Aa

Chuyện một ông nông dân

Thứ Hai, 29/10/2018 - 06:00

Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng hồi ấy có cho huyện Ba Tơ mấy cái ô tô tải. Ông lãnh đạo huyện này đi nhận, về kê phải phong bì cho các cán bộ Hà Nội, ông Phong cương quyết phản đối: "Bác Đồng cho xe thì đứa nào dám lấy phong bì, dám nhũng nhiễu"... Thế là mâu thuẫn nặng...

Có mấy biểu hiện của tuổi già, một là ăn cơm dính mép mà không biết. Hai là thích đi... họp lớp. Ba là hay ký ức hay nhớ ngày xưa. Bốn là đột nhiên biết... làm thơ và thích đọc thơ. Năm là có chế độ ăn kiêng các kiểu...

Tôi đánh dấu tuổi già của mình bằng cuộc... họp lớp nhân 40 năm ngày vào trường đại học. Là sợ đến 40 năm ra trường thì... ra đi nhiều quá, bèn nghĩ ra kỷ niệm ngày vào trường vậy.

Lớp tôi, lớp đầu tiên, K1 của khoa Văn Đại học Tổng hợp Huế, khi vào 61 đứa, khi ra còn 41, rụng 20 sau 4 năm học thì cũng kinh. Và đến khi gặp lại, chỉ hai mấy đứa thôi, sau 40 năm vào trường, mới thấy sau khi có bằng đại học rồi thì cũng vẫn có rất nhiều số phận cũng kinh, mà chuyện tôi kể dưới đây xứng đáng được... kể lại.

Sau cuộc họp lớp ở Đà Nẵng, tôi làm drive lái ông cựu lớp trưởng Phan Thanh Bình, giờ làm ở báo Phú Yên, rong ruổi đường 1 về Quy Nhơn, rồi chia tay. Ông Bình đi tàu lửa tiếp về Tuy Hòa, tôi chạy xe một mình ngược đường 19 về nhà.

Vấn đề là, trên đường rong ruổi chúng tôi ghé Quảng Ngãi.

Về quê.

Về quê.

Lớp chúng tôi ở Quảng Ngãi có 6 ông, 3 ông quan rất to và 3 ông... bình dân. 3 ông to là Nguyễn Chín, Ủy viên ban thường vụ, trưởng ban Tổ chức tỉnh ủy, một trong 5 ông to nhất tỉnh, Nguyễn Đăng Vũ, khi ấy là giám đốc sở Văn hóa thể thao và du lịch, giờ là hiệu trưởng Đại học Phạm Văn Đồng, và Trần Văn Thanh, giám đốc sở Nội vụ, quyền to như núi, giờ sang chủ tịch Liên đoàn lao động Quảng Ngãi, chủ yếu... chơi, và ngay khi lớp đang họp thì ông này đi Nga, tất nhiên là... cũng chơi. 3 ông bình dân là Tuấn Phong, giờ bán gạo bên đường số 1, Đặng Văn Cường, làm thi hành án huyện, và 3 là ông Phạm Phong mà tôi kể đây.

Hồi đi học, Phạm Phong được gọi là Phong công chúa vì ông ấy rất diện. Cái thời đói kém từ năm 77 đến 81 ấy mà ông này áo luôn trong quần thẳng tưng, giày da bóng lộn, và cái dù, trời ạ, chính cái món dù này mà chị em đặt cho ông là Phong công chúa. Trước 75, nhà ông này được đánh giá là “danh gia vọng tộc” ở Quảng Ngãi nên chuyện ra Huế học ổng vẫn như ông hoàng cũng đúng. Cũng như một nửa đàn ông trong lớp, Phạm Phong cũng yêu thầm một cô trong lớp, đến mức cuộc gặp Đà Nẵng vừa rồi, vừa xuống xe ôm là ông Phong nháo nhác mắt đảo liên tục: H đâu, H đâu, và khi biết H không có mặt thì ông thở hắt ra một hơi dài đến... sông Trà: "Phí công đi!".

