Aa

VNM tăng trần, nhóm bất động sản tiếp tục đi lên trong phiên 11/1

Thứ Ba, 12/01/2021 - 06:00

Thị trường chứng khoán vẫn không ngừng tăng, các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thay nhau làm trụ đỡ dẵn dắt thị trường chung. Tâm điểm phiên 11/1 là nhóm bất động sản, trong đó, VHM là điểm sáng nhất.

Sau khi VN-Index lập kỷ lục với 10 tuần tăng điểm liên tiếp, sự hưng phấn của nhà đầu tư tiếp tục diễn ra ngay từ đầu phiên 11/1. Sắc xanh đã bao trùm lên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu.

Giao dịch trên thị trường phiên 11/1 tiếp tục chỉ tập trung ở phiên sáng, trong khi đó, phiên chiều diễn ra tẻ nhạt ở sàn HoSE khi tình trạng nghẽn lệnh tiếp tục diễn ra.

Tâm điểm của thị trường là nhóm cổ phiếu bất động sản khi các cái tên vốn hóa lớn như VHM hay BCM được kéo lên mức giá trần. Việc VHM tăng trần là điều khiến nhiều nhà đầu tư tỏ ra bất ngờ, cổ phiếu này có sự đóng góp lớn nhất cho VN-Index với 6,14 điểm (0,53%). BCM cũng góp 0,92 điểm (0,08%) cho chỉ số này. Bên cạnh VIC, 2 cổ phiếu cùng họ Vingroup là VIC và VRE cũng tăng mạnh và cũng có đóng góp quan trọng vào đà tăng của VN-Index. VIC tăng 1,8% lên 113.800 đồng/cp, VRE tăng 4,6% lên 37.150 đồng/cp, số điểm đóng góp của 2 cổ phiếu này lần lượt là 1,88 (0,16%) và 1,05 điểm (0,09%).

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Bên cạnh các cái tên lớn trong nhóm bất động sản, hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, HVN, SAB, VJC, MWG… cũng đua nhau tăng giá mạnh và cũng góp phần củng cố vững sắc xanh của các chỉ số.

HVN cũng được kéo lên mức giá trần 31.200 đồng/cp sau thông tin Chính phủ ban hành nghị quyết cho phép Vietnam Airlines chính thức tiếp cận khoản vay ưu đãi 4.000 tỷ đồng với lãi suất 0%, để bổ sung vốn theo nghị quyết của Quốc hội.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ cũng diễn biến theo chiều hướng hết sức tích cực nhờ sự dẫn dắt từ những tên tuổi lớn nói trên. Trong đó, HD6, PFL, FLC, TCH, HAR, CIG, PVL hay HQC đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, IDJ cũng tăng đến 8,4% lên 16.800 đồng/cp, IDC tăng 7,8% lên 44.100 đồng/cp và khớp lệnh 6,5 triệu cổ phiếu, KDH tăng 6,7% lên 32.550 đồng/cp, NLG tăng 4,2% lên 34.400 đồng/cp, FIT tăng 4,1% lên 19.200 đồng/cp.

Tuy vậy, vẫn còn một số cổ phiếu bất động sản đi ngược lại xu hướng thị trường chung và giảm giá ở phiên 11/1. Trong đó, NVL điều chỉnh trở lại 0,3% xuống 75.500 đồng/cp, ITA giảm 1,3% xuống 7.790 đồng/cp, ASM giảm 1,9% xuống 17.800 đồng/cp, HDC giảm 3,8% xuống 38.000 đồng/cp.

Ngoài ra, các cổ phiếu chứng khoán có sự điều chỉnh nhất định bất chấp thị trường đi lên cả về mặt điểm số lẫn thanh khoản. VND giảm sâu 4,4%, VCI giảm 3,3%. HCM giảm 2,1%, SSI giảm 1,8%...

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 17,2 điểm (1,47%) lên 1.184,89 điểm. Toàn sàn có 313 mã tăng, 134 mã giảm và 55 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,72 điểm (0,79%) lên 219,12 điểm. Toàn sàn có 128 mã tăng, 78 mã giảm và 51 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,88 điểm (1,16%) lên 76,95 điểm.

Các cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất. Nguồn: Fialda.

Thanh khoản trên hai sàn niêm yết tiếp tục tăng tăng so với phiên trước đó và cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 20.947 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 1 tỷ cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 2.434 tỷ đồng. FLC và HQC là 2 mã bất động sản nằm trong top 10 mã khớp lệnh mạnh nhất toàn thị trường với lần lượt 31 triệu cổ phiếu và 34,8 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên cả 3 sàn giao dịch với tổng giá trị 351 tỷ đồng, trong đó, VIC và DXG là 2 mã bất động sản lọt vào top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại. KBC, VRE, NVL và VHM đều nằm trong danh sách mua ròng mạnh, trong đó, KBC được mua ròng lên đến 179 tỷ đồng , đứng sau là VRE với 98 tỷ đồng. NVL và VHM được mua ròng lần lượt 43 tỷ đồng và 40 tỷ đồng.

Theo phân tích của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường chứng khoán tiếp tục trong trạng thái hưng phấn tột độ. Nhà đầu tư đua nhau mua cổ phiếu khiến hệ thống giao dịch tiếp tục bị nghẽn trong phiên thứ năm liên tiếp, và thanh khoản khớp lệnh trên HoSE lại lập kỷ lục mới với 16.407 tỷ đồng. Như kịch bản của các phiên trước, đầu phiên áp lực chốt lời gia tăng và cầu bắt giá thấp sau đó xuất hiện khiến thị trường tăng mạnh hơn; về phiên chiều thì giao dịch đi ngang là chủ yếu do hệ thống đã bị nghẽn.

Nếu có thể tiếp tục tăng điểm trong tuần này thì VN-Index sẽ lập kỷ lục mới về số tuần tăng liên tiếp trong giai đoạn từ 2007 đến nay với 11 tuần và mức tăng hơn 28%. Với việc hệ thống giao dịch thường xuyên bị nghẽn về phiên chiều thì thật khó để xác định tương quan cung cầu trong cả phiên.

Trên góc độ sóng elliott, thị trường hiện đang nằm ở cuối sóng 3 quanh ngưỡng 1.185 điểm (fibonacci extension 161,8%) và có thể sẽ cần nhịp điều chỉnh của sóng 4 nhằm giúp thị trường bớt nóng, trước khi quay trở lại sóng tăng 5 để vượt mức đỉnh lịch sử quanh 1.211 điểm (đỉnh tháng 4/2018). Nhà đầu tư nên tiếp tục cơ cấu danh mục theo hướng bán các cổ phiếu có dấu hiệu tạo đỉnh, có thể giữ lại với các cổ phiếu đang có đà tăng tốt nhằm bảo vệ lợi nhuận đã đạt được và chờ đợi thị trường điều chỉnh về các vùng giá hấp dẫn hơn để tham gia.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top