thị trường có thể hướng đến các mốc cao mới trong thời gian tới. Nhà đầu tư đã cơ cấu danh mục theo hướng giảm tỷ trọng cổ phiếu trong các phiên gần đây nên đứng ngoài để quan sát thị trường./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top