Aa

Thị trường chứng khoán hồi phục trong phiên 9/6, DXG tiếp tục giảm sàn

Thứ Năm, 10/06/2021 - 07:00

Sau 2 phiên lao dốc, thị trường chứng khoán hồi phục trở lại với sự bứt phá của nhiều cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và dầu khí. DXG tiếp tục giảm sàn bất chấp sự tích cực của thị trường chung.

Sau 2 phiên giảm mạnh, thị trường chứng khoán đã có sự hồi phục nhất định trong phiên 9/6. Khởi đầu với sự thận trọng, nhưng các chỉ số có khoảng thời gian ngắn hồi phục ở đầu phiên. Ngay sau đó, áp lực bán mạnh tiếp tục xuất hiện là có lúc VN-Index tiếp tục giảm đến hơn 11 điểm. Nhiều cổ phiếu lớn tiếp tục giảm sâu và khiến nhiều nhà đầu tư nghĩ đến một phiên lao dốc nữa của thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy nhanh chóng xuất hiện và giúp nhiều cổ phiếu lớn hồi phục, các chỉ số ngay sau đó cũng có sự đảo chiều trở lại. Tuy nhiên, đà hồi phục của thị trường chỉ thực sự diễn ra sau giờ nghỉ trưa. Lực cầu bất ngờ tăng vọt trở lại và giúp nới rộng đáng kể sắc xanh của các chỉ số. VN-Index có lúc tăng đến hơn 19 điểm. Đà hồi phục của thị trường chung diễn ra trong bối cảnh bảng giá của các CTCK đã hiển thị rõ ràng hơn so với các phiên trước, tình trạng nhà đầu tư giao dịch trong trạng thái bị "bịt mặt" không còn diễn ra. Cùng với đó, nhiều công ty chứng khoán mở lại việc hủy và sửa lệnh nên sự hồi phục càng diễn ra mạnh mẽ hơn.

Ba nhóm cổ phiếu bị bán rất mạnh trong 2 phiên lao dốc của TTCK là ngân hàng, chứng khoán và dầu khí đều có sự hồi phục tốt, trong đó ghi nhận rất nhiều mã tăng trần như LPB, VND, VIG, BSI, WSS… Bên cạnh đó, các cổ phiếu trụ cột như FPT, HVN, HPG, MSN, MWG, GVR… cũng đồng loạt tăng giá và góp phần củng cố vững sự hồi phục của các chỉ số.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 9/6
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, sự hồi phục cũng diễn ra ở nhiều cổ phiếu lớn, trong đó, NVL tăng 6% lên 106.300 đồng/cp. Có lúc, NVL còn được kéo lên mức giá trần 107.200 đồng/cp. 9/6 là ngày giao dịch không hưởng quyền để NVL phát hành cổ phiếu thưởng đã được công bố trước đó. Theo đó, công ty chia thưởng bằng cổ phiếu, tỷ lệ 35,68%, mục tiêu nâng vốn điều lệ lên 14.676 tỷ đồng.

Các cái tên như VRE, VHM hay THD cũng đồng loạt tăng giá ở phiên 8/6. Tuy nhiên, VIC, PDR và BCM vẫn kết phiên giao dịch trong sắc đỏ.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 9/6
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, sự tích cực cũng diễn ra với nhiều mã thanh khoản cao, trong đó, SJS được kéo lên mức giá trần 52.700 đồng/cp, ASM tăng 2,3% lên 13.600 đồng/cp, HPX tăng 2,1% lên 52.500 đồng/cp, FLC tăng 2% lên 12.950 đồng/cp.

Dù vậy, sự phân hóa ở nhóm cổ phiếu này là rõ nét khi vẫn còn ghi nhận nhiều mã giảm sâu, trong đó, DXG tiếp tục gây chú ý khi có phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp xuống còn 24.100 đồng/cp. Các mã như SCR, OGC, HAR, ITA… cũng đều chìm trong sắc đỏ.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 13,02 điểm (0,99%) lên 1.332,9 điểm. Toàn sàn có 222 mã tăng, 170 mã giảm và 58 mã đứng giá. HNX-Index tăng 10,48 điểm (3,42%) lên 316,87 điểm. Toàn sàn có 116 mã tăng, 77 mã giảm và 73 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,85 điểm (0,98%) lên 87,25 điểm.

Khối lượng khớp lệnh trên hai sàn niêm yết giảm so với phiên trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên với 920 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh đạt 27.830 tỷ đồng. DXG dẫn đầu về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với 43 triệu cổ phiếu. Một mã bất động sản khác nằm trong danh sách 10 mã khớp lệnh mạnh nhất với 24,5 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 9/6.
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại giao dịch tiêu cực hơn khi đẩy mạnh bán ròng 663 tỷ đồng trên thị trường trong phiên 8/6. DXG tiếp tục bị khối ngoại bán ròng 428 tỷ đồng. NVL, VIC và CII cũng nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại. Trong khi đó, VHM được mua ròng mạnh nhất với 71 tỷ đồng. VRE cũng là cổ phiếu bất động sản được khối ngoại mua ròng mạnh với gần 50 tỷ đồng.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index hồi phục kỹ thuật sau khi test thành công vùng hỗ trợ ngắn hạn trong khoảng 1.300 - 1.310 điểm (MA20). Tuy nhiên, thanh khoản là chưa thực sự thuyết phục và mức tăng của chỉ số cũng là khá yếu khi chưa bằng 50% của mức giảm phiên trước đó. Điều này thể hiện việc lực cầu bắt đáy là chưa thực sự thuyết phục. Trên góc nhìn kỹ thuật, các đường trung bình động vẫn đang hỗ trợ tốt cho chỉ số nhưng nếu xét trên góc nhìn sóng elliott thì bức tranh lại là tiêu cực hơn khi VN-Index có khả năng đã bước vào sóng điều chỉnh a sau khi sóng tăng 5 đạt đỉnh trong phiên đầu tuần 7/6. Theo đó, sẽ cần thêm thời gian để quan sát thị trường nhằm xác nhận xu hướng một cách chính xác hơn. Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 10/6, thị trường có thể sẽ rung lắc tại vùng giá hiện tại./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top