Một thời, ngoài Bắc, đi ăn đám cưới được gọi là đi ăn... cơm bụi giá cao.
Kể cũng tội, cưới (vợ hoặc chồng) là sự kiện cả đời một lần, (không kể những người... hai ba lần), chả thế mà ngày xưa các cụ liệt nó vào mấy việc lớn trong đời người đàn ông phải trải qua: Cưới vợ, tậu trâu, làm nhà. Cưới vợ là đầu bảng, có vợ rồi chung tay mà tậu trâu, rồi lại chắt chiu mà làm nhà. Cưới, tất nhiên chủ thể là cô dâu, chú rể hầu như không quyết được bao nhiêu, mà cái lễ cưới ấy do phụ huynh quyết. Họ còn phải lo... đối ngoại, trả nợ và thu nợ.
Nên mới nhiều chuyện.
Càng ngày càng chuyên nghiệp nhưng cũng nhiêu khê. Nói là phụ huynh quyết nhưng té ra lại do cái anh... chụp ảnh với lại quay camera quyết. Anh ta bảo lạy là lạy, thắp hương là thắp hương, dù có khi... mới thắp xong, nhưng vì lúc ấy anh ta đang bận... gãi chẳng hạn, thế thì phải thắp lại cho anh chụp. Anh ta bảo lên xe là lên xuống xe là xuống, chứ các cụ các ông cũng chả có quyền gì. Thậm chí đến trao quà, anh ta cũng là người... quyết. Kêu ai người nấy lên, trao xong đứng đấy cười đã, thì đứng cười. Thậm chí về chỗ rồi, anh ta kêu lên... trao lại, thế là lũn cũn lên.
Đấy là lúc làm lễ, còn khi vào tiệc cưới thì quyền to nhất là của... MC. Tôi cũng thuộc loại... nói nhiều, cũng làm MC ở một vài cuộc được, nhưng với các MC đám cưới thì tôi... thua, kính nhi viễn chi. Họ có thể nói rất to, nói liên tu lục tịch, điều hành đám cưới cứ váng hết óc hết, mục đích là để... cô dâu chú rể, bố mẹ cô dâu chú rể hoàn toàn mất... tự chủ, nghe anh ta bảo gì là cứ nhất nhất nghe. Từ nắm tay nhau, ra giữa sân khấu đi, cười đi, cắt bánh đi, rót rượu đi, hôn đi, vân vân các loại. Và xen kẽ thì anh ta... đọc thơ. Đấy là những ngôn từ khủng khiếp nhất từ vần tới không vần mà hàng ngàn khách trong hội trường buộc phải nghe và công nhận đấy là... thơ. Phụ họa với anh ta là... ca sĩ. Ca sĩ mà không phải ca sĩ mà vẫn là ca sĩ, là bởi những người lên hát là những người đang có mặt trong khán phòng. Họ nuốt vội miếng thức ăn, vừa đi lên vừa thò tay móc răng, rồi cầm micro và... lên tiếng. Họ có sự tự tin đến vô đối khi với giọng ca ấy khi ở nhà chắc chắn họ sẽ không dám cất tiếng bởi sẽ bị vợ hoặc chồng... oánh chết, nhưng ở đây, có hề gì. Họ vừa gào lên, rú lên, vừa nhún nhẩy, giật đùng đùng, bất kể mặc váy hoặc mặc quần, bất kể chân dài hay chân... bắp chuối, thậm chí là chuối... cãi nhau...
Có lần tôi quát (tức là trao đổi nhưng vì ồn quá phải quát) với những người ngồi xung quanh rằng, mỗi người nộp 50 ngàn cho tôi để tôi lên hối lộ MC với ban nhạc, nghỉ 15 phút cho chúng ta ăn cho xong đã, ai cũng cười như mếu.
Ăn cũng lại là vấn đề.
Ngày xưa từng nhà nấu hoặc đặt theo gu, theo thị hiếu ẩm thực nhà mình, giờ thuê nhà hàng, nó cứ na ná nhau. Có khi đi đám cưới liên tục hai ba ngày, phát ớn vì các món như lập trình, trước khi đi đám cưới vẫn bảo vợ phần cơm, hoặc chuẩn bị tiền để cưới xong thì... ăn phở.
