Aa

Cổ phiếu đại gia nhà thầu "phất" như diều gặp gió

Thứ Bảy, 07/01/2017 - 07:00

Năm 2016 là năm mà nhiều công ty kinh doanh trong lĩnh vực thầu xây dựng gây ấn tượng trên sàn giao dịch chứng khoán khi báo lãi vượt kế hoạch năm, liên tục nhận công trình thầu giá trị lớn, cổ phiếu bán “chạy như tôm tươi”…

Theo giới đầu tư, diễn biến tốt của nhiều cổ phiếu ngành xây dựng là dấu hiệu cho thấy thị trường xây dựng, bất động sản đang phục hồi mạnh mẽ. Qua sàng lọc từ thực trạng đóng băng hơn 5 năm qua của thị trường xây dựng – bất động sản, nhiều doanh nghiệp xây dựng vừa và nhỏ trong nước đã phải nói lời chia tay vì năng lực yếu kém. Những doanh nghiệp trụ lại được với "sân chơi" đến giờ phút này chủ yếu có tiềm lực và đang tạo dựng hướng đi khác biệt. Tình hình hoạt động kinh doanh của một số nhà thầu lớn đầy hứa hẹn trên thị trường xây dựng Việt Nam cũng như trên thị trường chứng khoán đã minh chứng cho điều này.

CTD phát hành cổ phiếu trong tâm thế “kén chọn người mua”

Dẫn đầu trong nhóm ngành xây dựng hiện nay trên thị trường chứng khoán có thể kể đến Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (mã CTD - HOSE). CTD khiến giới đầu tư “lác mắt” trong đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược với mức giá phát hành bình quân đạt hơn 153.000 đồng/CP. So với thời điểm phát hành thì ở quý IV/2016, cổ phiếu CTD đã đạt mức giá cao kỷ lục trên thị trường.

Đáng chú ý, đối tác chiến lược CTD lựa chọn chủ yếu là các quỹ đầu tư danh tiếng, trong đó VinaCapital và DragonCapital, quỹ đầu tư SSIAM là 3 trong 6 nhà đầu tư đã mua hơn 11,47 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ CTD. Thậm chí, CTD còn cho biết công ty đã phải từ chối nhiều nhà đầu tư nhỏ và lớn nhằm giới hạn nhà đầu tư và giữ cơ cấu cổ đông theo một cách cân bằng nhất.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Với đợt phát hành này, CTD đã thu về gần 1.800 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch chào bán ban đầu là 1.500 tỷ đồng. Chính mức giá phát hành cao hơn kế hoạch giúp CTD không cần phát hành đủ số lượng cổ phần tối đa nhưng đã huy động vượt số tiền dự kiến. Theo kế hoạch, với nguồn vốn huy động được 1.800 tỷ đồng cộng với 2.000 tỷ đồng tiền mặt sẵn có, Coteccons sẽ tập trung vào chiến lược mua bán các công ty vật liệu xây dựng, nội thất, đầu tư vào bất động sản, đầu tư hạ tầng. Dự kiến, CTD có thể đàm phán để đầu tư một phần dự án cùng với chủ đầu tư hoặc có những mối quan hệ với các đối tác trên thế giới để đầu tư khách sạn hạng trung, sau đó thuê họ quản lý để mang lại lợi nhuận tốt.

Cũng theo thông tin từ phía CTD, trong năm 2016, công ty này đã liên tiếp thắng thầu nhiều dự án của Vingroup trên cả nước như Vinmec Đà Nẵng, Condotel Đà Nẵng, Vinhomes Gardenia, Vinhomes Metropolis… Riêng trong quý IV/2016, Coteccons ký kết với Vingroup hàng loạt các gói thầu tiếp theo tại các dự án trên với tổng giá trị hợp đồng gần 1.300 tỷ đồng.

