Sau phiên điều chỉnh hôm trước, thị trường nhập cuộc phiên 3/6 khá thận trọng với sự phân hóa ở nhóm cổ phiếu trụ cột. Trong phiên sáng, đa phần các chỉ số chỉ biến động trong biên độ hẹp, các cổ phiếu trụ cột cũng không có nhiều sự đột biến.
Tuy nhiên, diễn biến giao dịch về cuối phiên khởi sắc hơn rất nhiều, trong đó, tâm điểm của thị trường là nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng. Trong đó, VCB tăng 1,5% lên 87.900 đồng/cp, riêng VCB đã đóng góp gần 1,4 điểm cho VN-Index ở phiên 3/6. Bên cạnh đó, CTG cũng tăng 2,3% lên 24.000 đồng/cp và khớp lệnh 6,9 triệu cổ phiếu, số điểm mà CTG đóng góp cho VN-Index là 0,58. HDB tiếp tục được kéo lên mức giá trần 28.500 đồng/cp và khớp lệnh 2 triệu cổ phiếu.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu dầu khí cũng có một phiên giao dịch ấn tượng. GAS tăng 2,1% lên 78.000 đồng/cp và chỉ đứng sau VCB về độ đóng góp cho VN-Index với 0,87 điểm. PVS tăng 2,3%, PVD tăng 1,8%, PVB tăng 1,4%. Thông tin được cho là hỗ trợ nhóm cổ phiếu dầu khí trong nước đó là giá dầu tăng mạnh ở phiên trước. Giá dầu Brent tương lai tăng 1,25 USD, tương đương 3,3%, lên 39,57 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tăng 1,37 USD, tương đương 3,9%, lên 36,81 USD/thùng. Giá dầu Brent và WTI đều đang gần đỉnh 3 tuần.
Ở chiều ngược lại, SAB, VJC, CTD, HPG… là các cổ phiếu gây thất vọng và khiến áp lực lên các chỉ số vẫn còn lớn, trong đó trường hợp đáng chú ý nhất là CTD, cổ phiếu này sau phiên giảm sàn hôm qua tiếp tục mất 6,4% xuống 67.300 đồng/cp. Việc CTD giảm sâu trong 2 phiên gần đây đến từ việc cổ đông ngoại lớn là Kustocem muốn tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường, yêu cầu ông Nguyễn Bá Dương rời khỏi Coteccons. Hôm nay, đại diện của CTD cũng đã “phản pháo” lại ý kiến của Kustocem và cho rằng những cáo buộc mà đơn vị này đưa ra là vô căn cứ.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, cả 4 “ông lớn” là VIC, VHM, VRE và NVL đều tăng giá. VIC và VHM đều chỉ tăng nhẹ 0,1%, NVL tăng 0,2%. Trong khi đó, VRE tăng mạnh 1,8% lên 28.100 đồng/cp, khớp lệnh 3,34 triệu cổ phiếu.
Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ, sự hưng phấn cũng đã trở lại, các mã như HRB, PVL, VRC, DRH, ITA hay HQC đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, NDN tăng 5,9%, SIP tăng 4,4%, KDH tăng 4,3%, IDJ cũng tăng 3%.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 6,37 điểm (0,73%) lên 881,17 điểm. Toàn sàn có 203 mã tăng, 157 mã giảm và 65 mã đứng giá. HNX-Index tăng 2,85 điểm (2,51%) lên 116,49 điểm. Toàn sàn có 78 mã tăng, 66 mã giảm và 65 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,35 điểm (0,63%) lên 56,33 điểm.
Thanh khoản thị trường dù giảm so với phiên trước nhưng vẫn ở mức rất cao, tổng khối lượng giao dịch đạt 486,6 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 6.700 tỷ đồng. HQC và ITA là 2 cổ phiếu bất động sản giao dịch mạnh nhất phiên 3/6 và cũng lọt vào top 10 khớp lệnh toàn thị trường. Trong đó, HQC dẫn đầu với 37,7 triệu cổ phiếu còn ITA khớp lệnh 21,8 triệu cổ phiếu và đứng thứ 3 toàn thị trường.
Khối ngoại đã bán ròng 64 tỷ đồng trong phiên giao dịch hôm nay nhưng họ chủ yếu tập trung “xả” CCQ ETF nội E1VFVN30, trong khi đó, 2 cổ phiếu bất động sản bị bán ròng mạnh là CII và VIC với giá trị lần lượt 50 tỷ đồng và 19 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VHM đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại với 74,7 tỷ đồng.
Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), trái ngược với diễn biến trên, hợp đồng tương lai VN30 tháng 6 tăng mạnh hơn so với chỉ số cơ sở VN30, qua đó thu hẹp mức basis âm xuống còn 5,29 điểm cho thấy nhà đầu tư đang dần lạc quan hơn về thị trường. Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 4/6, VN-Index có thể sẽ tiếp tục rung lắc do đã tiến vào vùng kháng cự mạnh trong khoảng 880 - 885 điểm (fibonacci retracement 61,8%-MA200 tuần). Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể tiếp tục bán ra chốt lời khi VN-Index ở trong vùng kháng cự mạnh trong khoảng 880 - 885 điểm. Ở chiều ngược lại, những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn nên đứng ngoài quan sát và có thể giải ngân nếu thị trường có nhịp điều chỉnh về vùng hỗ trợ quanh 840 điểm.
Tại thị trường chứng khoán châu Á, MSCI châu Á – Thái Bình Dương trừ Nhật Bản tăng 1,7%. Kospi của Hàn Quốc tăng 3,3%. Nikkei của Nhật Bản tăng 1,3%. Tại Trung Quốc, Shanghai Composite và Shenzhen Composite đều đi ngang. Hang Seng của Hong Kong tăng 1,4%. ASX 200 của Australia và NZX 50 của New Zealand lần lượt tăng 1,8% và 0,7%. Straits Times của Singapore tăng 3,3%, Jakarta Composite của Indonesia tăng 1,9% và KLCI của Malaysia tăng 2%.