Aa

Công bằng

Thứ Năm, 28/06/2018 - 06:00

Thời gian trôi, qua nhiều cọ sát, mâu thuẫn, ở nhiều nước người ta đã điều chỉnh được các vấn đề về quyền lợi chung, lợi ích chung và lợi ích riêng trong vấn đề đất đai. Điều này khiến cho người ta thấy không phải ai nhanh chân hay may mắn hơn là hưởng lợi, mà có những lợi ích chung không ai có thể sở hữu. Trong đó có thiên nhiên.

Nhiều năm trước, chúng tôi có dịp lưu lại ở thành phố Madison, thủ phủ bang Wisconsin (Mỹ) ít ngày. Tôi và một đồng nghiệp ở trong nhà của một vị giáo sư sinh vật học. Ngày cuối tuần, chúng tôi giúp chủ nhà dọn vườn và ngắm cảnh.

Ngôi nhà của vị giáo sư thuộc dãy phố bên này con đường vòng quanh hồ. Phía bên kia đường là dãy nhà sát mặt nước hồ. Đây là hồ rất lớn, mênh mông như biển nhỏ, cảnh quan rất đẹp. Các nhà ven hồ đều có bến thuyền riêng, và có thuyền du lịch, thường là màu trắng toát nhìn thật thích. Chúng tôi thốt lên: "Dãy nhà bên kia đẹp quá!".

Giáo sư gật đầu: "Đúng. Rất đẹp. Họ có thể bơi thuyền vào ngày nghỉ. Mùa hè họ có thể ăn tối trên thuyền".

Tôi hỏi chuyện ông :

- Chắc nhà bên đó đắt hơn nhiều so với dãy nhà bên này?

- Không. Thậm chí nhà đối diện kia rẻ hơn nhà tôi, dù diện tích không khác nhau.

- Nhưng nhà bên hồ đẹp hơn? Không lẽ mọi người không thích ở gần hồ?

- Có chứ. Ai cũng thích ở sát bên mặt nước hồ. Tôi cũng thích.

- Ông có thể bán ngôi nhà này và mua một nhà phía bên kia không? Tôi thấy nhiều nhà có đề bảng chữ rao bán. Và các nhà đó đều rất đẹp. Mà như ông nói, chúng lại không đắt hơn nhà ông đang ở.

Một ngôi nhà bên hồ ở nước Mỹ.

Một ngôi nhà bên hồ ở nước Mỹ.

Vị giáo sư cười và giải thích cho tôi nghe: Đúng, nhà bên đó không đắt hơn, nhưng nếu ở ven mặt nước, người ta phải đóng một thứ thuế. Như là thuế cảnh quan. Theo như ông Giáo sư nói thì số tiền đó hàng năm khá cao, kể cả đối với người có lương cao như ông. Và đó là lý do nhà ven mép nước ai cũng thích, nhưng lại không đắt.

Tò mò, tôi đặt ra một loạt câu hỏi khác. Ví dụ như là nếu đất ven hồ là do cha ông nhiều đời để lại, bây giờ phải đóng thuế, có hợp lý không?. Nếu người ở thu nhập không cao, nhà họ ở từ lâu rồi, họ không thể đóng thuế, thì có bị cưỡng chế nộp tiền "thuế cảnh quan"?

Giáo sư giải thích cho tôi rất cặn kẽ: Nếu họ không muốn nộp tiền, hoặc không thể nộp, thì cũng chẳng bị cưỡng chế gì. Họ cứ ở như vậy thôi. Nhưng chính quyền không cam kết giữ cho họ view đẹp và mặt nước thoáng trước nhà. Có nghĩa là nếu có những dự án mới, như làm chỗ đậu thuyền, hay đơn giản hơn dựng một bảng quảng cáo, hay bất cứ thứ gì khác… thì chủ nhà gần hồ phải chấp nhận. Bởi nhà của anh, nhưng hồ là của chung. Còn nếu đã nộp cái tạm gọi là thuế cảnh quan ấy, chủ nhà chắc chắn được hưởng view đẹp.

Câu chuyện đó khiến chúng tôi phải nghĩ nhiều về chuyện công bằng trong tổ chức cuộc sống đô thị. Nước Mỹ thời lập nghiệp từng là nơi giành giật đất đai ghê gớm. Chúng ta đã xem nhiều phim mô tả lại cảnh phân đất ngày xưa qua sức mạnh, bằng súng. Tác phẩm "Chùm nho nổi giận" giúp John Steinbeck nhận giải Nobel văn học cũng viết về cuộc cướp đoạt đất đai khốc liệt. Thời gian trôi, qua nhiều cọ sát, mâu thuẫn, ở nhiều nước người ta đã điều chỉnh được các vấn đề về quyền lợi chung, lợi ích chung và lợi ích riêng trong vấn đề đất đai. Điều này khiến cho người ta thấy không phải ai nhanh chân hay may mắn hơn là hưởng lợi, mà có những lợi ích chung không ai có thể sở hữu. Trong đó có thiên nhiên.

Con người cùng thiên tai đang cùng tàn phá thiên nhiên. Trong ảnh: Bãi biển du lich Vũng Tầu bị xâm thực.

Con người và thiên tai đang cùng tàn phá thiên nhiên. Trong ảnh: Bãi biển du lich Vũng Tầu bị xâm thực.

Trong chuyến đạp xe xuyên Việt cuối năm ngoái, chúng tôi đi nhiều trăm cây số ven biển. Thật buồn khi có nơi hàng chục cây số dài ven mặt nước biển đi mà không thấy biển đâu nữa, bởi các nhà hàng, khách sạn, resort đã chiếm hết. Cái cách quy hoạch cho một bộ phận chiếm hết không gian ven biển, làm số đông tự nhiên thành ra mất cảnh quan biển, là không công bằng.

Cho nên nói về chuyện công bằng thì dễ. Có cơ chế kiểm soát xã hội để hiện thực hoá nó thì mới khó. Nhưng là việc cần làm.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top