Năm 2016, mặc dù mới chỉ trải qua 9 tháng hoạt động, nhưng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Coteccons đã đạt mức xấp xỉ bằng cả năm 2015. Lũy kế 9 tháng, Coteccons đạt doanh thu 13.462 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 961 tỷ đồng. Năm 2016, Coteccons đặt kế hoạch lãi ròng 800 tỷ đồng và với kết quả đã thực hiện trong 9 tháng, công ty đã hoàn thành vượt 20% chỉ tiêu đề ra cho cả năm.

HBC: 9 tháng vượt 25% kế hoạch lợi nhuận cả năm

Sau CTD, phải kể đến CTCP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (mã HBC -HOSE). Trong nửa đầu tháng 12, HBC công bố tổng giá trị các gói trúng thầu của công ty đạt 4.026 tỷ đồng, nâng tổng giá trị các công trình trúng thầu trong năm 2016 lên 17.000 tỷ đồng.

Các công trình lớn trúng thầu trong tháng 12/2016 của HBC có thể kể đến như Dự án Times Garden Hạ Long do Tập đoàn My Way Hạ Long làm chủ đầu tư (giá trị hợp đồng hơn 800 tỷ đồng), dự án The Ascent Lakeside (hợp đồng trị giá khoảng 340 tỷ đồng) và Dự án DPT Residential do Khang Điền Group làm chủ đầu tư (giá trị hợp đồng gần 1.000 tỷ đồng), Dự án 69B Thụy Khuê do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư (giá trị hợp đồng gần 700 tỷ đồng), Dự án Hà Đô Centrosa Garden do CTCP Hà Đô làm chủ đầu tư (giá trị hợp đồng gần 300 tỷ đồng).

Trước đó, theo báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2016, Hòa Bình đạt hơn 7.000 tỷ đồng doanh thu thuần và 319,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Trong khi đó, năm 2016, HBC đặt kế hoạch 7.200 tỷ đồng doanh thu và 252 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, chỉ trong 9 tháng, HBC đã hoàn thành vượt 25% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Cùng với sự tăng trưởng trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, cổ phiếu HBC cũng đã tăng trưởng mạnh trong năm nay và đạt mức giá đỉnh xấp xỉ 32.000 đồng/CP vào tháng 10. Trong 2 tháng cuối năm, cùng với sự đi xuống của thị trường chứng khoán chung, cổ phiếu này cũng đã điều chỉnh và đi ngang trong khoảng giá 28.000 đồng. So với năm 2015, mức giá cổ phiếu HBC hiện tại đã rất ấn tượng và đầy hứa hẹn với giới đầu tư.

Đại gia xây dựng bất ngờ “thâu tóm” một công ty niêm yết trên sàn HNX

Thị trường chứng khoán cuối năm cũng chứng kiến câu chuyện thâu tóm công ty sợi niêm yết trên sàn HNX của một đại gia ngành xây dựng. CTCP Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp Delta chưa niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng lại khiến giới đầu tư “choáng” khi tuyên bố chuẩn bị tiến hành thâu tóm CTCP Vải sợi may mặc miền Bắc (mã TET - HNX). Cụ thể, Đại hội cổ đông bất thường của TET diễn ra vào cuối tháng 11 vừa qua đã thông qua nội dung chấp thuận cho nhóm nhà đầu tư Delta (bao gồm CTCP Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp Delta, CTCP Xây dựng và Ứng dụng Công nghệ Delta- V và bà Nguyễn Thị Kim Dung) được sở hữu đến tối đa 79% số cổ phiếu đang lưu hành của công ty (4,51 triệu cổ phiếu trên tổng số 5,7 triệu cổ phiếu TET đang lưu hành) mà không cần chào mua công khai.

