Thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5 biến động mạnh. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong nước, tâm lý nhà đầu tư chứng khoán chịu ảnh hưởng nặng nề. Bên cạnh đó, tâm lý “Sell in May” cũng tác động phần nào đến quyết định của nhà đầu tư. Ngay từ đầu phiên giao dịch, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã lao dốc và điều này khiến các chỉ số giảm sâu. VN-Index có lúc giảm đến gần 27 điểm trước áp lực bán rất mạnh ở nhóm vốn hóa lớn.
Cung cầu có sự tranh chấp và giằng co khi VN-Index giảm sâu, chỉ số này sau đó có những đợt giảm và hồi phục đan xen. Tuy nhiên càng về cuối giờ giao dịch, lực cầu tăng mạnh lên đã giúp VN-Index hồi phục đáng kể trở lại và chỉ số này kết thúc phiên trong sắc xanh nhẹ. Trong khi đó, HNX-Index và UPCoM-Index đều duy trì ở dưới mốc tham chiếu trong toàn bộ thời gian của phiên giao dịch.
Tâm điểm của thị trường trong phiên 4/5 là các cổ phiếu ngân hàng như TCB, CTG, MBB, TPB… khi tăng giá rất mạnh và là động lực lớn giúp VN-Index hồi phục. TCB tăng 5,9%, CTG tăng 5,4%, MBB tăng 3%. Hai “ông lớn” ngành thép là HPG và HSG cũng biến động hết sức tích cực. HPG tăng 2,9% lên 59.800 đồng/cp và vượt qua VNM để trở thành cổ phiếu có vốn hóa lớn thứ 4 sàn chứng khoán Việt Nam sau VIC, VCB và VHM.
VIC cũng là cái tên quan trọng trong việc giúp VN-Index kết phiên trong sắc xanh. Chốt phiên, VIC tăng 2% lên 133.600 đồng/cp, có thời điểm cổ phiếu này bị bán xuống mức 126.900 đồng/cp.
Ở chiều ngược lại, hàng loạt cổ phiếu lớn giảm giá sâu trong phiên 4/5, trong đó, HVN giảm 5,9% xuống 27.300 đồng/cp sau khi công bố BCTC quý I với kết quả rất tiêu cực. Công ty này lỗ ròng kỷ lục 4.975 tỷ đồng, qua đó nâng lỗ lũy kế lên 14.219 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ.
Hai cổ phiếu lớn trong nhóm bất động sản là VHM và VRE đều giảm giá. VHM giảm nhẹ 0,1% xuống 99.200 đồng/cp, còn VRE giảm 2,2% xuống 31.300 đồng/cp.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, sắc đỏ áp đảo hơn tuy nhiên, một số cổ phiếu vốn hóa vừa (midcap) như NLG, KDH, PDR hay TCH đều biến động tích cực. Trong đó, NLG tăng đến 6,1% lên 38.500 đồng/cp, KDH tăng 5,1% lên 36.950 đồng/cp, PDR tăng 4% lên 73.000 đồng/cp, còn TCH tăng 3,9% lên 22.550 đồng/cp.
Chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu bất động sản lao dốc mạnh, trong đó, HQC, HAR, TNT hay PVL đều bị kéo xuống mức giá sàn. Bên cạnh đó, FLC cũng giảm 5,4% xuống 10.450 đồng/cp, BII giảm 5,4% xuống 8.700 đồng/cp, ASM giảm 5,2% xuống 13.550 đồng/cp.
Kết thúc phiên giao dịch, Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,81 điểm (0,23%) lên 1.242,2 điểm. Toàn sàn có 154 mã tăng, 263 mã giảm và 35 mã đứng giá. HNX-Index giảm 4,04 điểm (-1,43%) xuống 277,71 điểm. Toàn sàn có 76 mã tăng, 164 mã giảm và 33 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,82 điểm (-1,02%) xuống 79,82 điểm.
Thanh khoản khớp lệnh trên hai sàn niêm yết tăng so với phiên trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 20.607 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch 813 triệu cổ phiếu. FLC và HQC là 2 mã bất động sản lọt vào top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với lần lượt 37,2 triệu cổ phiếu và 24 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại bán ròng khoảng 700 tỷ đồng trên toàn thị trường trong phiên 4/5, trong đó, KBC, VRE, KDH và NLG là các cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại. Chiều ngược lại, NVL tiếp tục được mua ròng mạnh với 75 tỷ đồng. PDR, VIC và VHM cũng là các mã bất động sản nằm trong danh sách mua ròng mạnh của khối ngoại.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index có phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp, qua đó giúp chỉ số này lấy lại ngưỡng 1.240 điểm (MA20). Mặc dù thanh khoản đã có sự cải thiện so với các phiên trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên một chút cho thấy lực cầu mua lên là không thực sự mạnh, thị trường tăng một phần nhờ sự tiết cung.
Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index vẫn đang nằm trong sóng điều chỉnh a với target gần nhất quanh ngưỡng 1.140 điểm (fibonacci retracement 50% sóng tăng 5). Và thị trường có lẽ sẽ tiếp tục quá trình đi xuống để hoàn thành sóng điều chỉnh a trong tháng 5/2021. Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 5/2021 thấp hơn hơn VN30 hơn 8 điểm cho thấy các trader kỳ vọng thị trường sẽ sớm giảm trở lại. Trong phiên giao dịch tiếp theo ngày 5/5, thị trường có thể giảm về các ngưỡng hỗ trợ thấp hơn.