Thị trường chứng khoán Việt nam mở cửa phiên giao dịch đầu tuần mới với những diễn biến tương đối tích cực. Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã nhích lên trên mốc tham chiếu và kéo các chỉ số tăng điểm. Tuy nhiên, sự hồi phục của thị trường không duy trì được lâu. Tương tự như các phiên trước, thị trường nhanh chóng quay trở lại sắc đỏ khi áp lực bán dâng cao trong khi lực cầu vẫn còn khá e dè. Khởi đầu cho đà giảm của thị trường là việc ba cổ phiếu GAS, HSG và PVD bị kéo xuống mức giá sàn.
Đỉnh điểm của áp lực bán trong phiên hôm nay tập trung vào cuối giờ giao dịch. Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn bỗng nhiên sụt giảm rất mạnh thậm chí bị kéo xuống mức giá sàn. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí biểu hiện rõ nhất cho đợt bán tháo vào cuối phiên hôm nay. Ở nhóm ngân hàng, BID và CTG bị kéo xuống mức giá sàn chỉ sau khoảng thời gian rất ngắn. Trong khi HDB, EIB, VCB… giảm giá sâu.
Còn ở nhóm dầu khí, PVS đi chung con đường của GAS và PVD khi cũng bị kéo xuống mức giá sàn. PVC giảm 8,1% xuống chỉ còn 5.700 đồng/CP.
Bên cạnh ngân hàng và dầu khí VJC, ROS hay BVH lại là những cái tên khiến nhà đầu tư đau đầu khi đồng loạt sụt giảm mạnh. BVH giảm 5,4% xuống 87.000 đồng/CP; VJC giảm 4% xuống 179.600 đồng/CP; ROS giảm 5,3% xuống 81.400 đồng/CP.
Trong khi đó, VCS, SAB, PLX, HPG, MSN… lại là những cái tên hiếm hoi còn duy trì được sắc xanh trong phiên hôm nay và là trụ đỡ tốt giúp kìm hãm đáng kể đà giảm của thị trường chung. PLX gây bất ngờ khi tăng kịch trần lên 66.000 đồng/CP. Mới đây, PLX có quyết định bổ nhiệm ông Phạm Văn Thanh giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2016 - 2021 thay ông Bùi Ngọc Bảo nghỉ hưu. VCS tăng 9,1% lên 120.000 đồng/CP.
Tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HAG giảm kịch sàn xuống 4.930 đồng/CP. Như vậy, cổ phiếu này đã mất mốc 5.000 đồng/CP. Sở GDCK TP.HCM thông báo đưa cổ phiếu Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã CK: HAG) vào diện cảnh báo. Theo đó, cổ phiếu HAG bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 7/5/2018. Lý do là công ty kiểm toán có ý kiến ngoại trừ trên báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017, cổ phiếu thuộc trường hợp bị cảnh báo theo quy định.
Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức trung bình với tổng khối lượng giao dịch trên HOSE, HNX và UPCoM đạt 248 triệu cổ phiếu, trị giá 6.800 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm đến trên 1.300 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 21,18 điểm (-2,02%) xuống còn 1.029,08 điểm. HNX-Index giảm 1,67 điểm (-1,36%) xuống 120,97 điểm. UPCoM-Index giảm 0,64 điểm (-1,14%) xuống 55,92 điểm.
Về giao dịch của khối ngoại, khối này đã bán ròng trên sàn HOSE và UPCoM, trong khi mua ròng tại sàn HNX.
Tính chung cả ba sàn, khối ngoại đã bán ròng tổng cộng 380 tỷ đồng, tương ứng khối lượng là 6,4 triệu cổ phiếu.
Trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng khoảng 358,5 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng đạt 4,6 triệu cổ phiếu. Tương tự như các phiên trước, khối ngoại vẫn bán ròng tập trung các cổ phiếu bluechip. Trong đó, vị trí dẫn đầu vẫn thuộc về VIC, cổ phiếu này phiên hôm nay bị bán ròng lên đến 366 tỷ đồng. Còn VRE đứng ngay sau và bị bán ròng khoảng 110 tỷ đồng. Kế tiếp, VJC bị bán ròng trên 106 tỷ đồng. Trong khi đó, FRT vẫn là cái tên ưu thích của khối ngoại kể từ khi cổ phiếu này lên giao dịch tại sàn HOSE. Riêng trong phiên hôm nay, FRT được mua ròng 90 tỷ đồng. HPG và MSN được mua ròng mạnh với 43 tỷ đồng và 27 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng nhẹ khoảng 6 tỷ đồng. VGC, PVS và VCG là những cái tên được khối ngoại mua ròng mạnh. Trong đó, VGC dẫn đầu danh sách này với 7,6 tỷ đồng. Ở hướng ngược lại, SHB bị bán ròng mạnh nhất với 7,6 tỷ đồng.
Còn ở sàn UPCoM, khối ngoại bán ròng mạnh nhất mã POW với 8 tỷ đồng. BSR và OIL bị bán ròng lần lượt 7,7 tỷ đồng và 5,9 tỷ đồng. Tính tổng cộng, khối ngoại sàn này đã bán ròng hơn 27,5 tỷ đồng trong phiên hôm nay.
Như vậy, có thể thấy kịch bản thị trường vẫn đi theo chiều hướng tiêu cực với các phiên sụt giảm mạnh đan xen vào đó là 1 - 2 phiên hồi phục mang tính chất "bull-trap" và nhà đầu tư dễ dàng đón nhận kết quả tồi tệ nếu như bắt đáy quá sớm trong những phiên hồi phục đó.