Sau 4 tuần liên tiếp giảm mạnh từ vùng giá 1.250 điểm, VN-Index đã có tuần phục hồi tốt ở vùng hỗ trợ giá trung bình MA200 quanh 1.105 điểm. Trong tuần, VN-Index có 5 phiên tăng điểm với thanh khoản cải thiện dần. Kết thúc tuần, VN-Index tăng 26,19 điểm (2,32%) so với tuần trước lên mức 1.154,73 điểm với tâm lý ngắn hạn cải thiện tốt hơn. HNX-Index cũng duy trì 5 phiên giao dịch tăng điểm liên tiếp và kết thúc tuần ở mức 239,05 điểm, tương ứng tăng 8,6 điểm (3,73%) so với tuần trước. UPCoM-Index cũng tăng 0,7 điểm (0,8%) lên 87,9 điểm.
Thanh khoản thị trường tuần giao dịch vừa qua tiếp tục giảm so với tuần trước đó. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 16.340 tỷ đồng/phiên, giảm 14,2%, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân giảm 2,6% xuống 15.336 tỷ đồng/phiên. Nhà đầu tư nước ngoài gia tăng bán ròng tuần thứ 6 liên tiếp trên HoSE, giá trị bán ròng tăng với 1.905,96 tỷ đồng; mua ròng khá tốt trên HNX với giá trị 153,08 tỷ đồng.
Trong tuần, thị trường đón nhận nhiều thông tin như việc Ngân hàng Nhà nước cho biết dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng gần 7% (cùng kỳ năm 2022 tăng 11,05%); tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 177.693 tỷ đồng (tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2022)...
Hàng loạt nhóm ngành cũng có sự hồi phục tốt cùng thị trường chung. Tại nhóm bất động sản, thống kê 125 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán, trong tuần từ 9 - 13/10 có 80 mã tăng, trong khi chỉ có 28 mã giảm giá.
Đứng đầu danh sách tăng giá ở nhóm bất động sản là cổ phiếu V11 của CTCP Xây dựng số 11 với 23,7%. Tuy nhiên, V11 nằm trong diện thanh khoản rất thấp.
Đứng thứ 2 danh sách tăng giá là cổ phiếu TLD của CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Thăng Long với 18,6%. Trên thị trường không có thông tin nào liên quan đến doanh nghiệp này xuất hiện. Cổ phiếu TLD bứt phá đi kèm với thanh khoản tăng vọt. Giá trị khớp lệnh bình quân của cổ phiếu này gấp 8 lần tuần trước đó và đạt mức gần 1,3 triệu đơn vị/phiên. Giai đoạn từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 9/2022, TLD từng xuất hiện nhịp tăng gần 300% kéo giá lên mức 15.600 đồng/cp trước khi giảm mạnh về 4.6x đồng ngay sau đó.
CEO của Tập đoàn C.E.O cũng nằm trong danh sách những mã tăng giá mạnh nhất nhóm bất động sản với gần 13%.
Tương tự, PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt cũng có mức tăng 12,8%. Doanh nghiệp này vừa cho biết toàn bộ dự án Khu nhà ở phức hợp cao tầng Thuận An 1 và 2 tại TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương đã được phê duyệt đồ án quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500. Dự án Thuận An 1 và 2 có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 10.800 tỷ đồng. Dự án sẽ cung ứng ra thị trường số lượng lớn sản phẩm căn hộ, shophouse, nhà phố liên kế.
Tuần giao dịch vừa qua tiếp tục ghi nhận điểm sáng từ nhóm bất động sản khu công nghiệp. IDC của Tổng công ty IDICO ghi nhận mức tăng đến 14,25%. Mới đây, Công ty TNHH Kinh doanh và Cho thuê nhà Tân Bách Việt đăng ký mua 6 triệu cổ phiếu IDC với mục đích đầu tư tài chính. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 12/10 đến ngày 9/11, theo phương thức giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh trên sàn. Hiện Tân Bách Việt đang nắm giữ hơn 5,59 triệu cổ phiếu IDC, tương đương tỷ lệ 1,69%.
