Việc tạm ngừng phiên chiều 1/6 dường như ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý nhà đầu tư. Ngoài ra, thông tin từ một số công ty chứng khoán gửi đi ngay trước phiên giao dịch về việc chặn hủy/sửa lệnh ở một số thời điểm cũng được cho là gây nên những khó khăn khi giao dịch cho nhà đầu tư.
Chính sự thận trọng của nhà đầu tư đã khiến các chỉ số biến động giằng co phân hóa với những đợt tăng, giảm điểm đan xen.
Nhờ lực đẩy của một số cổ phiếu trụ cột vào cuối phiên nên các chỉ số đều đóng cửa trong sắc xanh. Trong đó, LPB và HVN gây chú ý khi được kéo lên mức giá trần. Động lực tăng chính của LPB đến từ việc Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Thụy ("Bầu" Thụy - PV) đăng ký mua 32,54 triệu cổ phiếu LPB, dự kiến nâng sở hữu từ 1,895% lên 4,92%, tương đương hơn 52,9 triệu cổ phiếu. Thời gian thực hiện dự kiến từ 8/6 đến 8/7, theo hình thức thỏa thuận và khớp lệnh.
Bên cạnh đó, hàng loạt cổ phiếu lớn khác như ACB, SSI, GAS, PVS, KDC, VCB... tăng giá mạnh và giúp nâng đỡ thị trường chung. ACB tăng 5,9%, SSI tăng 5,3%, GAS tăng 4,4%. Mới đây, ACB thông báo 11/6 là ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu tỷ lệ 25%. Trước đó, ngân hàng đã được chấp thuận cho tăng vốn bằng hình thức phát hành 540 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ 25%.
Như vậy, nhiều cổ phiếu lớn giảm sâu đợt vừa qua tiếp tục đi lên trong phiên 2/6; trong khi đó, những cổ phiếu tăng khá mạnh thời gian gần đây lại tiếp tục điều chỉnh. HPG giảm đến 2,7% xuống 54.000 đồng/cp và khớp lệnh đến 40 triệu cổ phiếu. HPG tiếp tục bị khối ngoại bán ròng 960 tỷ đồng trong phiên 2/6.
Bên cạnh đó, GVR giảm 1,8% xuống 27.850 đồng/cp, FPT giảm 1,8% xuống 85.500 đồng/cp, MSN giảm 1,2% xuống 105.700 đồng/cp.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, sự phân hóa mạnh vẫn diễn ra. Đối với các mã vốn hóa lớn thuộc nhóm này, VIC, VRE và BCM giảm khá sâu, tạo áp lực rất mạnh lên VN-Index. Trong đó, VIC giảm 2,1%, VRE giảm 2% còn BCM giảm 1,1%. Chiều ngược lại, NVL tăng mạnh 2,7% lên 139.400 đồng/cp. Ngày 2/6, NVL thực hiện niêm yết bổ sung hơn 7 triệu cổ phiếu - đây là lượng cổ phiếu phát hành do thực hiện chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi quốc tế của đơn vị này.
3 mã PDR, THD và VHM đều giữ được sắc xanh trong phiên 2/6. Trong đó, PDR tăng mạnh nhất với 1,7%.
Tại nhóm bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, một số cổ phiếu thanh khoản cao tăng rất mạnh, trong đó, FLC và ITA gây bất ngờ khi được kéo lên mức giá trần. Mới đây, HBC công bố thông tin về việc giải quyết tranh chấp với FLC liên quan đến hợp đồng thi công xây dựng công trình vào tháng 10/2014 và tháng 12/2014. Kết quả đến nay, trên tinh thần tự nguyện, HBC và FLC đã đạt được thoả thuận giải quyết toàn bộ vụ việc. Theo đó, FLC cam kết sẽ thanh toán đầy đủ số tiền được các bên thống nhất trong thời gian 2 tháng. Việc thanh toán được hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/7/2021. Ngày 28/5 vừa qua, HĐXX Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã ban hành Bản án phúc thẩm để công nhận sự thoả thuận nêu trên của HBC và FLC.
Một số cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao tăng giá mạnh còn có IDC, HAR, LDG, TDH, TIG... Trong khi đó, các cổ phiếu khác như DIG, SCR, HPX, IDJ, LDH… đều chìm trong sắc đỏ.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 3 điểm (0,22%) lên 1.340,78 điểm. Toàn sàn có 228 mã tăng, 187 mã giảm và 49 mã đứng giá. HNX-Index tăng 3,58 điểm (1,12%) lên 322,05 điểm. Toàn sàn có 122 mã tăng, 79 mã giảm và 80 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,52 điểm (0,59%) lên 89,39 điểm.
Khối lượng khớp lệnh trên hai sàn niêm yết tăng so với phiên trước đó và cao hơn mức trung bình 20 phiên với 932 triệu cổ phiếu tương ứng với giá trị khớp lệnh đạt 28.449 tỷ đồng. FLC đứng đầu danh sách khớp lệnh toàn thị trường với 59,5 triệu cổ phiếu. FLC cũng là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường.
Khối ngoại giao dịch tiêu cực khi bán ròng lên đến 1.250 tỷ đồng. Trong đó, khối ngoại bán ròng rất mạnh mã HPG với 958 tỷ đồng. Các cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại có VIC và NVL. Trong khi đó, KDH là mã bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về giá trị mua ròng của khối ngoại với 24 tỷ đồng.
Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index tăng điểm trong phiên thứ tư liên tiếp với mức tăng đang bị thu hẹp dần qua các phiên. Thanh khoản lập kỷ lục mới với gần 28.500 tỷ đồng khớp lệnh trên cả hai sàn cho thấy dòng tiền vẫn đang đổ vào thị trường và áp lực chốt lời là thực sự mạnh.
Trên góc độ sóng elliott, sóng tăng 5 trong kịch bản tích cực đã đạt tới target quanh ngưỡng 1.325 điểm, thậm chí trong 2 phiên gần đây, VN-Index đã có lúc vượt lên quanh ngưỡng 1.345 điểm rồi xuất hiện áp lực bán mạnh. Theo đó, trong phiên giao dịch 3/6, thị trường có thể sẽ tiếp tục giằng co và rung lắc trong vùng giá hiện tại khi áp lực bán dần gia tăng./.