Aa

TTCK tiếp tục tạo nên kỷ lục nhưng nhóm BĐS vẫn phân hóa trong phiên 31/5

Thứ Ba, 01/06/2021 - 06:00

Thị trường chứng khoán tiếp tục đi lên trong phiên 31/5 với giá trị khớp lệnh lập kỷ lục. Nhóm cổ phiếu bất động sản biến động phân hóa bất chấp sự bùng nổ của thị trường chung.

Phiên giao dịch ngày 31/5 chứng kiến hàng loạt kỷ lục được thiết lập. Theo đó, VN-Index tiếp tục leo lên mức cao mới khi chốt phiên ở 1.328,05 điểm, tương ứng tăng 7,59 điểm (0,57%) so với phiên trước. Bên cạnh đó, HNX-Index cũng tăng mạnh 7,39 điểm (2,38%) lên 317,85 điểm. Tương tự, UPCoM-Index cũng tăng 2,66 điểm (3,09%) lên 88,77 điểm.

Dòng tiền dồn dập vào thị trường cũng giúp tạo nên kỷ lục về thanh khoản. Giá trị khớp lệnh trên toàn thị trường nói chung và từng sàn HoSE, HNX và UPCoM nói riêng đều đạt mức kỷ lục. Tổng giá trị khớp lệnh phiên 31/5 ở mức 30.000 tỷ đồng. Trong đó, sàn HoSE khớp lệnh 23.840 tỷ đồng, HNX là 4.360 tỷ đồng, còn UPCoM là 1.898 tỷ đồng.

Về diễn biến của phiên 31/5, tương tự các phiên trước, thị trường khởi động thận trọng, các chỉ số biến động giằng co và có lúc giảm sâu trước áp lực chốt lời rất mạnh. Tuy nhiên, sự đảo chiều ngoạn mục đã diễn ra bất chấp việc VN-Index có lúc giảm đến gần 13 điểm.

Dòng tiền đổ vào thị trường rất mạnh nhưng có sự phân hóa, tập trung mạnh vào nhiều cổ phiếu thuộc nhóm ngành chứng khoán, ngân hàng và thép. Trong đó, nhóm chứng khoán có sự nổi trội nhất khi ghi nhận nhiều mã tăng trần. 

Tương tự, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng chứng khiến đà tăng của nhiều cổ phiếu “nóng” đợt vừa qua như LPB, BVB, VBB... đồng loạt được kéo lên mức giá trần.

Đối với ngành thép, HPG gây chú ý nhất khi được kéo lên mức giá trần trong phiên giao dịch không hưởng quyền để thực hiện trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 5% và bằng cổ phiếu tỷ lệ 35%. Các cổ phiếu thép khác như DTL, HSG, NKG, TVN... cũng đồng loạt bứt phá.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 31/5.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, giao dịch không được tích cực như các nhóm ngành nói trên. Thay vào đó, sự phân hóa tiếp tục diễn ra mạnh, thậm chí sắc đỏ có phần nhỉnh hơn. Các mã thanh khoản cao như VRE, SCR, ITA, VIC, VHM, LDG... đồng loạt giảm sâu. Trong đó, VRE giảm đến 3,8%, VIC và VHM đều giảm 1,9%. Việc 3 cổ phiếu họ Vingroup giảm sâu là nguyên nhân chính kìm hãm đà tăng của VN-Index.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 31/5.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

TCH của CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy giảm 0,9% xuống 22.300 đồng/cp. Mới đây, TCH thông báo sẽ không thực hiện giao dịch mua cổ phiếu HHS của CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy theo thông báo trước đó. Vào giữa tháng 5, TCH công bố việc đăng ký mua 14,8 triệu cổ phiếu HHS từ ngày 20/5 đến 18/6. Phương thức giao dịch là khớp lệnh hoặc thỏa thuận qua sàn. Nếu giao dịch thành công, TCH sẽ nâng sở hữu HHS từ 125,5 triệu cổ phiếu lên 140,3 triệu cổ phiếu, tỷ lệ tăng từ 45,67% lên 51,06% vốn. Nguyên nhân được doanh nghiệp cho biết là do căn cứ giao dịch về việc miễn trừ chào mua công khai cổ phiếu HHS đối với TCH tại thông báo là chưa phù hợp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến UPCoM-Index phiên 31/5
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến UPCoM-Index. Nguồn: Fialda.

Ở hướng ngược lại, vẫn còn nhiều cổ phiếu bất động sản hút dòng tiền tốt và tăng mạnh như trường hợp của FIT, cổ phiếu này được kéo lên mức giá trần 15.150 đồng/cp. Bên cạnh đó, NTC cũng tăng đến 7,5%, CEO tăng 6,3%, ASM tăng 6,2%, DXG tăng 3,3%. Các mã thanh khoản cao như HPX, IDC, HDC... cũng đua nhau tăng giá mạnh.

Giao dịch ở nhóm bất động sản dù diễn ra sôi động nhưng không có cổ phiếu nào lọt top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường. Trong danh sách này đa phần là các cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng. Trong khi đó, FLC khớp lệnh gần 14 triệu cổ phiếu và đứng thứ 12 toàn thị trường.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 31/5.
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại bán ròng đột biến gần 1.700 tỷ đồng trong phiên 31/5 và tập trung bán mạnh các mã như HPG, MBB hay VCB. VHM và VRE là 2 mã bất động sản nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại với lần lượt 65 tỷ đồng và 45 tỷ đồng. Trong khi đó, NVL được khối ngoại mua ròng 42 tỷ đồng. DXG, KDH, SZC và LHG cũng lọt top mua ròng mạnh của khối ngoại trong phiên 31/5.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index tăng điểm trong phiên đầu tuần với giá khớp lệnh lập kỷ lục, điều này thể hiện dòng tiền lớn vẫn đang đổ vào thị trường và tâm lý của nhà đầu tư khá hưng phấn. Điểm tiêu cực hiện tại là việc thị trường phân hoá sâu sắc với số ít cổ phiếu tăng trong khi phần lớn thì đi ngang hoặc giảm dẫn đến việc tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn là khá khó khăn.

Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index kết phiên ngay trên target của sóng 5 theo kịch bản tích cực trong khoảng 1.320 - 1.325 điểm (fibonacci retracement 161,8% sóng điều chỉnh 4) nên về lý thuyết, khả năng giằng co và rung lắc quanh vùng giá hiện tại trong trong phiên giao dịch tiếp theo (1/6) được đánh giá cao hơn khi áp lực bán dần gia tăng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top