Việt Nam là quốc gia đông dân thứ ba trong khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Sau 10 năm, quy mô dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương chủ trì hội nghị.
Việt Nam vẫn ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương cho biết, tỷ trọng dân số từ 15 - 64 vẫn chiếm đa số, khoảng 68% tổng dân số, nhưng tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên đang tăng với tốc độ nhanh nhất, chiếm 7,7%. Điều này cho thấy, mặc dù Việt Nam đang ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng nhưng tốc độ già hóa dân số đang tăng nhanh, đòi hỏi chúng ta vừa phải đồng thời thực hiện các chính sách để thích ứng với già hóa dân số, vừa phải tranh thủ tận dụng nguồn nhân lực vàng cho phát triển kinh tế, tạo bứt phá để vượt qua bẫy thu nhập trung bình.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, tỷ lệ tăng dân số bình quân giai đoạn 2009 - 2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 1999 - 2009 (1,18%/năm). Mật độ dân số là 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009 và là quốc gia có mật độ dân số đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau Philippines và Singapore).
Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ là hai vùng có mật độ dân số cao nhất toàn quốc, tương ứng là 1.060 người/km2 và 757 người/km2. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có mật độ dân số thấp nhất, 132 người/km2 và 107 người/km2. Tỷ số giới tính của dân số là 99,1 nam/100 nữ. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi; trong đó, tuổi thọ của nam giới là 71, nữ giới là 76,3 tuổi.
Đáng chú ý, cả nước có 9,1% phụ nữ trong độ tuổi từ 20 - 24 kết hôn lần đầu trước 18 tuổi. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có tỷ lệ phụ nữ từ 20 - 24 tuổi kết hôn lần đầu trước 18 tuổi cao nhất cả nước, lần lượt là 21,5%, 18,1%. Tổng tỷ suất sinh là 2,09 con/phụ nữ, dưới mức sinh thay thế. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn duy trì mức sinh ổn định trong hơn một thập kỷ qua, xu hướng sinh hai con là phổ biến. Tổng tỷ suất sinh của khu vực thành thị là 1,83 con/phụ nữ; khu vực nông thôn là 2,26 con/phụ nữ. Phụ nữ có trình độ đại học có mức sinh thấp nhất (1,85 con/phụ nữ), thấp hơn khá nhiều so với phụ nữ chưa bao giờ đi học (2,59 con/phụ nữ). TP.HCM là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước (1,39 con/phụ nữ), Hà Tĩnh là tỉnh có mức sinh cao nhất (2,83 con/phụ nữ).
Tình trạng sinh con ở tuổi chưa thành niên vẫn còn tồn tại ở Việt Nam, phụ nữ chưa thành niên (từ 10 - 17 tuổi) sinh con trong 12 tháng trước thời điểm điều tra chiếm tỷ trọng 3,3%o; cao nhất ở trung du và miền núi phía Bắc (9,7%o) và Tây Nguyên (6,8%o). Tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam có xu hướng tăng hơn so với mức sinh học tự nhiên từ năm 2006 đến nay, năm 2018 là 114,8 bé trai/100 bé gái, năm 2019 là 111,5 bé trai/100 bé gái.
Kết quả điều tra cũng chỉ ra rằng, dân số thuộc dân tộc Kinh là trên 82 triệu người, chiếm 85,3%. Trong 53 dân tộc thiểu số, 6 dân tộc có dân số trên 1 triệu người là: Tày, Thái, Mường, Mông, Khmer, Nùng; 11 dân tộc có dân số dưới 5.000 người. Địa bàn sinh sống chủ yếu của người dân tộc thiểu số là vùng trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Đến thời điểm Tổng điều tra năm 2019, có 16 tôn giáo được phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Tổng số có 13,2 triệu người theo tôn giáo, chiếm 13,7% tổng dân số cả nước. Trong đó, số người theo Công giáo là đông nhất với 5,9 triệu người, chiếm 44,6% tổng số người theo tôn giáo và chiếm 6,1% tổng dân số cả nước. Tiếp đến là số người theo Phật giáo với 4,6 triệu người, chiếm 35% tổng số người theo tôn giáo và chiếm 4,8% dân số cả nước.
Mặc dù dân số liên tục tăng nhưng di cư đang có dấu hiệu giảm cả về số lượng và tỷ lệ. Trong số 88,4 triệu dân từ 5 tuổi trở lên, số người di cư là 6,4 triệu người, chiếm 7,3%. Đông Nam Bộ là điểm đến thu hút nhất đối với người di cư (1,3 triệu người nhập cư), tiếp đến là Đồng bằng sông Hồng. Toàn quốc có 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ suất di cư thuần dương, nghĩa là người nhập cư nhiều hơn người xuất cư. Trong đó, tỉnh Bình Dương có tỷ suất di cư thuần dương cao nhất (200,4%o) với hơn 489.000 người nhập cư nhưng chỉ có khoảng 38.000 người xuất cư khỏi tỉnh này trong 5 năm trước. Như vậy, cứ 5 người từ 5 tuổi trở lên ở tỉnh Bình Dương thì có 1 người đến từ tỉnh khác. Tiếp theo là Bắc Ninh, TP.HCM và Đà Nẵng.
