Aa

Cổ phiếu bất động sản phân hóa mạnh, nhiều mã lao dốc

Thứ Hai, 29/08/2022 - 06:05

Cổ phiếu bất động sản có sự phân hóa mạnh trở lại trong tuần giao dịch từ 22 - 26/8. Trong đó, một số cổ phiếu của nhóm ngành này vẫn tăng giá mạnh, nhưng còn nhiều mã giảm sâu.

Sắc xanh tiếp tục được nối dài trên thị trường lên tuần thứ 7 liên tiếp với mức tăng là không quá mạnh. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 13,39 điểm (1,1%) lên 1.282,57 điểm, HNX-Index tăng 1,56 điểm (0,5%) lên 297,94 điểm, UPCoM-Index cũng tăng 0,1 điểm (0,11%) lên 92,88 điểm.

Giá trị giao dịch trên HoSE giảm nhẹ 3,6% so với tuần trước đó xuống 75.507 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 3,2% xuống 2,9 tỷ cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 18,7% so với tuần trước đó lên 9.602 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 8,5% lên 456 triệu cổ phiếu.

Sau khi giao dịch có phần không được tích cực ở tuần trước đó, sự phân hóa đã diễn ra ở nhóm cổ phiếu bất động sản trong tuần từ 22 - 26/8. Thống kê 125 mã bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán, trong tuần qua có 58 mã tăng, trong khi cũng có 52 mã giảm giá.

Đứng đầu danh sách tăng giá ở nhóm bất động sản là API của Công ty CP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương với 47,2%. Mới đây, doanh nghiệp này đã công bố ngày 6/9 sẽ là ngày giao dịch không hưởng quyền để doanh nghiệp này phát hành hơn 45,8 triệu cổ phiếu thưởng với mệnh giá 10.000đ/cổ phiếu, tỷ lệ 120%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận về 120 cổ phiếu mới.

Đây là tỷ lệ chia thưởng cao nhất trong lịch sử niêm yết của API. Như vậy, vốn điều lệ sau khi thưởng cổ phiếu sẽ gấp đôi lên hơn 840 tỷ đồng.

Đứng thứ hai trong danh sách tăng giá ở nhóm bất động sản là PXL của Tổng Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển KCN Dầu khí-Long Sơn với gần 18%. Không chỉ tăng về mặt thị giá, thanh khoản của cổ phiếu PXL cũng có sự đột biến. Tổng khối lượng khớp lệnh bình quân vọt lên gần 2,2 triệu cổ phiếu/phiên, gấp hơn 9 lần tuần trước.

Vừa qua, Tập đoàn Gelex đã hoàn tất chuyển nhượng 5,3 triệu cổ phiếu PXL (6,37% vốn điều lệ) cho Công ty CP Hạ tầng Gelex. Giao dịch được thực hiện vào ngày 17/8.

20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất trong tuần từ 22 - 26/8.
20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất trong tuần từ 22 - 26/8.

Cổ phiếu CKG của Công ty CP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư & Xây dựng Kiên Giang cũng tăng gần gần 14% chỉ sau một tuần giao dịch. HĐQT doanh nghiệp này vừa thống nhất mức giá chào bán riêng lẻ 13,4 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo phương án được ĐHĐCĐ thường niên 2021 thông qua là 15.000 đồng/cp.

Một cổ phiếu bất động sản khác gây chú ý trong tuần qua là BCM của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp (Becamex IDC) với hơn 13%. Ngày 24/8, UBND tỉnh Bình Dương phối hợp Becamex IDC tổ chức hội nghị trực tuyến, xúc tiến đầu tư thu hút các doanh nghiệp Đài Loan tiếp tục đầu tư vào địa phương này. Tham gia hội nghị, đại diện Tổng công ty Becamex IDC cũng giới thiệu về các dự án do Becamex đang phát triển để đáp ứng nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp. Theo đó, Tổng công ty Becamex IDC và Cục Xúc tiến thương mại đã ký kết ghi nhớ hợp tác trong các lĩnh vực liên quan đến xúc tiến thương mại và đầu tư phát triển công thương trong thời gian tới; đồng thời Trung tâm triển lãm Quốc tế Thành phố mới Bình Dương (WTC EXPO) chính thức được kích hoạt với tổng diện tích lên đến 22.000m² chuyên cung cấp dịch vụ MICE tại Bình Dương.

Ở chiều ngược lại, mã FLC của Tập đoàn FLC dẫn đầu về mức giảm giá ở nhóm bất động sản với hơn 15,2%. Ngày 25/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án, bổ sung tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đối với ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC, bà Hương Trần Kiều Dung - cựu Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC và một số người có liên quan.

Theo công bố, Cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và các bị can đã có hành vi nâng khống vốn của Công ty CP Xây dựng FLC Faros (Mã CK: ROS). Từ năm 2014 đến 2016, ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần của Công ty CP Xây dựng Faros. Sau khi được niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS trên sàn chứng khoán, các bị can đã bán, thu được tổng cộng hơn 6.400 tỷ đồng và rút tiền mặt để chiếm đoạt.

Bên cạnh đó, từ đầu tháng 8/2022, Tập đoàn FLC đã bị cưỡng chế thu tổng cộng hơn 426 tỷ đồng tiền thuế đều bằng phương pháp trích tiền/yêu cầu phong tỏa tài khoản.

Một cổ phiếu khác cùng “hệ sinh thái” với FLC là AMD của Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone tiếp tục giảm hơn 9,2% sau 1 tuần giao dịch.

20 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất trong tuần từ 22 - 26/8.
20 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất trong tuần từ 22 - 26/8.

Cổ phiếu TBH của Công ty CP Tổng Bách Hóa tiếp tục lao dốc trong tuần qua khi giảm gần 15%. Đơn vị này vừa có văn bản giải trình gửi đến Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc chưa công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý II/2022 và báo cáo tình hình quản trị bán niên 2022.

Tại văn bản này, Tổng Bách Hóa cho biết, ngày 13/4/2022, Tổng Giám đốc của công ty là ông Nguyễn Mạnh Hùng bị Cơ quan CSĐT (C03) bắt tạm giam và ra quyết định khởi tố vì liên quan phát hành trái phiếu trái phép của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

TBH cho biết sự việc này không liên quan đến công ty nhưng gây ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động liên quan, trong đó có việc hoàn thành nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin theo quy định. Do chưa thay Tổng Giám đốc (cũng là người đại diện pháp luật của công ty) vì vướng nhiều thủ tục pháp lý nên Tổng Bách Hóa hiện chưa có người điều hành, quyết định, phê duyệt các nội dung để tiến hành công bố BCTC quý II/2022. Việc ông Nguyễn Mạnh Hùng bị bắt cũng là một nguyên nhân khiến công ty chưa thể công bố báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm..

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn, VIC của Tập đoàn Vingroup giảm gần 4,3%. VHM của Công ty CP Vinhomes tăng 0,33% và VRE của Công ty CP Vincom Retail giảm nhẹ 1,54%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top