Aa

Cổ phiếu BĐS phân hóa trong phiên 6/5, NVL nối dài chuỗi tăng giá

Thứ Sáu, 07/05/2021 - 06:00

VN-Index diễn biến giằng co rung lắc với những nhịp tăng giảm điểm đan xen trước sự phân hóa ở nhóm cổ phiếu lớn. Các cổ phiếu bất động sản cũng đi theo xu hướng chung và phân hóa mạnh.

Thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa phiên giao dịch ngày 6/5 với sự thận trọng đáng kể và điều này khiến chỉ số chính VN-Index bị rung lắc. Diễn biến chủ đạo của chỉ số này là giằng co rung lắc với các nhịp tăng, giảm điểm đan xen. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có sự phân hóa mạnh và gây ra trạng thái giằng co của chỉ số này. Trong khi đó, HNX-Index và UPCoM-Index không chịu ảnh hưởng quá mạnh từ tình trạng trên khi tăng điểm ở hầu hết thời gian của phiên, tuy nhiên, đà tăng của 2 chỉ số này bị thu hẹp đáng kể trước áp lực bán cũng tương đối mạnh.

Các cổ phiếu trụ cột như SAB, VNM, PVS, SSI, VJC, VCB, TPB, BID, ACB… đều đồng loạt giảm khá sâu và gây ra tâm lý không tốt đến nhà đầu tư. SAB giảm manh 2,7% xuống 156.000 đồng/cp. VNM tiếp tục khiến nhiều nhà đầu tư phải “ngán ngẩm” khi giảm 2,6% xuống 89.600 đồng/cp. Như vậy, VNM đã giảm đến gần 23% kể từ phiên 12/1/2021. Bên cạnh đó, VCB cũng giảm 1,9% xuống 99.300 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 6/5.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu như VIB, SSB, TCB, SHB, VPB… đồng loạt bứt phá và góp phần nâng đỡ thị trường chung. Trong đó, SHB tăng đến 2,1% lên 24.500 đồng/cp và là nhân tố quan trọng giúp HNX-Index giữ được sắc xanh. 6/5 là ngày giao dịch không hưởng quyền để SHB trả cổ tức năm 2019, tỷ lệ 10% bằng cổ phiếu.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, sự phân hóa diễn ra khá mạnh. Đối với các mã vốn hóa lớn, NVL giữ được sắc xanh khi tăng 2% lên 135.700 đồng/cp. Như vậy, NVL đã tăng 7 phiên liên tiếp từ 107.000 đồng/cp lên thành 135.700 đồng/cp, tương ứng mức tăng 26,8%. Ngày 6/5, NVL đã thực hiện niêm yết bổ sung gần 77,6 triệu cổ phiếu qua đó tăng vốn điều lệ lên thành 10.686 tỷ đồng, đây là lượng cổ phiếu được phát hành cho cổ đông hiện hữu vào tháng 3 vừa qua với giá 59.200 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 6/5.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Bên cạnh đó, THD cũng tăng trong phiên 6/5 nhưng mức tăng khá khiêm tốn với chỉ 0,2% lên 188.000 đồng/cp, đây cũng là phiên tăng điểm thứ 6 liên tiếp của cổ phiếu này với mức tăng đều chỉ dưới 1%.

Trong khi đó cả 3 cổ phiếu họ Vingroup đều giảm giá và phần nào tạo ra áp lực lớn lên VN-Index. VIC giảm 0,9% xuống 132.500 đồng/cp, VHM giảm 0,9% xuống 98.700 đồng/cp, VRE giảm 1,3% xuống 31.200 đồng/cp.

Còn đối với nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, HQC giảm sâu 5,6% xuống 3.540 đồng/cp. Mới đây, cổ đông lớn của HQC – Ông Lê Văn Lợi thông báo đã thoái hơn 49 triệu cổ phiếu HQC trong vòng vỏn vẹn 3 ngày giao dịch từ ngày 26 - 28/4. Sau giao dịch, ông Lợi chỉ còn nắm 90 cổ phiếu HQC và chính thức không còn là cổ đông lớn của công ty.

Các cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao khác như DRH, BII, CEO, FIT, VPI, IDV… đều giảm sâu. Trong khi đó, nhóm tăng giá vẫn có khá nhiều cổ phiếu thanh khoản cao. CRE tăng 5,6% lên 41.600 đồng/cp, ITA tăng 1,6% lên 7.470 đồng/cp, FLC tăng 1,3% lên 11.300 đồng/cp, có thời điểm trong phiên, FLC được kéo lên mức giá trần 11.900 đồng/cp nhưng không giữ được mốc này khi kết phiên.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 5,86 điểm (-0,47%) xuống 1.250,57 điểm. Toàn sàn có 148 mã tăng, 262 mã giảm và 48 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,16 điểm (0,06%) lên 281,09 điểm. Toàn sàn có 92 mã tăng, 132 mã giảm và 41 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,52 điểm (0,64%) lên 81,18 điểm.

Khối lượng khớp lệnh trên 2 sàn niêm yết giảm nhẹ so với phiên trước đó và tiếp tục thấp hơn mức trung bình 20 phiên với 785 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị giao dịch đạt 20.023 tỷ đồng. FLC là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với 40,2 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 6/5.
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng lên đến 1.130 tỷ đồng, trong đó, KBC và VRE là 2 mã nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại với lần lượt 102 tỷ đồng và 35 tỷ đồng. Trong khi đó, NVL tiếp tục được khối ngoại mua ròng mạnh với 51 tỷ đồng, đây cũng là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong danh sách bán ròng mạnh của khối ngoại.

Theo CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VN-Index dự báo sẽ có diễn biến giằng co với các nhịp tăng giảm đan xen trong biên độ hẹp trong phiên cuối tuần. Về tổng thể, với việc kiểm định thành công vùng hỗ trợ quanh 1.200 điểm trong tuần cuối tháng 4, thị trường có khả năng sẽ hình thành giai đoạn biến động đi ngang tích lũy để tạo nền giá mới trên mốc 1.200 điểm trong ngắn hạn. Vùng 1.268 - 1.275 điểm vẫn là vùng cản mạnh mà chỉ số cần phải vượt qua nếu muốn xác lại lại xu thế tăng điểm trong ngắn hạn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top