Điều đáng chú ý là tại sao một công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực xây dựng lại có ý định mua lại công ty vải sợi, trong khi lợi nhuận hàng quý của TET chỉ dao động từ 1 – 4 tỷ đồng. Thật ra, mặc dù hoạt động kinh doanh của TET không thực sự nổi bật nhưng TET đang nắm trong tay những khu đất vàng tại Hà Nội như trụ sở chính đặt tại 37 Lý Thường Kiệt – Hà Nội có diện tích lên tới 1.028 m2, đất kho, xưởng 12.407 m2 tại 79 Lạc Trung; Tổng kho Đức Giang (Long Biên) với diện tích hơn 25.000 m2, đất tại Tổng kho Giáp Bát có diện tích khoảng 3.700m2.

Trên thị trường chứng khoán, một giai đoạn dài gần như không có thanh khoản, thông tin Delta tiến hành thâu tóm đã giúp cổ phiếu TET tăng vọt từ vùng giá 14.000 đồng lên 30.000 đồng chỉ trong thời gian ngắn. Việc tăng giá của cổ phiếu TET có lẽ là diễn biến tất nhiên, nhưng giới đầu tư đánh giá cao tầm nhìn xa của Delta. Vì dù giả định rằng nếu có phải mua cổ phiếu TET với mức giá cao nhất thì Delta cũng chỉ cần bỏ ra ước chừng chưa đầy 200 tỷ đồng để “thâu tóm” công ty sợi này. Trong khi đó, Delta có thể sở hữu những khu đất có trị giá gấp vài chục lần số tiền bỏ ra đầu tư. Với kế hoạch thâu tóm TET, có thể thấy sau nhiều năm hoạt động thuần trong lĩnh vực xây dựng, Delta đã mở rộng sang đầu tư bất động sản và đây cũng là hướng đi mà nhiều doanh nghiệp xây dựng đã và đang áp dụng.

Ngoài 3 cổ phiếu nhà thầu kể trên, cổ phiếu cùng ngành cũng có kết quả hoạt động kinh doanh ấn tượng nữa có thể kể đến như CTCP Tasco ( mã HUT - HNX). Mới đây công ty này công bố doanh thu tăng đột biến ở quý III/2016 và mức lãi sau thuế gấp 10 lần cùng kỳ năm 2015. Doanh thu bán hàng trong quý III của HUT đạt 788 tỷ đồng, gấp 4,4 lần quý III năm 2015; lãi sau thuế đạt 138,88 tỷ đồng, gần gấp 10 lần cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2016, doanh thu Tasco đạt 1.974 tỷ đồng, hơn gấp 3 lần cùng kỳ năm 2015. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2016 Tasco lãi sau thuế 298,2 tỷ đồng, tăng gần 8 lần cùng kỳ năm 2015. Nếu so sánh với chỉ tiêu lợi nhuận mà đại hội cổ đông giao phó (380 tỷ đồng), thì Tasco đã hoàn thành 74% kế hoạch năm.

Được biết, gần đây Tasco đã mở rộng ngành nghề khi đầu tư xây dựng bệnh viện. Hiện tại Tasco đang trong quá trình đầu tư vào các bệnh viện công theo mô hình hợp tác công – tư. Theo đó, HUT thành lập Công ty TNHH T’Hospital ngày 16/5/2016 với mục tiêu thay mặt Tasco quản lý, điều hành nguồn vốn đầu tư vào các bệnh viện công. Theo đăng ký kinh doanh, Công ty TNHH T’Hospital có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực trồng cây dược liệu, sản xuất thuốc, hóa dược…

Tuy nhiên, ngoài CTD, HBC, Delta, HUT, không phải cổ phiếu ngành xây dựng nào cũng có triển vọng tốt trong năm 2016. Rất nhiều công ty vận hành ỳ ạch, lợi nhuận âm hoặc giảm mạnh so với cùng kỳ như Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bạch Đằng TMC (BHT -HNX), Công ty Cổ phần Chương Dương (CDC - HOSE), Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình ngầm (CTN -UpCOM), Công ty cổ phần Vinam (CVN - HNX)…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top