Aa

Cò "thổi giá" đất: Luật không cấm, công an làm sao dẹp?

Thứ Bảy, 10/06/2017 - 03:02

Việc "thổi giá" đất nền của cò trở thành tâm điểm dư luận thời gian gần đây. Nhiều cảnh báo về những hệ lụy với thị trường, lãnh đạo TP.HCM đã đưa ra thông điệp, sẽ đưa công an vào điều tra xử lý. Nhưng câu chuyện liệu có xử lý theo hướng này không?

Hình sự hóa quan hệ dân sự?

Theo Luật sư Nguyễn Văn Trường, Đoàn Luật sư TP.HCM, việc TP.HCM giao công an xử lý các cò đất thao túng giá đất nền là không khả thi. Bởi lẽ, trách nhiệm của công an điều tra về trật tự xã hội. Trong khi đó, bất động sản được xem như một sản phẩm, có người mua thì có người bán. Giá cả do hai bên tự thỏa thuận theo nguyên tắc thuận mua vừa bán. Nếu người bán đưa ra giá bán mà người mua cảm thấy giá đó quá đắt thì họ có quyền không mua, đâu ai ép họ phải mua.

“Thử hỏi hành vi của cò đất có cấu thành tội phạm hay không? Nếu hành vi của những cò đất này không cấu thành tội phạm, thì công an làm sao vào cuộc điều tra được. Chuyện này là trách nhiệm của UBND TP, đây là việc về chính sách, chứ công an không thể muốn vào cuộc điều tra là điều tra được.

Có chế tài nào xử lí nạn cò thổi giá đất bỏng tay?

Có chế tài nào xử lí nạn cò "thổi giá" đất bỏng tay?

Việc nâng giá của cò đất bản chất là không vi phạm pháp luật. Bởi lẽ, họ nâng giá mà người dân không mua thì thôi. Chuyện này là thuận mua vừa bán, còn nếu cơ quan chức năng chứng minh được hành vi này lừa đảo người khác mới quy thành tội phạm.

Một miếng đất tôi bán 1 tỷ, bây giờ tôi nói bán 2 tỷ thì đâu ai có thể bắt tội tôi được? Chuyện làm giá và nâng giá là rất nhiều người làm, không phải chỉ một đối tượng cò đất có thể nâng giá được. Nhiều người tham gia vào thị trường nên nó tạo ra xu hướng tăng giá như vậy.

Việc "thổi giá" cũng được xem như một giao dịch dân sự bình thường. Chúng ta không thể thấy đất đai bị loạn giá và vượt tầm kiểm soát quản lý của mình, lại đưa ra quan điểm là phải xử lý hình sự, vì người bán "thổi giá". Như vậy, không khác gì hình sự hóa các quan hệ dân sự thông thường.

Vì vậy, để xử lý cò đất là không khả thi và cho công an vào cuộc chắc chắn không hiệu quả”, luật sư Trường nói.

Luật sư Nguyễn Văn Trường cũng cho biết ở thị trường chứng khoán, người tham gia giao dịch có thể vi phạm pháp luật do nâng giá khống chứng khoán, tạo giá ảo. Luật đã có quy định về vấn đề này nên công an vào điều tra được. Tuy nhiên, ở lĩnh vực đất đai thì luật chưa quy định. Mặt khác, ở thị trường này, một người không thể tạo được giá ảo để giao dịch. Chuyện này là của rất nhiều người. Nếu công an muốn vào cuộc điều tra cũng không khả thi.

“Tôi nghĩ bây giờ TP.HCM cần tuyên truyền, phân tích cho người dân biết giá như vậy là ảo để cho họ thấy giá đó, dự án đó có khả thi hay không, mảnh đất đó có đúng giá trị mà họ bỏ ra hay không. Các chuyên gia cũng phải phân tích cho người dân thấy thị trường như vậy không đúng bản chất thực thì tự động người mua sẽ nhận ra rủi ro, dè chừng. Như vậy, vô tình sẽ hạ giá xuống”, ông Trường khuyên.

Cò đất không đủ ‘phép thuật’

Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển, cho rằng, cò đất không đủ lực để kéo giá đất nền đi lên. Đúng là có một số vị trí đất nền, cò đất đã dùng thủ thuật để đẩy giá lên, nhưng việc đó không đủ sức để khiến thị trường xảy ra nguy cơ bong bóng bất động sản. Bởi những nhà đầu tư tham gia vào cuộc đầu tư này nhằm mục đích đầu tư lâu dài và họ đầu tư bằng chính tiền túi của họ.

Một khi họ đầu tư bằng tiền túi thì lời ăn lỗ chịu, hơn nữa mức độ tăng giá nhanh tại một vài khu vực như vậy chưa đủ sức để gây ra bong bóng. Do đó, không có cò đất nào đủ sức làm cho bong bóng bất động sản xuất hiện được, vì cò cứ "thổi giá" nhưng nếu nhà đầu cơ không xuống tiền thì họ bán cho ai.

“Việc môi giới nói giá cao hơn giá trị thực không thể nào bắt họ hay hình sự hóa được. Chuyện này là bình thường trong mọi lĩnh vực, huống hồ trong lĩnh vực đất đai. Không ai có thể biết được giá chính xác của bất động sản được, nó không giống cái ti vi, tủ lạnh…

Hai mảnh đất ở cạnh nhau đã khác giá nhau rồi. Miếng đất to nhỏ cũng khác nhau, hướng này hướng kia.Bản thân đất nền vùng ven đã chênh lệch 20-30% là bình thường, làm sao bảo đảm được thổi giá hay không? Chuyện người môi giới nói giá cao hơn chẳng có luật nào cấm”, ông Hiển nhận định./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top