Aa

Cổ phiếu BĐS đua nhau tăng giá trong tháng 8: Kỳ vọng tiếp tục tươi sáng

Thứ Năm, 03/09/2020 - 06:00

Phần lớn các cổ phiếu bất động sản đều tăng giá trong tháng 8. Nhiều dự án bất động sản sẽ được triển khai trong nửa cuối năm được kỳ vọng tiếp tục là động lực cho đà tăng giá của các cổ phiếu thuộc nhóm ngành này.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8, VN-Index đứng ở mức 881,65 điểm, tương ứng tăng 83,26 điểm (10,43%) so với tháng 7. HNX-Index cũng tăng 17,34 điểm (16,13%) lên 124,85 điểm. UPCoM-Index tăng 4,02 điểm (7,34%) lên 58,82 điểm.

Đa số các nhóm ngành cổ phiếu trên thị trường đều tăng tốt trong tháng 8 vừa qua. Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản, thống kê 112 mã đang giao dịch trên thị trường thì có đến 89 mã tăng giá trong khi chỉ có 12 mã giảm giá.

Đứng đầu danh sách tăng giá ở nhóm ngành này là cổ phiếu VCR của Vinaconex – ITC với mức tăng lên đến 155,7% từ 8.363 đồng/cp lên thành 21.382 đồng/cp. Đà tăng của VCR diễn ra trong bối cảnh Chứng khoán Agribank thực hiện bán 391.267 cổ phiếu nhưng bất thành. Việc VCR tăng giá diễn ra mạnh ở nửa sau của tháng 8, thời điểm mà cổ phiếu của công ty mẹ là VCG (Vinaconex) bứt phá và có những giao dịch thỏa thuận “khủng”.

20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất trong tháng 8.
20 cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất trong tháng 8.

Đứng thứ 2 trong danh sách tăng giá của nhóm bất động sản là HU6 của PT Nhà và Đô thị HUD6 với 88,2%. Trong tháng 8, HU6 chỉ có đúng 5 phiên giao dịch và đều trên 10%. Đáng chú ý, các phiên giao dịch này HU6 đều chỉ khớp lệnh vỏn vẹn vài trăm cổ phiếu.

Tiếp đến, cổ phiếu PTL của Petroland cũng tăng đến 79,5% chỉ sau 1 tháng giao dịch từ 4.400 đồng/cp lên thành 7.900 đồng/cp. Đà tăng của cổ phiếu PTL thực sự mạnh từ phiên 18/8 đến 25/8 với 6 phiên tăng trần liên tiếp sau khi Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil, OIL) mới đây đã thông qua quyết định thoái toàn bộ phần vốn 9%, tương đương 9 triệu cổ phần tại PTL. Hiện, cơ cấu tại PTL gồm Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ 36,43% cổ phần. Các cổ đông lớn tiếp theo là bà Trần Thị Ngọc Cư (19,86%), ông Đoàn Văn Đức (17,67%), PV Oil và BIDV (5,77%).

Ngoài ra, hàng loạt các cổ phiếu có thanh khoản cao đều tăng giá rất mạnh như LHG của KCN Long Hậu (59%), HAR của BĐS An Dương Thảo Điền (41%), TIP của PT KCN Tín Nghĩa (40%), CRE của Bất động sản Thế Kỷ (27%), DRH của DRH Holdings (26%), SCR của Sacomreal (26%), HDG của Tập đoàn Hà Đô (23%)…

Chiều ngược lại, cổ phiếu giảm giá mạnh nhất nhóm bất động sản là KHA của Đầu tư và DV Khánh Hội với 39,5%. Cổ phiếu KHA thường xuyên rơi vào trạng thái không có giao dịch hoặc giao dịch với thanh khoản rất thấp. Đa phần các cổ phiếu bất động sản giảm mạnh trong tháng 8 đều thuộc diện thanh khoản rất thấp.

10 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất trong tháng 8.
10 cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất trong tháng 8.

Đối với 4 cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn nhất thị trường, 3 cổ phiếu họ “Vin” là VIC của Vingroup, VHM của Vinhomes và VRE của Vincom Retail đều tăng giá so với tháng trước. Cụ thể, VIC tăng 2,9% từ 87.500 đồng/cp lên 90.000 đồng/cp, VHM tăng 1% từ 77.700 đồng/cp lên 78.500 đồng/cp còn VRE tăng 7,6% từ 25.100 đồng/cp lên 27.000 đồng/cp. Trong khi đó, NVL của Novaland bất ngờ giảm 2% từ 65.100 đồng/cp xuống 63.800 đồng/cp.

Ngành bất động sản vượt qua khó khăn: Giai đoạn bận rộn nửa cuối năm

Việc các cổ phiếu ngành bất động sản bứt phá trong tháng 8 được cho là phần nào phản ánh sức khỏe của ngành này trong tương lai. Theo Trung tâm phân tích CTCK SSI (SSI Research), dịch Covid-19 đã khiến cơ cấu ngành bất động sản có sự thay đổi. Theo đó, các cuộc khảo sát trong nước cho thấy có khoảng 38 - 40% người dân coi thị trường bất động sản là kênh đầu tư an toàn. Đà tăng trưởng của thị trường có thể được ảnh hưởng tích cực bởi việc gia tăng tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng cùng với môi trường lãi suất huy động thấp. Bên cạnh đó, bất động sản thấp tầng có pháp lý, quyền sử dụng đất minh bạch cũng trở nên hấp dẫn hơn với người mua nhà.

SSI Research ước tính giá bán tại thị trường Hà Nội sẽ tăng nhẹ khoảng 2 - 3%. Tại thị trường TP.HCM mức giá sẽ tăng nhẹ thêm 7 - 10% do việc giá đất/ dự án đầu vào tăng và nguồn cung hạn chế. Doanh số bán mới trong nửa cuối 2020 có thể thấp hơn so với cùng kỳ 2019 do nguồn cung tổng thể hạn chế. Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trung bình năm 2020 đối với các doanh nghiệp bất động sản nhà ở niêm yết ước tính khoảng 10%.

Trong khi đó, theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), bình quân nửa đầu năm tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm của các công ty bất động là 23% (không tính DXG). Đa phần lợi nhuận còn lại sẽ được ghi nhận trong giai đoạn nửa cuối năm. 

Theo kế hoạch, nhiều dự án bất động sản sẽ được triển khai trong nửa cuối năm, tiếp tục là động lực cho đà tăng giá của các cổ phiếu. Một số dự án nổi bật có thể kế đến như Gem Sky World (Đất Xanh), Clarita và Phú Hữu (Khang Điền) và Mizuki Park và Waterpoint (Nam Long) hay Charm Villas (Hà Đô).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top