Thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào phiên giao dịch ngày 7/6 với tâm lý rất thận trọng của nhà đầu tư. Trước đó vào cuối ngày thứ Sáu (4/6), ông Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có phát biểu với báo giới và nhận định mặt bằng giá chứng khoán đã lên cao cũng tạo ra những rủi ro khi thị trường điều chỉnh.
Ngay từ đầu phiên giao dịch ngày 7/6, áp lực chốt lời mạnh đã xuất hiện ở những nhóm cổ phiếu tăng “nóng” thời gian qua mà đặc biệt là ngân hàng và chứng khoán. Với việc đa số các cổ phiếu “vua” (ngân hàng) đồng loạt giảm sâu đã tác động rất lớn đến diễn biến của các chỉ số. Trong đó, SHB giảm đến 7,7%, LPB giảm 6%, ACB giảm 5,1%, MSB giảm 4,9%, TPB giảm 4,6%...
VN-Index có lúc giảm gần 27 điểm và nhiều cổ phiếu ngân hàng cũng như chứng khoán bị kéo xuống mức giá sàn. Dù vậy, lực cầu bắt đáy đôi lúc cũng tỏ ra khá mạnh và giúp VN-Index hồi phục lại đáng kể.
Chiều ngược lại, một số cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn giữ được sắc xanh và góp phần kìm hãm đáng kể đà giảm của các chỉ số. Trong đó, GVR tăng 5% lên 31.400 đồng/cp, PVD tăng 4,7% lên 25.400 đồng/cp, VJC tăng 4,1% lên 111.800 đồng/cp, BVH tăng 2,6% lên 15.600 đồng/cp.
Nhóm cổ phiếu bất động sản ghi nhận sự phân hóa nhưng nhiều cổ phiếu trong nhóm này vẫn có sự bứt phá và góp phần lớn trong việc nâng đỡ các chỉ số, trong đó, VRE tăng 3,6% lên 33.350 đồng/cp, PDR tăng 1,8% lên 83.300 đồng/cp, VIC tăng 1,7% lên 123.000 đồng/cp, VHM tăng 1,4% lên 106.000 đồng/cp.
Bên cạnh đó, nhiều mã bất động sản thanh khoản cao như IDJ, SCR, CEO, CCL, ITA, IDC… đồng loạt bứt phá bất chấp diễn biến tiêu cực của thị trường chung. IDJ tăng 9% lên 15.800 đồng/cp, SCR tăng trần lên mức 10.450 đồng/cp, CEO tăng 4,6% lên 11.300 đồng/cp, ITA tăng 3,4% lên 7.700 đồng/cp.
Chiều ngược lại, rất nhiều cổ phiếu thuộc nhóm ngành này đã lao dốc, trong đó, FLC giảm 5,9% xuống 13.450 đồng/cp, AMD giảm 4,6% xuống 5.550 đồng/cp, DXG giảm 4,2% xuống 27.600 đồng/cp, IJC giảm 32.900 đồng/cp, NLG giảm 4% xuống 38.600 đồng/cp. NVL giảm 0,9% xuống 138.600 đồng/cp. HĐQT NVL công bố xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc tiếp tục phát hành cổ phiếu thưởng lần thứ 2 trong năm nay và chia cổ tức bằng cổ phiếu. Tỷ lệ tối đa phát hành cổ phiếu thưởng là 29% và chia cổ tức là 31%. Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách lấy ý kiến cổ đông vào 29/6. Ngày 10/6 tới đây sẽ là ngày đăng ký cuối cùng và 9/6 là ngày giao dịch không hưởng quyền để NVL phát hành cổ phiếu thưởng đã được công bố trước đó. Theo đó, NVl sẽ chia thưởng bằng cổ phiếu, tỷ lệ 35,68%, mục tiêu nâng vốn điều lệ lên 14.676 tỷ đồng.
Chốt phiên, VN-Index giảm 15,27 điểm (-1,11%) xuống 1.358,78 điểm. Toàn sàn có 157 mã tăng 265 mã giảm và 37 mã đứng giá. HNX-Index giảm 11,13 điểm (-3,38%) xuống 318,63 điểm. Toàn sàn có 102 mã giảm và 119 mã giảm và 70 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 1,53 điểm (-1,69%) xuống 89,06 điểm.
Khối lượng khớp lệnh trên hai sàn suy giảm so với phiên trước đó nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên với 1.064 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh đạt 32.999 tỷ đồng. FLC vẫn là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với 31,8 triệu đơn vị.
Khối ngoại vẫn duy trì trạng thái bán ròng với 636 tỷ đồng. Trong đó, hai mã bất động sản nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại là VIC và DXG. Chiều ngược lại, 2 mã bất động sản là VRE và NVL đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại với lần lượt 157 tỷ đồng và 95 tỷ đồng. Một cổ phiếu bất động sản khác cũng được khối ngoại mua ròng mạnh là VHM với 46 tỷ đồng.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index điều chỉnh trở lại sau chuỗi 6 phiên tăng điểm liên tiếp với thanh khoản tiếp tục ở mức cao cho thấy áp lực bán ra là tương đối mạnh. Tuy nhiên, nếu xét trên góc nhìn xu hướng thị trường dựa vào các đường trung bình thì VN-Index vẫn đang nằm trên lần lượt các đường MA20 và MA50 cho thấy xu hướng vẫn chưa có gì thay đổi và phiên giảm này chỉ là một phiên trao đổi kỳ vọng giữa các nhà đầu tư với nhau. Và nếu xét trên góc nhìn sóng elliott thì ngưỡng 1.400 điểm mới thực sự là một kháng cự mạnh của sóng tăng 5 hiện tại. Theo đó, trong phiên giao dịch tiếp theo 8/6, thị trường có thể sẽ tiếp tục giằng co và rung lắc ở vùng giá hiện tại.