Vừa qua, HĐQT doanh nghiệp này đã quyết định liên danh với CTCP Đầu tư Xây dựng số 10 IDICO (IDICO-INCO 10) để xin phép đầu tư và thực hiện dự án Đầu tư Tổ hợp văn phòng IDICO Plaza II tại TP. Cần Thơ. Dự án này có tổng vốn đầu tư gần 410 tỷ đồng; trong đó, vốn thuộc sở hữu của chủ đầu tư là 100 tỷ đồng (chiếm 24,4% tổng vốn đầu tư). Trong 100 tỷ đồng này, Tổng công ty IDICO góp 82% và IDICO-INCO 10 góp 18%. Dự án sẽ bao gồm các sản phẩm shophouse, khu dịch vụ ăn uống văn phòng, tổ chức hội nghị và văn phòng cho thuê.
Các mã như SZC của CTCP Sonadezi Châu Đức, ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo, KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc… cũng đều có mức tăng giá tốt ở tuần giao dịch vừa qua.
Ở chiều ngược lại, HPI của CTCP Khu công nghiệp Hiệp Phước giảm giá mạnh nhất với hơn 26%. Tuy nhiên, HPI nằm trong diện gần như không có thanh khoản nên biến động giá hầu như không chịu ảnh hưởng từ thị trường chung.
Đa số các cổ phiếu giảm mạnh ở nhóm bất động sản trong tuần từ 9 - 13/10 đều thuộc nhóm thanh khoản thấp. BCM của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC) ghi nhận mức giảm hơn 4%. Theo công bố mới đây, trong tháng 9, nhóm doanh nghiệp thuộc Becamex IDC đã hoàn tất chào bán 4.000 tỷ đồng trái phiếu. Becamex IDC phát hành 2.000 tỷ đồng (lãi 12%/năm, kỳ hạn 4 năm) và Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) phát hành 2.000 tỷ đồng (lãi 10,5%/năm, kỳ hạn 7 năm).
Trong top 10 mã vốn hóa lớn ở nhóm bất động sản chỉ có BCM và VRE của CTCP Vincom Retail giảm giá. Mức giảm của VRE là khá khiêm tốn với chỉ 4%. 2 mã cùng họ Vin là VIC của Tập đoàn Vingroup và VHM của CTCP Vinhomes tăng lần lượt 1,9% và 0,33%.
Rủi ro trung dài hạn của thị trường chứng khoán không cao
CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nhận định, thị trường trong ngắn hạn đang có nhịp hồi kỹ thuật và nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì danh mục cổ phiếu với quan điểm thận trọng bởi nhịp hồi không phải là xu hướng uptrend tiếp diễn nên sẽ có thể kết thúc bất kỳ thời điểm nào.
Trong trung dài hạn, thị trường dù mất xu hướng uptrend nhưng sẽ sớm tìm điểm cân bằng mới và tích lũy lại nên rủi ro trung dài hạn không cao.
Dự báo về phiên giao dịch đầu tuần tới, CTCP Chứng khoán Vietcap (VCI) cho rằng VN-Index sẽ tiếp nối quán tính hồi phục cuối ngày thứ Sáu để kiểm định kháng cự đỉnh tháng 9 tại 1.155 điểm. Nếu lực mua giá cao đủ mạnh giúp VN-Index vượt qua mốc này, chỉ số sẽ duy trì đà tăng để hướng lên kháng cự mạnh tiếp theo tại 1.165 điểm, nơi có đường MA100 ngày (đường trung bình 100 ngày). Tại đây, lực bán giá cao một lần nữa sẽ xuất hiện và tạo nên sự giằng co cho thị trường. Nhìn chung, VN-Index vẫn đang vận động trong một nhịp hồi phục kỹ thuật với hỗ trợ MA10 (đường trung bình 10 ngày) hiện nằm tại 1.140 điểm./.