Phiên giao dịch ngày 10/6 chứng kiến những nỗ lực hồi phục bất thành của các chỉ số. Mở cửa phiên với sự thận trọng nhất định, thị trường đã có những rung lắc, trong khi đó lực cầu vẫn tốt và có thời điểm kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu. Tuy nhiên, lực bán vẫn tỏ ra lấn át và gây áp lực rất lớn lên thị trường chung. Phần lớn thời gian của phiên giao dịch là sự giằng co giữa bên mua và bên bán, các chỉ số đều có những đợt trồi sụt liên tục.
Trước áp lực bán có phần áp đảo hơn, các chỉ số đều kết thúc phiên trong sắc đỏ. Nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí biến động tiêu cực và gây ra những áp lực rất lớn lên các chỉ số. Trong đó, PVD giảm sàn về 22.200 đồng/cp sau thông tin công ty này có công nợ hơn 100 tỷ đồng với công ty con của nhà thầu Singapore vừa nộp đơn phá sản.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu như SHB, PVS, BID, MSB, GVR, PLX, HDB… đều đồng loạt giảm sâu.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu chứng khoán và thủy sản biến động tích cực, trong đó, VCI, VHC, FMC, ANV hay ACL đều được kéo lên mức giá trần. Các cổ phiếu trụ cột như VNM, HPG, SAB… cũng tăng giá và giúp nâng đỡ, thu hẹp đà giảm của VN-Index.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, sự phân hóa diễn ra rất mạnh, trong đó các cổ phiếu lớn như VIC, VHM, VRE, THD hay NVL đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, NVL giảm sâu 2,5% xuống 103.600 đồng/cp. VRE cũng giảm 2,8% xuống 30.800 đồng/cp. VIC và VHM đều giảm 1,9% và tác động lớn đến VN-Index theo chiều tiêu cực.
Các cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ thanh khoản cao như DIG, BII, KBC, ITA, HDG, DXG… đều đồng loạt giảm giá. DIG giảm 4,4% xuống 24.700 đồng/cp. KBC giảm 3,4% xuống 33.800 đồng/cp. Đáng chú ý nhất là trường hợp của DXG khi tiếp tục giảm sâu 2,1% xuống 23.600 đồng/cp. Trước đó, DXG đã có đến 2 phiên giảm sàn liên tiếp. Theo thông báo mới đây, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng giám đốc của DXG đã bán 690.000 cổ phiếu DXG từ ngày 3/6 đến 4/6 theo phương thức khớp lệnh. Sau giao dịch, ông Nguyễn Trường Sơn sở hữu 252.247 cổ phiếu, tương đương 0,049% vốn điều lệ. Như vậy, ông Sơn đã hoàn tất bán số cổ phiếu DXG ngay trước khi giá cổ phiếu này lao dốc trong 4 phiên giao dịch vừa qua (trong đó có 2 phiên giảm sàn).
Ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu bất động sản vẫn giữ được sự tích cực bất chấp diễn biến xấu của thị trường chung, trong đó, HDC và SCR còn được kéo lên mức giá trần. Mới đây, SCR có ước tính kết quả kinh doanh quý I/2021 với việc tăng trưởng mạnh bất chấp dịch Covid-19. Trong đó, doanh thu thuần dự kiến đạt gần 750 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hơn 172 tỷ đồng qua việc ghi nhận từ dự án Carillon 7 và thanh hoán tích sản Thanh Đa.
Trong khi đó, HDC mới có thông báo về việc chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%. Ngày chốt vào 29/6.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 9,32 điểm (-0,7%) xuống 1.323,58 điểm. Toàn sàn có 162 mã tăng, 236 mã giảm và 49 mã đứng giá. HNX-Index giảm 5,55 điểm (-1,75%) xuống 311,32 điểm. Toàn sàn có 73 mã tăng, 150 mã giảm và 56 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,08 điểm (-0,09%) xuống 87,17 điểm.
Khối lượng khớp lệnh trên hai sàn HoSE và HNX giảm so với phiên trước đó và thấp hơn mức trung bình 20 phiên với 816 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh đạt 26.746 tỷ đồng. Có đến 4 mã bất động sản nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh là SCR, DXG, FLC và HQC.
Khối ngoại mua ròng trở lại 211 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán phiên 10/6, trong đó, DXG vẫn bị bán ròng mạnh với 156 tỷ đồng. NVL, VIC và CII cũng là các cổ phiếu bất động sản bị khối ngoại bán ròng mạnh. Trong khi đó, VHM là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về giá trị mua ròng của khối ngoại với 27 tỷ đồng.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index điều chỉnh sau khi không thể duy trì sắc xanh trong phiên sáng, với mức thanh khoản suy giảm so với phiên trước và thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy áp lực bán ra là không thực sự mạnh. Điều này mở ra cơ hội hồi phục trong phiên 11/6.
Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index vẫn đang nằm trên các đường trung bình động như MA20 và MA50 cho thấy xu hướng hiện tại chưa có sự thay đổi. Nhưng nếu xét trên góc nhìn sóng elliott thì bức tranh lại tiêu cực hơn khi VN-Index có khả năng đã bước vào sóng điều chỉnh a sau khi sóng tăng 5 đạt đỉnh trong phiên đầu tuần 7/6. Theo đó, phiên cuối tuần sẽ là phiên giao dịch quan trọng để xác nhận nến tuần, từ đó đưa ra nhận định về xu hướng chính xác hơn./.