Sau khi giảm điểm trước áp lực cơ cấu danh mục của quỹ ETF phiên cuối tháng 11/2023, VN-Index đã có phiên giao dịch đầu tháng 12/2023 khá tích cực khi đầu phiên chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá 1.090 điểm với thanh khoản ở mức rất thấp. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đứng ở mức 1.102,16 điểm, tăng nhẹ 6,55 điểm (0,6%) so với tuần. Tương tự, VN-Index tăng 0,16 điểm (0,07%) lên 226,26 điểm. UPCoM-Index cũng tăng 0,2 điểm (0,24%) lên 85,19 điểm.
Giao dịch trên thị trường diễn ra ảm đạm với thanh khoản liên tục duy trì ở mức khá thấp. Tổng giá trị giao dịch bình quân ở mức 15.038 tỷ đồng/phiên, giảm 29% so với tuần trước đó. Giá trị khớp lệnh bình quân giảm 29,5% xuống mức 13.407 tỷ đồng/phiên.
Trong tuần, thị trường đón nhận nhiều thông tin như CPI tháng 11 tăng 3,46% so với tháng 12/2022 và tăng 3,45% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 11 tháng năm 2023, CPI tăng 3,22% so với cùng kỳ; lạm phát cơ bản tăng 4,27%. Tính tới 15/11/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 587,68 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu ước 24,44 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 8,1 tỷ USD).
Bên cạnh đó, Quốc hội thông qua việc áp thuế tối thiểu toàn cầu. Theo nghị quyết này, Việt Nam sẽ áp thuế tối thiểu toàn cầu từ 1/1/2024. Thuế suất sẽ áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề nhất. Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.
Với thị trường chung duy trì tích lũy trong biên độ hẹp, thanh khoản ở mức thấp, tuần 27/11 - 1/12 do đó không có nhiều điểm nhấn nổi bật. Trong đó, nhóm bất động sản có sự phân hóa tương đối mạnh. Thống kê 125 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán, có 45 mã tăng, trong khi có 64 mã giảm giá.
Gây chú ý nhất ở nhóm bất động sản có thể kể đến LDG của CTCP Đầu tư LDG. Cổ phiếu này giảm hơn 11,3% trong tuần giao dịch vừa qua. Đặc biệt trong phiên cuối tuần, LDG giảm sàn và dư bán giá sàn hàng chục triệu cổ phiếu. Ngày 29/11/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai ra Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Khánh Hưng, sinh năm 1978, Chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật của LDG về hành vi "lừa dối khách hàng" quy định tại Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Ngay sau đó, LDG đã phát đi thông báo liên quan đến việc Chủ tịch HĐQT Nguyễn Khánh Hưng bị bắt để điều tra liên quan đến dự án Tân Thịnh. Theo đó, LDG cho biết vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra, ông Hưng đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình làm rõ các vấn đề liên quan. Thông báo của LDG nhấn mạnh sự việc chỉ liên quan đến dự án khu dân cư Tân Thịnh tại Đồng Nai, không liên quan đến các dự án khác mà LDG đang đầu tư phát triển. LDG cũng cho biết, vụ việc của ông Hưng sẽ không làm thay đổi, ảnh hưởng đến kế hoạch, chiến lược, hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của LDG. Các quyền lợi, lợi ích hợp pháp của khách hàng, cổ đông, đối tác sẽ vẫn được đảm bảo.
Việc xảy ra đối với LDG cũng phần nào ảnh hưởng đến một cổ phiếu khác ở nhóm bất động sản là DXG của Tập đoàn Đất Xanh, do từ năm 2004 đến 2020, ông giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT của Đất Xanh. Tuy nhiên, đến tháng 1/2021, ông Hưng chính thức gửi đơn từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT và Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh. Đất Xanh cho biết, cá nhân ông Nguyễn Khánh Hưng đã thôi giữ các chức vụ tại tập đoàn này kể từ tháng 12/2019, cũng như từ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Đất Xanh Group vào tháng 1/2021. Trước đây, LDG từng là công ty liên kết của Đất Xanh Group. Tuy nhiên, Đất Xanh Group đã thoái vốn, từ đó kết thúc mọi trách nhiệm và quyền lợi với LDG. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, DXG đứng ở mức 19.850 đồng/cp, tương ứng giảm nhẹ 0,8% so với tuần trước.
Trong khi đó, đứng đầu danh sách giảm giá ở nhóm bất động sản là V11 của CTCP Xây dựng số 11 với gần 15%. Tuy nhiên, V11 nằm trong diện thanh khoản rất thấp.
