VN-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần tăng 24,2 điểm (2,8%) so với tuần trước đó lên 878,98 điểm; HNX-Index tăng 3,2 điểm (2,6%) lên 125,84 điểm, còn UPCoM-Index tăng 1,94 điểm (3,38%) lên 59,33 điểm. Thanh khoản gia tăng so với tuần trước đó và cao hơn mức trung bình 20 tuần với hơn 7.200 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn niêm yết. Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 40% lên 31.579 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 42,5% lên 1.797 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 16,4% lên 4.662 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 8,5% lên 325 triệu cổ phiếu.
Thêm một tuần nữa, gần như toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu đều tăng so với tuần giao dịch trước đó. Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, thống kê 111 mã đang giao dịch trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM thì có đến 71 mã tăng giá trong khi chỉ có 22 mã giảm giá.
Đứng đầu danh sách tăng giá trong nhóm bất động sản là cổ phiếu VCR của Vinaconex – ITC với mức tăng 47,4% từ 14.476 đồng/cp lên thành 21.341 đồng/cp. Tính rộng hơn, giá cổ phiếu VCR đã lên hơn gấp đôi kể từ phiên giao dịch 11/8 với chỉ 9.600 đồng/cp. Động lực tăng của VCR được cho là vẫn đến từ cộng hưởng với sự giao dịch tích cực của cổ phiếu công ty mẹ là VCG của Vinaconex, trong tuần này VCG cũng tăng 12% từ 32.000 đồng/cp lên 35.900 đồng/cp.
Mới đây, Chứng khoán Agribank (Agriseco) tiếp tục đăng ký bán 391.267 cổ phiếu VCR sau khi bán bất thành số cổ phiếu trên từ ngày 20/7 - 19/8. Dự kiến việc bán ra cổ phiếu VCR sẽ được Agriseco thực hiện từ 26/8 đến 23/9 thông qua thỏa thuận và khớp lệnh. Hiện tại, Agriseco vẫn đang nắm giữ đến gần 4 triệu cổ phiếu VCR tương ứng tỷ lệ 11,09%.
Cổ phiếu PTL của Petroland cũng gây được sự chú ý cho nhà đầu tư khi tăng giá đến 33,5% từ 6.360 đồng/cp lên thành 8.490 đồng/cp. Việc PTL tiếp tục bứt phá mạnh vẫn được cho là đến từ thông tin Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) quyết định thoái toàn bộ 9% vốn tại Petroland.
Tiếp sau đó, cổ phiếu SGR của Địa ốc Sài Gòn cũng tăng giá 25,3% chỉ sau một tuần giao dịch. Mới đây, HĐQT của SGR đã thông qua việc triệu tập ĐHĐCĐ bất thường năm 2020 để điều chỉnh phương án phân phối lợi nhuận năm tài chính 2019. Theo đó, HĐQT quyết định sẽ điều chỉnh tỷ lệ chi cổ tức năm 2019 lên 42%, trong đó cổ tức bằng cổ phiếu là 31,75% (144,6 tỷ đồng) còn cổ tức bằng tiền là phần còn lại (46,66 tỷ đồng). Sau khi trả cổ tức bằng cổ phiếu, dự kiến vốn điều lệ của SGR sẽ được nâng lên thành 600 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất tuần qua là PVR của Công ty Cổ phần Đầu tư PVR Hà Nội với 15,3%, đây cũng là cổ phiếu bất động sản duy nhất giảm giá trên 10%. Trong tuần, PVR chỉ giao dịch trong phiên thứ Sáu và bị kéo xuống mức giá sàn. Thanh khoản của PVR duy trì ở mức rất thấp.
Cổ phiếu NVT của Ninh Vân Bay đứng thứ 2 về mức giảm giá trong nhóm bất động sản với 6,9% từ 4.790 đồng/cp xuống còn 4.460 đồng/cp. Cổ phiếu NVT luôn rơi vào tình trạng thanh khoản thấp và hiện tại không có thông tin xấu nào xuất hiện đủ để tác động khiến cổ phiếu này giảm liên tục trong thời gian qua.
Đối với các cổ phiếu bất động sản lớn nhất thị trường, VRE của Vincom Retail tăng 2,6% lên 27.200 đồng/cp; VIC của Vingroup tăng đến 4,4% lên 89.900 đồng/cp còn NVL của Novaland đi ngang. Ngày 20/8, Hội đồng quản trị VIC đã ra quyết định tái cấu trúc nội bộ, theo đó thực hiện chia tách doanh nghiệp đối với công ty con là CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng (SDI). Theo đó, Sài Đồng chuyển một phần cổ phần của các cổ đông hiện hữu cùng tài sản, quyền và nghĩa vụ tương ứng để thành lập một công ty con tên là CTCP Kinh doanh Thương mại Sado có vốn điều lệ xấp xỉ 500 tỷ đồng. Sau chia tách, vốn điều lệ của Sài Đồng giảm xuống còn 700 tỷ đồng và VIC sở hữu 98% cổ phần của cả 2 công ty trên.
Việc VIC tăng giá tốt cũng đóng góp rất lớn trong việc nâng đỡ chỉ số chính VN-Index và giúp chỉ số này tiếp tục đi lên. Tuần qua, VIC cũng được mua ròng nhẹ 8 tỷ đồng./.