Thị trường chứng khoán trong tuần giao dịch từ 20-24/7 đi theo chiều hướng tiêu cực. Thị trường liên tục phải trải qua những nhịp rung lắc mạnh trong phần lớn thời gian giao dịch của thị trường trong tuần qua. Trong lúc tâm lý nhà đầu tư còn khá yếu, thị trường lại đón nhận thông tin không vui từ việc một ca mắc Covid-19 xuất hiện hôm thứ Sáu, chính điều này đã kích hoạt sự hoảng loạn của nhà đầu tư và đẩy thị trường chứng khoán rơi vào trạng thái bị bán tháo phiên 24/7.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đứng ở mức 829,16 điểm, tương ứng giảm 42,86 điểm (-4,92%) so với tuần trước đó. HNX-Index giảm 7,482 điểm (-6,4%) xuống 109,33 điểm.
Thanh khoản gia tăng so với tuần trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng 5.300 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 18,8% lên 24.089 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 23,7% lên 1,5 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 21,4% lên 2.433 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 33,3% lên 239 triệu cổ phiếu.
Đa số các nhóm ngành cổ phiếu đều giảm trong tuần giao dịch vừa qua. Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, thống kê 112 mã đang niêm yết và đăng ký giao dịch trên UPCoM thì có đến 71 mã giảm giá, trong khi chỉ có 23 mã tăng giá.
Cổ phiếu bất động sản gây sự chú ý lớn nhất cho nhà đầu tư trong tuần giao dịch vừa qua là VRE của Vincom Retail. Bất chấp đa số các cổ phiếu bất động sản đều diễn biến tiêu cực thì VRE lại tăng giá 4,1% từ 26.850 đồng/cp lên 27.950 đồng/cp.
Trong khi đó có 5 cổ phiếu bất động sản tăng giá trên 10% ở tuần giao dịch từ 20-24/7 gồm SGR của Địa ốc Sài Gòn, PVR của Đầu tư PVR Hà Nội, LHG của KCN Long Hậu, PTL của Petroland, LEC của BĐS Điện lực Miền Trung và TLD của ĐT XD và PT Đô thị Thăng Long. LHG là cổ phiếu đáng chú ý nhất trong số này khi có thanh khoản luôn duy trì ở mức cao. Động lực giúp LHG đi ngược xu hướng chung đến từ KQKD quý II của doanh nghiệp này là khá tốt.
Cụ thể, doanh thu thuần quý II/2020 đạt 181,2 tỷ đồng tăng 68% so với cùng kỳ. Công ty lãi ròng 43,7 tỷ đồng tăng 81% so với quý II/2019. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận sau thuế của LHG là 122,5 tỷ đồng, theo đó kết thúc nửa đầu năm 2020 LHG đã hoàn thành được 42% mục tiêu về doanh thu và 87% mục tiêu về lợi nhuận.
Chiều ngược lại, có đến 20 mã bất động sản giảm giá trên 10% chỉ sau một tuần giao dịch, trong đó, PPI của BĐS Thái Bình Dương giảm mạnh nhất với 16,7%, tuy nhiên, thị giá của PPI chỉ ở mức 500 đồng/cp.
Bên cạnh đó, các cái tên có yếu tố thị trường cao như DXG của Địa ốc Đất Xanh, AMD của FLC Stone, FLC của Tập đoàn FLC, HQC của Địa ốc Hoàng Quân… cũng giảm rất sâu. DXG giảm 15% từ 11.150 đồng/cp xuống 9.440 đồng/cp. Việc DXG giảm sâu đến từ việc công ty này công bố kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Theo đó, quý II/2020, công ty này lỗ ròng 29,4 tỷ đồng, đây cũng là quý lỗ đầu tiên kể từ quý IV/2016 của doanh nghiệp này.
Tương tự, AMD và FLC giảm lần lượt 13,9% và 13,5% chỉ sau một tuần giao dịch. HQC giảm 13,3%, CLG giảm 11,6%, LDG giảm 11,2%...
Khối ngoại gom VRE và NLG, tập trung bán DXG
Khối ngoại diễn biến tiêu cực trong tuần từ 20-24/7 khi bán ròng hơn 531 tỷ đồng trên cả 3 sàn, tăng 78,62% so với tuần trước. Riêng sàn HoSE, khối ngoại bán ròng với gần 516 tỷ đồng. Các cổ phiếu bất động sản bị khối ngoại bán ròng mạnh trong tuần qua có DXG, VHM, CII và NVL, trong đó, DXG bị bán ròng lên đến hơn 112 tỷ đòng. VHM cũng bị bán ròng gần 73 tỷ đồng. CII Và NVL bị bán ròng lần lượt 30 tỷ đồng và 23 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VRE đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại với 88 tỷ đồng. Trong top 10 mã được khối ngoại mua ròng mạnh nhất còn có cổ phiếu bất động sản là NLG với 55 tỷ đồng.