Thị trường chứng khoán toàn cầu diễn biến tiêu cực trong tuần giao dịch từ 26 - 30/9 và Việt Nam cũng không ngoại lệ. VN-Index có thời điểm để “thủng” mốc 1.100 điểm nhưng lực cầu trong phiên “chốt” NAV quý III (30/9) đã giúp chỉ số này hồi phục và tránh được chuỗi 5 phiên giảm liên tiếp.
Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 71,17 điểm (-5,9%) xuống 1.132,11 điểm, HNX-Index giảm 14,19 điểm (-5,4%) xuống 250,25 điểm, UPCoM-Index cũng giảm 3,63 điểm (-4,1%) xuống 84,96 điểm. Giá trị giao dịch trên HoSE tăng 12,8% so với tuần trước đó lên 68.277 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 18,1% lên hơn 2,8 tỷ cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 1,2% so với tuần trước đó xuống 6.502 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 4,6% lên 332 triệu cổ phiếu.
Với mức giảm điểm mạnh trên cả hai sàn trong tuần qua, toàn bộ các nhóm ngành đều sụt giảm về vốn hóa. Đối với nhóm bất động sản, thống kê 126 mã đang giao dịch trên thị trường chứng khoán có đến 105 mã giảm, trong khi số mã tăng chỉ vỏn vẹn 14 mã.
Đứng đầu danh sách giảm giá ở nhóm này là HD8 của CTCP Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị HUD8 với mức giảm 31,2%. Tuy nhiên, thanh khoản của cổ phiếu này duy trì ở mức rất thấp với chỉ vài nghìn cổ phiếu được khớp lệnh mỗi phiên.
Đứng thứ hai trong danh sách giảm giá ở nhóm bất động sản là DXS của CTCP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh với gần 30%. DXS giảm giá với thanh khoản tăng vọt lên gần gấp đôi so với tuần trước. Bên cạnh đó, cổ phiếu công ty mẹ của DXS là DXG của CTCP Tập đoàn Đất Xanh cũng có một tuần giao dịch tiêu cực khi giảm đến 18,2%. Trong tuần, DXG cũng bị khối ngoại bán ròng gần 50 tỷ đồng (1,77 triệu cổ phiếu). Doanh nghiệp này mới đây vừa thông qua quyết định chuyển đổi 50 trái phiếu thành cổ phiếu, tương đương 50 tỷ đồng tính theo mệnh giá trái phiếu là 1 tỷ đồng/trái phiếu. Số trái phiếu này được phát hành vào tháng 4/2019. Theo đó, với mỗi trái phiếu, trái chủ sẽ được nhận 50.042 cổ phiếu DXG với giá vốn 19.983 đồng/cp. Kết phiên 27/9, DXG giảm sàn xuống mức 21.500 đồng/cp, giảm hơn 23% qua 1 tháng trong bối cảnh nhóm cổ phiếu bất động sản nói chung đều phản ứng mạnh trước áp lực tăng lãi suất 2 phiên gần đây. Số cổ phiếu phát hành thêm để thực hiện chuyển đổi là hơn 2,5 triệu cổ phiếu, tương đương vốn điều lệ của DXG sẽ được tăng thêm hơn 25 tỷ đồng sau khi đợt chuyển đổi kết thúc.
HĐQT CTCP Tập đoàn Đất Xanh cũng vừa công bố nghị quyết phê duyệt triển khai dự án lớn tại Bình Dương với hình thức đầu tư xây dựng mới khu căn hộ cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ. Quy mô dự án dự kiến khoảng 8,6ha, có tổng diện tích sàn xây dựng dự kiến 410.000m2, với 11 block cao 30 tầng. Tín hiệu tích cực này đang là điểm sáng của thị trường bất động sản trong bối cảnh hiện nay.
Cổ phiếu LHG của CTCP Long Hậu cũng có biến động tiêu cực khi giảm đến gần 23% chỉ sau một tuần giao dịch. Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa có quyết định chuyển cổ phiếu LHG từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát từ ngày 6/10/2022. Nguyên nhân là do Long Hậu chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022 quá 30 ngày so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị kiểm soát theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 38 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam. Trước đó, cổ phiếu LHG bị đưa vào diện cảnh báo kể từ ngày 22/9/2022 theo Quyết định số 663/QĐ-SGDHCM ngày 15/9/2022 của Tổng giám đốc HoSE.
Bên cạnh đó, hàng loạt cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao đều lao dốc ở tuần vừa qua như CEO của CTCP Tập đoàn C.E.O giảm 17,8%, ITC của CTCP Đầu tư Kinh doanh Nhà giảm 17%, HQC của CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân giảm 14%, BII của CTCP Louis Land giảm 13,5%...
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu LEC của CTCP Bất động sản Điện lực Miền Trung tiếp tục là điểm sáng ở nhóm bất động sản cũng như toàn thị trường khi tăng gần 39% bất chấp thị trường lao dốc. Tính xa hơn, cổ phiếu LEC đã có 10 phiên tăng kịch trần từ 7.510 đồng/cp (phiên 16/9) lên 14.550 đồng/cp (phiên sáng 30/9). Như vậy, mã này đã tăng gấp đôi giá trị chỉ sau hơn 1 tuần giao dịch. Theo văn bản giải trình mới đây, LEC cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường và không có biến động đặc biệt nào. Việc giá cổ phiếu LEC tăng trần 5 phiên liên tiếp từ ngày 23-29/9/2022 là do cung cầu trên thị trường chứng khoán. Trước đó, LEC cũng có giải trình tương tự cho giá cổ phiếu tăng trần 5 phiên trong thời gian từ 16-22/9/2022.
Đa số các cổ phiếu bất động sản tăng giá trong tuần vừa qua đều thuộc nhóm thanh khoản thấp. Số ít mã tăng giá có thanh khoản cao gồm TCH của CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy, PDR của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt và NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va. Trong đó, TCH tăng 2,7%, PDR tăng 0,6% còn NVL tăng 0,47%.
Về NVL, mới đây CTCP Novagroup đăng ký nhận chuyển nhượng gần 94,7 triệu cổ phiếu NVL trong giai đoạn 30/9 - 29/10/2022. Novagroup đang là cổ đông lớn nhất với sở hữu hơn 627 triệu cổ phiếu NVL (32,165%). Sau giao dịch thành công, dự kiến cổ đông này sẽ tăng sở hữu lên gần 722 triệu cổ phiếu (37,02%). Mục đích giao dịch là nhận góp vốn để tăng vốn điều lệ. Phương thức giao dịch là nhận chuyển quyền sở hữu cổ phiếu không thông qua hệ thống của sở giao dịch chứng khoán.
Bên cạnh PDR và NVL, hai cổ phiếu khác trong top 10 vốn hóa nhóm bất động sản cũng tăng giá là SSH của CTCP Phát triển Sunshine Homes và KSF của CTCP Tập đoàn KSFinance với mức tăng lần lượt 1,04% và 0,6%.
Trong khi đó, hai “ông lớn” của nhóm bất động sản là VHM của CTCP Vinhomes và VIC của Tập đoàn Vingroup có mức giảm khá mạnh với lần lượt 11,4% và 12%./.