Aa

Nhiều cổ phiếu BĐS vẫn giao dịch tích cực

Thứ Sáu, 28/08/2020 - 06:00

Sự phân hóa vẫn diễn ra mạnh ở nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ nhưng sắc xanh có phần áp đảo hơn. Các mã như OCH, LHG, SGR, SII hay DTA đều được kéo lên mức giá trần.

Thị trường chứng khoán trong phiên 27/8 tiếp tục có diễn biến rung lắc với sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Tuy nhiên, khác với phiên trước đó, chỉ số đại diện thị trường là VN-Index kết thúc phiên giao dịch với sắc xanh nhẹ.

Các cổ phiếu như FPT, PLX, KDC, VCG, MWG, SHB, ACB… đóng vai trò trụ đỡ rất tốt cho các chỉ số trong phiên. Trong đó, FPT tăng 3% lên 49.850 đồng/cp, PLX tăng 2,7% lên 52.800 đồng/cp, KDC tăng 2,3% lên 36.000 đồng/cp, VCG tăng 2% lên 35.700 đồng/cp. VCG gây bất ngờ cho nhà đầu tư bởi giao dịch thỏa thuận gần 15,9 triệu cổ phiếu đều ở mức giá đỏ là 33.500 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị giao dịch gần 532 tỷ đồng.

Các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 27/8. Nguồn: Fialda.
Các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 27/8. Nguồn: Fialda.

Dù vậy, áp lực trên thị trường vẫn là rất lớn, các mã như CTD, VJC, PVS, ACV hay SAB đều chìm trong sắc đỏ, trong đó CTD giảm sâu 1,1% xuống 79.500 đồng/cp, VJC giảm 1% xuống 99.600 đồng/cp.

Các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 27/8. Nguồn: Fialda.
Các cổ phiếu có ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 27/8. Nguồn: Fialda.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, VIC và VRE đứng giá tham chiếu còn NVL tăng nhẹ 0,2% lên 62.900 đồng/cp.

Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ, sự phân hóa vẫn diễn ra nhưng sắc xanh có phần áp đảo hơn. Các mã như OCH, LHG, SGR, SII hay DTA đều được kéo lên mức giá trần. PXL tăng đến 12,4% lên 10.900 đồng/cp; VCR tiếp tục tăng 6,8% lên 18.900 đồng/cp; PDR tăng 5,5% lên 29.500 đồng/cp; ITA tăng 4,2% lên 4.480 đồng/cp; OGC tăng 2,4% lên 5.120 đồng/cp bất chấp việc sau soát xét, lợi nhuận của OGC giảm xuống 108,3 tỷ đồng so với con số 219,4 tỷ đồng trên báo cáo tự lập. Điều này là do công ty trích lập bổ sung dự phòng đối với khoản công nợ phải thu hỗ trợ vốn khi đánh giá lại về việc bù trừ nghĩa vụ phải trả cho đối tác.

CRE cũng tăng 3% lên 23.800 đồng/cp sau thông tin ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Bất động sản Thế kỷ đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu qua phương thức giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận, từ ngày 28/8 đến 26/9. Nếu giao dịch thành công, ông Hưng sẽ nâng lượng nắm giữ lên gần 1,5 triệu cổ phiếu, tương đương 1,8% vốn.

Chiều ngược lại, các mã bất động sản như BII, PFL, PVL, HAR, FIT... đều chìm trong sắc đỏ.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 1,24 điểm (0,14%) lên 874,71 điểm. Toàn sàn có 241 mã tăng, 147 mã giảm và 67 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,03 điểm (0,83%) lên 124,92 điểm. Toàn sàn có 80 mã tăng, 83 mã giảm và 56 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,53 điểm (0,91%) lên 59,05 điểm.

Thanh khoản trên hai sàn niêm yết giảm so với phiên trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 7.313 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch là 386 triệu cổ phiếu; trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm tới 2.041 tỷ đồng. Có 3 cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường là ITA, OGC và HQC, trong đó, ITA và OGC chia sẻ 2 vị trí dẫn đầu với khối lượng khớp lệnh lần lượt là 19,6 triệu cổ phiếu và 10,5 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 27/8. Nguồn: Fialda.
Các cổ phiếu có giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 27/8. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại giao dịch vẫn theo chiều hướng tiêu cực khi bán ròng trên cả 3 sàn giao dịch với giá trị hơn 253 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VIC và NLG là 2 mã bất động sản được khối ngoại mua ròng mạnh với giá trị lần lượt 29,4 tỷ đồng và 22,5 tỷ đồng.

Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết, thị trường hồi phục nhẹ với thanh khoản suy giảm nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên gần nhất cho thấy bên mua và bên bán vẫn đang giằng co trong vùng giá hiện tại. Trên khía cạnh kỹ thuật, VN-Index tiếp tục giao dịch trong vùng kháng cự quan trọng 870 - 875 điểm (MA200) và phản ứng tại đây sẽ xác định xu hướng của thị trường trong thời gian tới. Nếu vượt được 875 điểm (MA200) thì target tiếp theo sẽ là tại 900 điểm (đỉnh tháng 6); chiều ngược lại, nếu không giữ được 870 điểm thì thị trường có thể sẽ quay trở lại test ngưỡng 850 điểm (MA50).

Tuy nhiên, trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 9 tăng mạnh hơn so với chỉ số cơ sở VN30, qua đó nới rộng mức basis dương lên thành 4,45 điểm cho thấy nhà đầu tư tin vào việc thị trường sẽ tăng điểm trong phiên tới.

SHS dự báo trong phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index có thể sẽ tiếp tục rung lắc trong vùng kháng cự 870 - 875 điểm (MA200). Những nhà đầu tư đã giải ngân bắt đáy trong đợt giảm về quanh ngưỡng 800 điểm (fibonacci retracement 38,2%) và đã chốt lời cổ phiếu quanh đường MA50 trong tuần trước nên tiếp tục đứng ngoài và quan sát thị trường.

Về thị trường chứng khoán châu Á, thị trường Trung Quốc tăng với Shanghai Composite tăng 0,61%, Shenzhen Composite tăng 1,04%. Chỉ số Hang Seng của sàn Hong Kong giảm 0,83%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 giảm 0,35%, Topix giảm 0,53%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 1,05%. Trong khi đó, ASX của Australia tăng 0,16%.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top