Cứ lấy món gà luộc mà hầu như đám cưới nào cũng phải có mà ví dụ.
Chán nhất là phải ăn thịt gà... hầm.
Thực ra là họ luộc, nhưng luộc “giỏi” đến mức thịt gà nhão như gà hầm. Bê đĩa nguyên con ra cho khách ngó cái, rồi thì hoặc khách tự làm, hoặc nhân viên giúp, lồng tay vào cái bao nilon rồi xé con gà tơi ra như ngày xưa hay nấu cháo, cho nguyên con gà vào ninh với gạo và đậu xanh, lúc ăn cầm con gà rũ phát, xương trên tay thịt rơi xuống nồi...
Ngày xưa các cụ luộc gà thế nào?
Gà ta nhé, gà mái ấy, bỏ vào khi nước còn lạnh nhé, ngập gà nhé. Đun cho gần sôi thì hạ lửa, đến lúc sôi liu riu thì hạ hết sức nhỏ. Chừng 10 phút thì tắt lửa nhưng để nguyên nắp nồi như thế, ủ 15 phút nữa thì vớt ông ấy ra, có một xoong nước sôi để nguội, cục đá nữa càng tốt, thả gà vào cho nó co da lại.
Nguội hoàn toàn thì chặt. Dao sắc, chắc kê, chặt miếng nào ra miếng ấy, chặt nhát một, tức chỉ một nhát là đứt chứ đừng nửa thái nửa băm nửa chặt... sao cho miếng nào cũng phải có da. Dân Trung và Nam hay ăn gà với rau răm. Hỏng. Cứ phải lá chanh thái chỉ, xoăn như sợi thuốc lào ấy. Lấy một cái đĩa úp ngửa từng miếng thịt gà vào đấy, xong rồi thì lấy cái đĩa nữa, úp vào đĩa ấy rồi lộn ngược lại, ta được đĩa thịt gà vồng lên toàn da khít vào nhau ngửa lên trên. Rắc lá chanh thái loăn xoăn ấy vào... Không phải ai cũng biết xắt lá chanh đâu nhé, tôi từng giao một ông bạn cũng rất khéo tay thái nắm lá chanh phải phóng xe đi cả 5 cây số xin về, y đè ngang lá ra thái lống như thái rau heo.
Miếng thịt gà ấy, trong cái xương ống phải còn hơi đo đỏ thì là gà chuẩn, gọi là gà hồng đào. Ăn miếng gà như thế, nó mới là gà, còn cái thứ thịt gà rũ phát tơi ra như mùng tơi nhúng nước sôi thì nó là cái thứ... không phải gà...
Chưa hết, kinh nhất là vào tiệc, thế nào cũng có một ông (hoặc bà) tự cho mình cái quyền... gắp cho mọi người. Cứ thế, trịnh trọng, gắp bỏ hết các bát, dẫu chả biết người được gắp có thích không? Có người bát đầy thức ăn mà đành ngồi... nhìn.
Nhưng lại chưa kinh bằng, một gã nào đấy, mặt cười cười, tay cầm ly rượu hoặc bia tiến lại, mời tất cả mâm, kiên nhẫn đứng chờ/bắt từng người uống hết, rồi vươn ra bắt tay từng người trước khi lại cầm ly sang bàn khác. Vừa ngồi ăn vừa nín thở chờ... người kế tiếp bưng ly tới...
Ở nông thôn mà dựng rạp trong nhà còn kinh nữa. Cứ là hai ba ngày đêm hàng xóm được thưởng thức nhạc miễn phí, mà là nhạc... nhiều cung bậc, đa phần là đã nhừa nhựa rồi mới... lên giọng. Và đa phần nữa là giành nhau hát, rồi... oánh nhau. Báo chí thi thoảng lại đưa tin ở đám cưới này đám cưới kia ở quê, uống rượu rồi giành nhau hát rồi... xỉa nhau, hoặc xỉa ban nhạc...
Ôi giời, đi ăn cưới như thế, gọi là cơm bụi giá cao là còn thanh nhã đấy...