Ở chiều ngược lại, các mã đứng đầu danh sách tăng giá ở nhóm bất động sản đa phần thuộc diện thanh khoản thấp. XDH của CTCP Đầu tư Xây dưng Dân dụng Hà Nội tăng mạnh nhất với 14,6%. Tiếp sau đó, TBR của CTCP Địa ốc Tân Bình cũng tăng 11,4%.
ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo cũng gây bất ngờ khi tăng gần 7,5% ở tuần giao dịch vừa qua.
HQC của CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân tăng gần 64%. CTCP Đầu tư Nam Quân vừa thông báo đã mua 1 triệu cổ phiếu HQC trên tổng số 20 triệu đơn vị đăng ký trước đó. Nguyên nhân không hoàn tất giao dịch được tổ chức này đưa ra là “chưa sắp xếp được đủ nguồn tài chính”. Giao dịch thực hiện theo phương thức thỏa thuận trong phiên 5/10. Đây là lần thứ hai liên tiếp Đầu tư Nam Quân đăng ký mua vào 20 triệu cổ phiếu HQC nhưng chỉ thực hiện mua vào 1 triệu đơn vị. Trước đó, tổ chức này mua mới 1 triệu cổ phiếu HQC trong giai đoạn từ 2/8 - 25/8/2023 với phương thức thỏa thuận và cùng có lý do không hoàn tất là chưa sắp xếp được nguồn tài chính.
Đáng chú ý, cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes ghi nhận mức tăng 4,6%. Doanh nghiệp này mới đây đã công bố thông tin phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ mã VHMB2325004. Lô trái phiếu này có mệnh giá 100 triệu đồng, được phát hành vào ngày 23/11, kỳ hạn 2 năm tức đáo hạn vào ngày 23/11/2025.
Hai cổ phiếu cùng họ “Vin” là VIC của Tập đoàn Vingroup và VRE của CTCP Vincom Retail tăng lần lượt 1,8% và 0,9%.
Hình thành nền tích lũy trong biên độ 1.100 - 1.150 điểm
Theo CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), trạng thái vận động hiện tại cho thấy dao động của thị trường đang ổn định dần và hình thành nền tích lũy nhỏ có thể tạo nhịp tăng mới. Xét dưới góc nhìn ngắn hạn, đà hồi phục mạnh vừa qua đưa VN-Index thoát khỏi trì kéo của nền tích lũy cũ, tuy nhiên nhịp hồi phục này mang tính kỹ thuật bởi chỉ số đã đánh mất xu hướng uptrend và có thể kết thúc bất kỳ thời điểm nào. Thị trường hiện vẫn đang chưa thể bứt hẳn ra khỏi mốc 1.100 điểm nhưng đang có nhiều tín hiệu khả quan, khả năng thị trường sẽ hình thành nhịp tăng mới là khá cao.
Về góc nhìn trung hạn, sau giai đoạn giảm sâu, thị trường cần vận động để tiến tới vùng cân bằng mới và tích lũy lại, với thời gian hình thành nền mới sẽ kéo dài. Điểm số VN-Index đang thoát khỏi trì kéo của nền tích lũy trung hạn nhưng vẫn chỉ là nhịp hồi phục kỹ thuật và có thể kết thúc bất kỳ thời điểm nào. Với trạng thái vận động ngắn hạn khá tích cực thì rất có khả năng thị trường sẽ hình thành nền tích lũy trong biên độ 1.100 - 1.150 điểm.
Tình hình vĩ mô trong nước mặc dù ổn định với thống kê tăng trưởng GDP các quý đang tăng dần nhưng tốc độ tăng trưởng chưa đạt kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng yếu cho thấy nền kinh tế đang có khả năng hấp thụ vốn thấp, những khó khăn đối với thị trường bất động sản và đặc biệt là thị trường trái phiếu vẫn chưa có bước chuyển biến căn cơ. Tình hình kinh tế và địa chính trị toàn cầu cũng còn nhiều yếu tố khó lường, mặc dù các chỉ số lạm phát tại Mỹ và châu Âu có dấu hiệu hạ nhiệt. Với tình trạng vĩ mô tốt xấu đan xen, việc thị trường hướng tới vận động tìm điểm cân bằng lại để tích lũy là phù hợp.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối Phân tích CTCP Chứng khoán VNDirect nhận định, với những chuyển biến tích cực hơn của các yếu tố vĩ mô trong những tuần gần đây, ông bảo lưu quan điểm rằng thị trường vẫn đang duy trì vận động trong xu hướng phục hồi. VN-Index có thể tiếp tục tích lũy và xây nền tại vùng 1.080 - 1.020 điểm trước khi hướng tới các ngưỡng kháng cự cao hơn./.