Có 43% người di cư đang phải sống trong các căn nhà thuê mượn, gấp gần tám lần tỷ lệ này của người không di cư. Các địa phương có nhiều khu công nghiệp thu hút đông lao động phổ thông là những nơi có tỷ lệ người di cư phải thuê/mượn nhà cao nhất, như: Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ.
Nhìn về kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở của Việt Nam năm 2019, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng, thành công này bổ sung thêm vào bảng thành tích về năng lực ấn tượng của Chính phủ Việt Nam trong việc điều phối và thực hiện tổng điều tra dân số và nhà ở, cũng như các cuộc điều tra dân số có quy mô khác. Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, khi mà dân số ở trong độ tuổi lao động vẫn đang gấp đôi số người ở trong độ tuổi phụ thuộc. Đây chính là cơ hội tuyệt vời cho phát triển kinh tế - xã hội nếu có các chính sách phù hợp về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là chính sách phát triển nguồn lực cho thanh niên, tạo việc làm, chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản, đảm bảo quyền bình đẳng giới.
Tuy nhiên, một vấn đề chưa được cải thiện nhiều, đó là tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, nhiều khả năng là do sự lựa chọn giới tính thai nhi, điều này bắt nguồn sâu xa từ văn hóa truyền thống của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Việc lựa chọn giới tính theo giới cần phải dừng lại và phải tăng cường thực hiện các chính sách pháp lý để nhằm ngăn cản điều này.
Làm cho số thống kê "biết nói"
Đánh giá cao cố gắng, nỗ lực của các thành viên Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương; các bộ, ngành, địa phương; cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, việc ứng dụng thành công công nghệ thông tin trong một cuộc tổng điều tra quy mô lớn đã tạo được tiếng vang trên phạm vi quốc tế. Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm hiện nay sử dụng thiết bị di động của điều tra viên thống kê cho công tác thu thập thông tin với nhiều chủng loại thiết bị khác nhau mà vẫn đem lại thành công với chi phí rẻ. Thành công này đã được các nước trên thế giới thừa nhận; đã có những nước đến Việt Nam để học tập kinh nghiệm (Sri Lanka, Nepal).
Thành công của Tổng điều tra cũng được chia sẻ trên các diễn đàn trên thế giới như Hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ban Chỉ đạo vùng về thống kê dân số và xã hội, Hội nghị khu vực về chuẩn bị Tổng điều tra dân số chu kỳ 2020, Hội nghị khu vực về nâng cao năng lực sử dụng thiết bị di động trong điều tra quốc gia phục vụ các Mục tiêu phát triển bền vững…
Cho rằng, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã hoàn thành nhưng cái đích cuối cùng chưa kết thúc, còn phải biên soạn các báo cáo chuyên đề, phân tích đánh giá làm cho số thống kê “biết nói”, có giá trị gia tăng không chỉ cho đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo các cấp mà chính cho người dân, Phó Thủ tướng lưu ý, các cơ quan liên quan bảo quản, gìn giữ an toàn cơ sở dữ liệu này.
“Rủi ro của hệ thống thông tin là rủi ro có tính hệ thống, phải quản lý thật chặt, bảo vệ an toàn dữ liệu, để trên cơ sở dữ liệu đó, có phân tích, đánh giá các báo cáo chuyên đề, báo cáo với Đảng, Chính phủ, các cơ quan nhà nước, phục vụ các địa phương trong hoạch định chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu, trên cơ sở dữ liệu thống kê có được, Ban Chỉ đạo cần tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh nhằm đảm bảo phát triển bền vững, tạo công bằng cho người dân. Để cung cấp chi tiết hơn thông tin phục vụ hoạch định chính sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) cần tiếp tục khai thác số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở để biên soạn các báo cáo chuyên đề chuyên sâu của từng lĩnh vực như già hóa dân số, di cư và đô thị hóa, lao động việc làm, giáo dục và đào tạo, tận dụng thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” để phát triển bứt phá, vượt bẫy thu nhập trung bình.
Dẫn các con số về số người ở độ tuổi từ 15 - 64 tuổi chiếm 68%, cứ có 1 người phụ thuộc thì có 2 người đi làm, nhưng tốc độ già hóa dân số rất nhanh, chỉ số già hóa 48,8%, tăng 13,3 điểm phần trăm so với 10 năm trước và tăng 2 lần so với 20 năm trước, là một trong những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trong khu vực, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, yếu tố dân số là rất quan trọng để phát triển đất nước, do đó, cần phân tích các vấn đề trên để vượt được ngưỡng thu nhập trung bình lên mức trung bình cao và thu nhập cao, khắc phục cho được tình trạng chưa giàu đã già.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chủ trì tổng hợp dữ liệu tổng điều tra để cung cấp cho các tiểu ban chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đảng và Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phục vụ đánh giá, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm, 10 năm tại các địa phương.
Tổng cục Thống kê tính lại tỷ lệ GRDP cho các tỉnh. Đồng thời, nghiên cứu, thử nghiệm và đưa vào áp dụng cách thức cập nhật số liệu dân số hàng năm từ cơ sở dữ liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, đảm bảo cung cấp dữ liệu về dân số hàng năm, tiết kiệm kinh phí và để 10 năm tới không cần thực hiện tổng điều tra dân số và nhà ở như hiện nay.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 14 tập thể và 30 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.