Aa

Cổ phiếu BĐS lớn giúp VN-Index tăng điểm trong phiên 24/6

Thứ Sáu, 25/06/2021 - 06:00

Thị trường biến động rung lắc trong phiên 24/6. Các cổ phiếu phiếu bất động sản như PDR, NVL, VIC, VHM hay VRE có đóng góp quan trọng trong việc giữ sắc xanh của VN-Index.

Thị trường chứng khoán tiếp tục biến động theo chiều hướng thận trọng khi sự phân hóa ở nhóm cổ phiếu lớn vẫn khá rõ nét. Các chỉ số mở cửa phiên 24/6 với diễn biến tốt khi sắc xanh chiếm ưu thế ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và điều này đẩy các chỉ số lên trên mốc tham chiếu. Tuy nhiên, tương tự như các phiên trước, áp lực bán nhanh chóng dâng cao và đẩy các rung lắc. Nhiều thời điểm VN-Index bị kéo xuống dưới mốc tham chiếu, trong khi HNX-Index và UPCoM-Index đều kết phiên trong sắc đỏ.

Các cổ phiếu như STB, PVD, HPG, VNM, BVH… đều chìm trong sắc đỏ và gây ra áp lực rất lớn lên các chỉ số. Trong đó, STB giảm 2,5%, PVD giảm 1,9%, HPG giảm 1,6%. Có lẽ thông tin hơn 1,1 tỷ cổ phiếu HPG trong đợt phát hành thêm để trả cổ tức cổ phiếu năm 2020 sắp về tài khoản nhà đầu tư đã ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Có thể tâm lý nhà đầu tư cho rằng một lượng cung lớn sẽ xuất hiện khi số cổ phiếu nói trên được giao dịch. Mới đây, Quỹ thành viên CTBC Vietnam Equity Fund thuộc Dragon Capital đã mua 1 triệu cổ phiếu vào ngày 22/6, nhằm tăng lượng nắm giữ lên 17,1 triệu đơn vị (tỷ lệ 0,38%). Giao dịch khiến tổng sở hữu cả nhóm xuống tăng lên gần 269 triệu cổ phiếu, tương đương 6,013%.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 24/6.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. (Nguồn: Fialda)

Trong khi đó, với sự lao dốc của các cổ phiếu như PHP, PAN, PVS, VGI, MSR hay BSR… nên cả 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index đều kết phiên trong sắc đỏ.

VN-Index may mắn giữ được sắc xanh và cuối phiên nhờ lực đẩy tốt đến từ các cổ phiếu lớn như PDR, LPB, GAS, CTG… Trong đó, CTG tăng 1,3% lên 53.400 đồng/cp. CTG tăng nhờ thông tin ngân hàng này  thông qua 8/7 là ngày đăng ký cuối cùng với cổ đông nhằm phát hành cổ phiếu trả cổ tức. Cụ thể, Ngân hàng sẽ phát hành gần 1,1 tỷ cổ phiếu trả cổ tức 2017 - 2018, tỷ lệ hơn 29%.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 24/6.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. (Nguồn: Fialda)

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bất động sản có đóng góp quan trọng trong việc giữ sắc xanh của VN-Index. Các mã trụ cột như VIC, VHM, VRE, NVL hay PDR đều tăng giá. Trong đó, PDR sau 3 phiên giảm khá sâu, PDR hồi phục và tăng trở lại 3,4% lên 89.000 đồng/cp.

Bên cạnh đó, NVL cũng tăng 2,7% lên 115.000 đồng/cp. Doanh nghiệp này vừa thông báo đã hoàn tất phát hành thêm 5.952.034 cổ phiếu để chuyển đổi trái phiếu 57,5 trái phiếu cho trái chủ là HSBC. Tỷ lệ chuyển đổi 103.513,64 cổ phiếu/trái phiếu. Giá chuyển đổi được xác định là 44.000 đồng/cổ phiếu. Giá chuyển đổi này đã được điều chỉnh tương ứng với mức giảm của cổ phiếu theo Điều khoản chuyển đổi.

Ngoài ra, VIC tăng 0,5% lên 117.500 đồng/cp, VHM tăng 0,7% lên 112.100 đồng/cp còn VRE tăng 1,6% lên 32.000 đồng/cp. Cả 5 cổ phiếu bất động sản lớn nói trên đều nằm trong danh sách 10 cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index phiên 24/6.

Sáng 24/6, VIC tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Tập đoàn đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế giảm 1% trong năm 2021 do nhiều mảng kinh doanh đang trong quá trình đầu tư. Đối với mảng xe ô tô điện, tập đoàn nhắm tới xu hướng chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện. Tập đoàn cũng dự kiến sẽ bán 15.000 - 16.000 xe điện tại Mỹ trong năm sau và dự định bán hàng trăm nghìn xe ô tô điện tại nước này vào năm 2026.

Đối với nhóm bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, sự phân hóa diễn ra rõ nét nhưng sắc đỏ vẫn có phần chiếm ưu thế hơn. Các mã thanh khoản cao như SCR, DRH, ASM, CEO, KDH, IDC, CII… vẫn đồng loạt giảm sâu, trong đó, SCR giảm 4,9%, DRH giảm 4,1%, ASM giảm 2,8%. CEO giảm 1,9%.

Trong khi đó, dù thị trường chung rung lắc nhưng sự khởi sắc vẫn được duy trì trên nhiều mã bất động sản vừa và nhỏ. Trong đó, FIT được kéo lên mức giá trần 15.950 đồng/cp, DXG cũng tăng 2,1% lên 24.200 đồng/cp, FLC tăng 1,8% lên 13.950 đồng/cp.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/6, VN-Index tăng 2,85 điểm (0,21%) lên 1.379,72 điểm. Toàn sàn có 112 mã tăng, 274 mã giảm và 53 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,72 điểm (-0,23%) xuống 315,08 điểm. Toàn sàn có 65 mã tăng, 135 mã giảm và 69 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,36 điểm (-0,4%) xuống 9,68 điểm.

Thanh khoản thị trường tiếp tục giảm so với phiên trước với khối lượng khớp lệnh toàn thị trường chỉ còn 19.500 đồng. FLC và FIT là 2 mã bất động sản đều nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh sàn toàn thị trường với lần lượt 20 triệu cổ phiếu và 16 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 24/6.
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất. (Nguồn: Fialda)

Khối ngoại vẫn giao dịch tích cực khi mua ròng gần 180 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trong đó, VHM, DXG và VRE là 3 cổ phiếu bất động sản được khối ngoại mua ròng mạnh. VHM được mua ròng 83 tỷ đồng. DXG và VRE lần lượt là 59 tỷ đồng và 16 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VIC là mã bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại.

Theo CTCP Chứng khoán MB (MBS), thị trường đang side-way (đi ngang) ở vùng đỉnh cao mới sang phiên thứ 4 liên tiếp, thanh khoản đang trong chiều giảm là tín hiệu đáng chú ý, tuy nhiên, mức dao động ở chỉ số hẹp cho thấy đây có thể là vùng tích lũy để thị trường tạo đà đi lên. Nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò là trụ cột của thị trường nhưng có sự phân hóa ngày càng mạnh mẽ. Về kỹ thuật, xu hướng tăng của thị trường vẫn không thay đổi mặc dù đà tăng sẽ chậm dần do sự phân hóa ở cổ phiếu trước mùa báo cáo bán niên sắp công bố. Mục tiêu ngắn hạn của thị trường ở 1.415 điểm trong khi ngưỡng hỗ trợ ở 1.353 điểm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top