Giờ, Phong ở nhà, vợ con đề huề. Con làm dâu Ấn Độ, vợ cực xinh và trẻ và chiều chồng (già) như chiều... cháu ngoại.

Nhưng đời ông này mới kinh. Chở ông một đoạn từ nhà ổng ra Sa Huỳnh nhậu nghe ông kể mà tôi nể.

Nói lan man tí đã, tôi mua cái ô tô, chạy đã 4 năm, chưa ai được phép hút thuốc trên xe. Mần chi nhau, chủ xe là mình, đứa nào đi nhờ mà hút thuốc là mình đuổi thẳng cẳng.

Nhưng hôm ở Quảng Ngãi tôi đã phải... cười rất tươi khi cùng một lúc ba ông ngồi trên xe tôi đồng loạt châm thuốc khi vừa đóng cửa xe. Ông Phong châm đầu tiên, rồi ông Tuấn Phong, ông Cường phía sau đồng loạt. Mần chi được các ông ấy ngoài... cười.

Té ra ông Phạm Phong không phải làm ruộng ngay như mọi người đồn đại, mà ổng từng làm đến chánh văn phòng ủy ban huyện Ba Tơ, cái thời nó còn là huyện hết sức heo hút và nghèo nàn của Quảng Ngãi. Và cái trong sáng của anh sinh viên khoa văn nó khiến ông vừa quật cường vừa lãnh hậu quả. Ấy là ông chống lại cái thói tham, ăn cắp vặt của một tay lãnh đạo huyện. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng hồi ấy có cho huyện Ba Tơ mấy cái ô tô tải. Ông lãnh đạo huyện này đi nhận, về kê phải phong bì cho các cán bộ Hà Nội, ông Phong cương quyết phản đối: "Bác Đồng cho xe thì đứa nào dám lấy phong bì, dám nhũng nhiễu"... Thế là mâu thuẫn nặng. Sau đấy thì tỉnh định điều ông về ban thi đua khen thưởng tỉnh, quá tốt rồi. Nhưng cái tay lãnh đạo huyện kia nhớ dai thù lâu, không giải quyết cho ông đi, giữ lại để... thù vặt. Ba máu sáu cơn lên, ông tuyên bố bỏ việc, về nhà... vợ nuôi...

Cái khí chất Quảng Ngãi quật cường trong ông này giờ vẫn... hừng hực như thế. Nói đến chuyện tham ô tham nhũng, chuyện thoái hóa biến chất... là ông cứ oang oang. Tôi hỏi, thế cái hồi về nghỉ ấy rồi sao? Ổng ắng một lúc rồi nói: "Về một phát, thẳng luôn, không quay lại. Giấy tờ sổ sách chả mang theo gì, chế độ cũng không. Về quê, có miếng ruộng, vợ chồng quần quật làm, mà rồi cũng mần được nhà ngói sân gạch. Ở quê, nhà ngói sân gạch là oách rồi, chiều chiều làm xị rượu đọc... thơ. May con cái đều ngoan, đứa con gái lấy chồng Ấn Độ, thi thoảng biếu bố chai rượu, mà có dám uống đâu, cứ để dành chờ bạn đến". Chúng tôi là lũ bạn được chờ ấy nên hôm ấy rượu Tây không nhãn mở lụp bụp, nhõn tôi không dám uống vì phải lái xe.

Nếu không vì cái khí tiết Quảng Ngãi hòa trộn máu sinh viên Văn khoa khiến ông nổi điên lên ngày ấy thì chả biết ông Phong này giờ như thế nào?

Hôm từ nhà ông Phong chạy tiếp sau khi ăn nhậu ở Sa Huỳnh, ông Đăng Vũ, sau khi trả tiền bữa nhậu lại hào phóng lái xe của mình tiễn chúng tôi tới đèo Bình Đê, ranh giới Quảng Ngãi - Bình Định, lôi chai rượu Tây ông rể Ấn Độ biếu bố vợ Phạm Phong, uống rồi phun lên trời, rồi bắt chéo tay kiểu ASEAN, 6 thằng Văn K1 như... Hán tặc: Quân hướng Tiêu Tương ngã hướng Tần. Không ai khóc, may thế...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top